Tập trung đầu tư để sản phẩm OCOP Quảng Bình khẳng định được thương hiệu Quảng Bình: Hoa quả ngoại và sản phẩm OCOP hứa hẹn ''hút khách'' dịp Tết |
Phong trào OCOP lan toả mạnh mẽ
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, chương trình OCOP ngày càng trở thành phong trào, lan tỏa mạnh mẽ đến các địa phương và chủ thể sản xuất. Qua từng năm, sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP ngày càng được chủ thể quan tâm đầu tư phát triển, một số chủ thể ngày càng mở rộng vùng nguyên liệu thông qua hoạt động liên kết sản xuất, đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất, chế biến sản phẩm, thiết kế lại bao bì nhãn mác ngày càng thuận tiện, hiện đại, sang trọng.
Ngoài ra, đa số các chủ thể đã quan tâm xây dựng các chứng nhận quản lý chất lượng tiên tiến như: Vệ sinh an toàn thực phẩm (HACCP), chứng nhận ISO nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và hướng đến thị trường cao hơn, cùng với đó là sự quan tâm chỉ đạo, tư vấn, hướng dẫn của chính quyền địa phương, đơn vị tư vấn trong triển khai xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP.
Các sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Bình được trưng bày tại một gian hàng ở Cảng hàng không Đồng Hới |
Đặc biệt, trong năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình (là cơ quan thường trực chương trình) đã trực tiếp thuê tư vấn để hỗ trợ, nâng cấp, hoàn thiện cho 3 sản phẩm OCOP đạt 5 sao, đây là một trong những kết quả nổi bật, đánh dấu lần đầu tiên tỉnh có sản phẩm OCOP đạt 5 sao, góp phần thực hiện mục tiêu Kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 đề ra.
Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Quảng Bình cho biết, trong giai đoạn 2018 - 2024, thông qua nguồn vốn khuyến công đã hỗ trợ cho 32 cơ sở công nghiệp nông thôn có sản phẩm đạt OCOP với kinh phí hơn 2,4 tỷ đồng. Đơn vị đã hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất các sản phẩm, hỗ trợ thiết kế nhãn mác bao bì sản phẩm nhằm cải tiến mẫu mã bao bì, hộp đựng, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Đồng thời trung tâm cũng hỗ trợ đầu tư phòng trưng bày để giới thiệu, quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm OCOP. Qua đó, góp phần thúc đẩy liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tăng cường quảng bá các sản phẩm rộng rãi trên thị trường; thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh, đẩy lùi tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, tạo động lực để cho các cơ sở CNNT kết nối, mở rộng thị trường và tiếp tục nghiên cứu, đưa ra thị trường những sản phẩm mới chất lượng, góp phần mở rộng quy mô sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Phát triển sản phẩm OCOP còn tồn tại nhiều hạn chế
Tuy nhiên, theo ông Phạm Quang Hải - Giám đốc Sở Công Thương Quảng Bình: “Việc phát huy thế mạnh các sản phẩm OCOP tại địa phương vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Cụ thể, khả năng tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình sản xuất và chiến lược phát triển sản phẩm chưa phù hợp và bền vững; chưa mạnh dạn đầu tư, khai thác đúng mức cho truyền thông quảng bá và tận dụng tối đa các kênh truyền thông hiện đại, thương mại điện tử; chưa khai thác được hết giá trị sản phẩm nông sản chủ lực, đặc thù của mình; một số sản phẩm OCOP thiếu kênh tương tác với người tiêu dùng”.
“Một số sản phẩm OCOP chưa được chú trọng về mẫu mã, thiết kế bao bì và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tạo uy tín cho thương hiệu từ các sản phẩm chủ lực, đặc sản của địa phương để giới thiệu, quảng bá tạo niềm tin đến người tiêu dùng và tiếp cận thị trường”- ông Hải cho hay.
Ông Trần Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình - cho biết: “Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, sản phẩm OCOP của tỉnh mặt dù đã có những thay đổi tích cực về bao bì nhãn mác, chất lượng sản phẩm, tuy nhiên nhiều sản phẩm vẫn có những điểm yếu, đặc biệt là tuân thủ và áp dụng các quy định hiện hành về quản lý chất lượng, ghi nhãn hàng hóa, sở hữu trí tuệ theo quy định".
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình, vừa qua Tổ giúp việc Hội đồng Đánh giá sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Bình đã tổng hợp có 10 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 7 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm và 3 sản phẩm thuộc nhóm thủ công mỹ nghệ, các nhóm sản phẩm khác không có hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng. Tuy nhiên, các sản phẩm còn nhiều yếu điểm về nhãn mác, quy mô sản xuất và tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng như công tác xúc tiến quảng bá.
Sản phẩm OCOP của tỉnh đa số có chất lượng tốt, được thị trường đánh giá cao, tuy nhiên khi tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm ở các thị trường nước bạn như Lào, Thái Lan, Trung Quốc vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về đơn hàng số lượng lớn nên chưa đủ điều kiện để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
“Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đề nghị các chủ thể kinh tế tiếp tục quan tâm đầu tư mở rộng phát triển sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm thông qua hoạt động đầu tư máy móc, trang thiết bị vào khâu sơ chế, chế biến, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao, chất lượng sản phẩm tốt hơn; nghiên cứu tiếp tục cải thiện bao bì, mẫu mã sản phẩm ngày càng hiện đại, sang trọng; quan tâm đến công tác tiếp thị, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm; xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến cao hơn nữa nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường đích, thị trường xuất khẩu”- ông Trần Hoài Nam cho hay.
Tổ giúp việc Hội đồng Đánh giá sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Bình cho rằng, các chủ thể kinh tế tham gia Chương trình OCOP đa số có quy mô nhỏ lẻ, sản lượng sản xuất chưa nhiều, sản phẩm đa số là sơ chế, chưa qua chế biến sâu, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến sâu còn nhiều hạn chế, do đó chưa tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm; công tác tiếp thị, quảng bá sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức; chưa có hệ thống tổ chức phân phối đầy đủ, đủ mạnh để cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại; kiểm tra thực tế cho thấy, một số cơ sở sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu về hệ thống nhà xưởng cũng như hệ thống máy móc phục vụ sản xuất. |