Chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng tăng 8,9% so với cùng kỳ Doanh nghiệp công nghiệp nỗ lực trở lại 'đường băng' tăng trưởng 10 ngành công nghiệp chủ yếu năm 2024 tăng trưởng ra sao? |
Chuyển dịch tích cực theo hướng hiện đại
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Cục Công nghiệp diễn ra chiều 27/12, ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp - cho biết, năm 2024, Cục Công nghiệp đã chủ động thực hiện tốt công tác điều hành, tham mưu, tập trung rà soát, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2024 của Chính phủ và các chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển công nghiệp, góp phần đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu của ngành Công Thương trong năm 2024.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tham dự và chủ trì hội nghị |
Những nỗ lực của Cục Công nghiệp và Bộ Công Thương đã góp phần quan trọng để sản xuất công nghiệp năm 2024 không chỉ phục hồi tích cực mà còn có sự tăng trưởng rất mạnh mẽ so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, quy mô sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, trên diện rộng và liên tục được mở rộng trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, giữ vai trò động lực, dẫn dắt tăng trưởng chung của nền kinh tế (chỉ số sản xuất ngành công nghiệp 11 tháng năm 2024 tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 0,9%), là mức tăng cao nhất trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay). “Với đà tăng như hiện nay, dự kiến cả năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng trên 8%, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch tăng 7-8%)”- lãnh đạo Cục Công nghiệp chỉ ra.
Bên cạnh đó, cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch tích cực theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững: tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo (tiêu chí và là biểu tượng của nước công nghiệp) tiếp tục tăng khá, đạt 24,1%, đáp ứng yêu cầu đề ra tại Nghị quyết 01 của Chính phủ; tỷ trọng ngành khai khoáng giảm mạnh.
Theo đó, công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành động lực tăng trưởng của toàn ngành và toàn nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao: Trong 11 tháng năm 2024, chỉ số sản suất ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2023 chỉ tăng 1,0%), đóng góp 8,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế tiếp tục phát triển như: Khai thác, chế biến dầu khí; khai thác, chế biến khoáng sản, điện, điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin; luyện kim, sắt thép; xi măng và vật liệu xây dựng; dệt may, da giày; cơ khí chế biến chế tạo, ô tô, xe máy..., tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn, cũng như thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Một số ngành công nghiệp xuất khẩu (dệt may, da giày, điện tử…) đã cơ bản hội nhập thành công vào chuỗi giá trị toàn cầu, có năng lực cạnh tranh cao và vị trí vững chắc trên thị trường quốc tế.
Nhiều mặt hàng công nghiệp như da giày, dệt may, điện tử có vị trí xếp hạng xuất khẩu cao so với khu vực và thế giới. Một số ngành công nghiệp nền tảng (thép, hóa chất, cơ khí chế tạo) đã từng bước đáp ứng nhu cầu về tư liệu và năng lực sản xuất của nền kinh tế; công nghiệp quốc phòng đã từng bước tham gia thúc đẩy phát triển nền công nghiệp quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội (nhất là trong các lĩnh vực như: Cơ khí, sản xuất vật liệu nổ công nghiệp; điện, điện tử; quang học; đóng mới, sửa chữa tàu và công trình thủy; sửa chữa máy bay, ra đa); công nghiệp hỗ trợ, sản xuất linh kiện, cụm linh kiện dần được hình thành, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và giá trị tăng trong các ngành công nghiệp, thúc đẩy tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị.
Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách
Báo cáo thêm tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Thành cho biết, trong năm 2024, Cục Công nghiệp tiếp tục triển khai các nội dung: Hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm, cụ thể Cục Công nghiệp đã báo cáo lãnh đạo Bộ lấy ý kiến Bộ, ngành và đăng tải thông tin về dự thảo mới nhất của Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm để trình Chính phủ cho ý kiến. Dự kiến sẽ đăng ký bổ sung vào Chương trình xây dựng luật năm 2025-2026 của Quốc hội.
Ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp báo cáo tại hội nghị |
Xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ; thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn tại Văn bản số 9444/VPCP-CN ngày 23/12/2024 của Văn phòng Chính phủ, Cục Công nghiệp đã trình lãnh đạo Bộ hồ sơ hoàn thiện Nghị định theo đúng quy định của pháp luật về ban hành văn bản pháp luật để trình lại Chính phủ.
Đáng chú ý, Cục đã xây dựng, hoàn thiện Chiến lược phát triển ngành: Thép, ô tô, sữa: Theo phân công của Bộ Công Thương, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương là đơn vị chủ trì xây dựng nội dung các chiến lược này. Cục Công nghiệp sẽ chịu trách nhiệm phối hợp để đảm bảo chất lượng nội dung các chiến lược. Cục Công nghiệp phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách Công Thương đôn đốc các Bộ ngành, địa phương, hiệp hội, tổ chức,... cho ý kiến để tổng hợp, hoàn thiện dự thảo chương trình và sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.
Xây dựng Chương trình phát triển bền vững ngành dệt may, da giày giai đoạn 2021 – 2030 (nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 115/NQ-CP và Quyết định 1643/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày Việt Nam). Ngày 21/3/2024, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 581/QĐ-BCT về việc phê đuyệt đề cương và kinh phí triển khai xây dựng Chương trình, giao Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương triển khai xây dựng Chương trình. Trên cơ sở làm việc với các hiệp hội, chuyên gia, doanh nghiệp, Cục Công nghiệp đã phối hợp Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển bền vững ngành dệt may, da giày đến năm 2030, tầm nhìn 2035.
Tiếp tục thực hiện các mục tiêu tăng trưởng năm 2025
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Công nghiệp cũng nhìn nhận, trong năm 2025 sắp tới, nền kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, đặc biệt là khả năng trỗi dậy mạnh mẽ trở lại của xu hướng phi toàn cầu hóa, bảo hộ mậu dịch và chiến tranh thương mại; cùng những căng thẳng địa chính trị mới.
Ông Phạm Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Công nghiệp phát biểu tại hội nghị |
“Trong nước, các ngành công nghiệp có nhiều cơ hội thị trường hơn từ việc đón nhận các dòng vốn đầu tư nước ngoài mới cùng những dự án lớn trong các lĩnh vực trọng điểm của quốc gia (đặc biệt là trong các ngành công nghệ cao như bán dẫn, năng lượng tái tạo, đường sắt tốc độ cao…). Tuy nhiên, điểm nghẽn về năng lực doanh nghiệp công nghiệp trong nước cũng như ngành công nghiệp hỗ trợ nội địa còn chậm phát triển sẽ tạo ra lực cản lớn cho các cơ hội này”- lãnh đạo Cục Công nghiệp bày tỏ.
Để góp phần, bảo đảm thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu năm 2025 của ngành Công Thương, Cục Công nghiệp sẽ tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp như: Tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách kinh tế vĩ mô nói chung và phát triển công nghiệp nói riêng của Chính phủ và Bộ Công Thương, thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.
Ông Lý Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại hội nghị |
Bên cạnh đó, tập trung công tác tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật làm cơ sở cho các nguồn lực tăng trưởng mới trong các ngành công nghiệp trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn.
Cụ thể, nghiên cứu, đề xuất xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chung về phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên để chế hóa các chủ trương mới của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo cơ sở pháp lý thống nhất để thúc đẩy phát triển công nghiệp nhanh và bền vững.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong việc nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành các nghị định, văn bản hướng dẫn Luật Điện lực (sửa đổi) và nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam; đồng thời khẩn trương tham mưu để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp quan trọng như cơ khí, ô tô, thép… nhằm tận dụng cơ hội thị trường rất lớn từ các ngành năng lượng và giao thông trong thời gian tới.
Khẩn trương đề xuất ban hành Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trong giai đoạn mới (2025 - 2035) để tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp nội địa đáp ứng các yêu cầu tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, đón đầu các cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài mới.
Tiến sĩ Vũ Văn Khoa - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí phát biểu tại hội nghị |
Tham mưu trình Chính phủ sớm phê duyệt Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 3/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; xây dựng và trình Bộ trưởng ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 111/2015/NĐ-CP sửa đổi.
Tiếp tục giải trình để Chính phủ thông qua Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 67/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá.
Triển khai xây dựng Nghị định và Thông tư hướng dẫn Luật Địa chất và Khoáng sản số 54/2024/QH15.
Đồng thời tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình làm việc với các địa phương và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiện có nhằm phát huy đà tăng trưởng của các ngành công nghiệp tại các vùng kinh tế trọng điểm, tạo động lực tiếp tục thúc đẩy đà tăng trưởng công nghiệp trên phạm vi toàn quốc.
Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và các bên liên quan theo dõi diễn biến thị trường, tình hình phát triển công nghiệp trong và ngoài nước, tăng cường kết nối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi giá trị, hỗ trợ giải quyết các vướng mắc, khó khăn và thúc đẩy phát triển công nghiệp.
Trong năm 2024, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ, sự tập trung của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của Cục Công nghiệp, các hoạt động của Cục Công nghiệp đã cơ bản được triển khai tốt và hoàn thành kế hoạch được giao, góp phần đáng kể vào sự phát triển bền vững ngành Công Thương trong thời gian qua và trong giai đoạn tới. |