Việc thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã và đang mang lại những tác động tích cực cho sự phát triển kinh tế, giúp mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa và sản phẩm của Việt Nam vào thị trường CPTPP. Đặc biệt, việc Vương quốc Anh chính thức gia nhập CPTPP là "bàn đạp" cho các doanh nghiệp Việt tiến sâu hơn vào thị trường tiềm năng của nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới.
Thời gian qua, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khai thác, tận dụng hiệu quả Hiệp định CPTPP, Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên đã triển khai, thực hiện các hoạt động, chương trình quan trọng. Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Huy Hoàng - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên - về vấn đề này.
Ông Nguyễn Huy Hoàng - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Thảo Nguyên |
- Sau 5 năm có hiệu lực với Việt Nam, nhiều tỉnh, thành phố đã và đang tận dụng tốt CPTPP để đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa. Thái Nguyên là một trong những địa phương tận dụng tốt hiệp định này. Ông có thể cho biết, trong những năm qua, hoạt động sản xuất, xuất khẩu của tỉnh đã có được những động lực nào? Hiệp định CPTPP đã tác động như thế nào đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Thái Nguyên?
Ông Nguyễn Huy Hoàng: Cùng với quá trình hội nhập kinh tế của nước ta, trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã thu hút được các dự án lớn như: Dự án Tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên, dự án Samsung Electro-Mechanics Việt Nam, nhà máy sản xuất vải áo sơ mi cao cấp Việt Nam, dự án MDF Dongwha Việt Nam, dự án Hansol Việt Nam, dự án nghiên cứu, phát triển, kinh doanh, sản xuất sản phẩm điện tử và sản phẩm nhựa; Nhà máy Ket vina II - Thái Nguyên, dự án đầu tư nghiên cứu sản xuất và tiêu thụ tấm lát sàn PVC…
Trong năm 2024, các cơ quan của tỉnh Thái Nguyên đã đón tiếp và làm việc trực tiếp với trên 100 nhà đầu tư đến từ các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore… đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Tính đến ngày 15/12/2024, đã cấp mới 25 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thu hút vốn đăng ký đầu tư vào các dự án trong các khu công nghiệp quy đổi là 680,4 triệu USD. Lũy kế trong các khu công nghiệp, hiện có tổng số 318 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực, trong đó, 178 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 10,6 tỷ USD.
Tính đến ngày 15/12, giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh Thái Nguyên đạt 42,2 tỷ USD; trong đó, giá trị xuất khẩu đạt 26,6 triệu USD.
Tính riêng giá trị xuất khẩu vào thị trường các nước CPTPP đạt 3,4 tỷ USD (chiếm 12,9%) trong tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh. Các mặt hàng xuất khẩu vào thị trường CPTPP đa dạng, tập trung các mặt hàng chủ yếu là máy tính bảng, điện thoại di động, linh kiện điện tử, sản phẩm công nghiệp khoáng sản, sản phẩm may mặc, sản phẩm dụng cụ y tế, các sản phẩm từ sắt, thép, các sản phẩm từ gỗ, giấy.
Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu từ thị trường CPTPP đạt 3,9 tỷ USD, (chiếm 25,1%) trong tổng giá trị nhập khẩu của tỉnh; với các mặt hàng chủ yếu là linh kiện điện tử, các loại máy móc thiết bị phụ tùng, tinh quặng Vonfram, các sản phẩm từ nhựa, các loại vải…
Công ty may mặc trên địa bàn Thái Nguyên có sản phẩm xuất khẩu vào thị trường CPTPP. Ảnh: Cấn Dũng |
- Thời gian qua, Sở Công Thương Thái Nguyên đã có những hoạt động, chương trình gì để hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tận dụng tốt hơn ưu đãi từ các FTA, trong đó có CPTPP để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa cũng như giúp doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới, thưa ông?
Ông Nguyễn Huy Hoàng: Căn cứ thực hiện Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 24/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP, UBND tỉnh Thái Nguyên đã giao Sở Công Thương tham mưu xây dựng Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 3/4/2019, triển khai thực hiện Hiệp định CPTPP trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Trong đó, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành và tổ chức liên quan nhằm triển khai thực hiện đầy đủ và khai thác có hiệu quả Hiệp định CPTPP trên địa bàn tỉnh. Các sở, ban, ngành và tổ chức liên quan chủ động triển khai theo chức năng của ngành và phạm vi quản lý của địa phương, cụ thể hóa thành các nhiệm vụ gắn với nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao, bao gồm các nội dung:
Thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về CPTPP và thị trường các nước; hướng dẫn hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh theo đúng các quy định của pháp luật và cam kết trong hiệp định. Đảm bảo việc thực hiện cơ chế tham vấn, lấy ý kiến các đối tượng có liên quan trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật.
Bên cạnh đó, tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đầu mối về hội nhập kinh tế quốc tế thuộc Bộ Công Thương, các bộ, ngành trung ương, các địa phương để đảm bảo việc thực hiện Hiệp định được hiệu quả.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo lập và củng cố nền hành chính năng động, dân chủ, hiện đại; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính, tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Triển khai thực hiện các chính sách xã hội, bao gồm chính sách hỗ trợ tài chính, đào tạo, đào tạo lại chuyển đổi nghề nghiệp; cung cấp các dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm,... để hỗ trợ người lao động khi mất việc làm do các doanh nghiệp không đứng vững được trong quá trình cạnh tranh.
- Thị trường đang rộng mở với hàng hóa Việt Nam khi Vương quốc Anh gia nhập CPTPP. Tuy nhiên, việc tiếp cận thị trường này không hề dễ dàng bởi sự cạnh tranh và những yêu cầu cao về chất lượng. Vậy cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang gặp phải những khó khăn, vướng mắc nào trong việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang thị trường CPTPP, thưa ông?
Ông Nguyễn Huy Hoàng: Vương quốc Anh gia nhập CPTPP, cửa thị trường đang rộng mở với hàng hóa Việt Nam cũng như đối với tỉnh Thái Nguyên. Tuy nhiên, hiện nay, các đơn vị ở tỉnh Thái Nguyên còn một số khó khăn để mở rộng thêm vào thị trường này
Cụ thể, việc xây dựng thương hiệu và tiếp cận thị trường CPTPP và thị trường Anh của các doanh nghiệp địa phương của tỉnh Thái Nguyên còn hạn chế. Chưa có được nhiều thông tin về nhu cầu của thị trường CPTPP, thị trường Anh đối với các sản phẩm lợi thế của tỉnh; doanh nghiệp chưa chủ động tìm hiểu yêu cầu thị trường.
Chưa có được sự kết nối, gắn kết giữa doanh nghiệp uy tín của các nước trong hiệp. Định CPTPP, thị trường Anh với doanh nghiệp của tỉnh để từ đó doanh nghiệp nước ngoài sẽ tư vấn, hỗ trợ cho doanh nghiệp của tỉnh trong tìm hiểu thị trường để sản xuất các sản phẩm theo yêu cầu, nhu cầu tiêu dùng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp của tỉnh Thái Nguyên xuất khẩu vào thị trường Anh chủ yếu là các doanh nghiệp khối FDI. Khối doanh nghiệp trong nước chỉ có 1 đơn vị may mặc có sản phẩm xuất khẩu vào thị trường này, tuy nhiên giá trị ở mức còn thấp (khoảng 4,1 triệu USD).
Ngoài ra, đối với sản phẩm chè của tỉnh Thái Nguyên, một số đơn vị trên địa bàn tỉnh đã bước đầu tiếp cận thành công xuất khẩu vào các thị trường khó tính như: Đức, Séc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp (dưới hình thức ủy thác), tuy nhiên, lượng hàng chưa ổn định, số lượng chưa nhiều.
Đặt trụ sở tại Khu công nghiệp Yên Bình (TP. Phổ Yên, Thái Nguyên), SEVT hiện là một cứ điểm sản xuất điện thoại di động hàng đầu thế giới với tổng cộng gần 1 tỷ sản phẩm. Ảnh: Thành Đạt |
- Để tăng tốc khai thác dư địa thị trường từ thị trường CPTPP, từ góc độ địa phương, ông có đề xuất gì về công tác hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa sang thị trường CPTPP trong thời gian tới? Trong năm 2025, ngành Công Thương Thái Nguyên sẽ tập trung vào các giải pháp nào để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, đóng góp vào tăng trưởng chung của đất nước?
Ông Nguyễn Huy Hoàng: Từ góc độ địa phương, Sở Công Thương Thái Nguyên đề nghị công tác hỗ trợ xuất khẩu hàng hoá sang thị trường CPTPP với Bộ Công Thương và các cơ quan. Cụ thể
Thứ nhất, đề nghị các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục hỗ trợ phân tích, cung cấp thông tin về thị trường nước Anh về nhu cầu thị hiếu đối với các nhóm mặt hàng; rào cản vào thị trường này và cách thức để vượt được rào cản; hỗ trợ đơn vị Thái Nguyên xây dựng thương hiệu ở thị trường CPTPP;
Thứ hai, đề nghị các Cục, Vụ, Viện của Bộ, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) tổ chức tọa đàm hệ sinh thái theo nhóm ngành hàng mà doanh nghiệp trong nước của Thái Nguyên có lợi thế: may mặc, cơ khí, sản phẩm trà hữu cơ. Qua đó, xác định các nhiệm vụ và công tác phối hợp các các cơ quan trong việc hỗ trợ thúc đẩy đơn vị xuất khẩu hiệu quả.
Thứ ba, đề nghị thương vụ Việt Nam tại các nước trong Hiệp định CPTPP giúp cung cấp cho Thái Nguyên danh mục các đơn vị có uy tín, có nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm thế mạnh của tỉnh Thái Nguyên (điện thoại, linh kiện điện tử, sản phẩm gỗ lát sàn, may mặc, cơ khí, sản phẩm trà hữu cơ).
Thứ tư, đề nghị thương vụ Việt Nam tại các nước trong Hiệp định CPTPP hỗ trợ tổ chức các chương trình kết nối các đơn vị xuất khẩu của tỉnh Thái Nguyên với các doanh nghiệp của các nước tham gia Hiệp định CPTPP các kỳ họp năm 2025.
Về giải pháp, thời gian tới, ngành Công Thương Thái Nguyên đề xuất và sẽ tập trung triển khai các giải pháp, cụ thể:
Thứ nhất, tiếp tục công tác tuyên truyền về chủ trương về hội nhập kinh tế, trong đó có Hiệp định CPTPP.
Thứ hai, xác định các mặt hàng có thế mạnh của tỉnh Thái Nguyên là may mặc, cơ khí, sản phẩm trà hữu cơ; như vậy, cần nghiên cứu thị trường Anh nói riêng và thị trường CPTPP nói chung có nhu cầu như thế nào đối với các sản phẩm này, để sản xuất được những sản phẩm mà thị trường cần.
Thứ ba, đối với riêng thị trường Vương Quốc Anh, tiếp tục nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp thay đổi tư duy kinh doanh với thị trường Anh, thấu hiểu văn hóa của thị trường Anh, các tập quán kinh doanh và thay đổi tư duy bán hàng. Tư duy bán hàng cho người tiêu dùng Anh quốc có yêu câu cao về chất lượng.
Thứ tư, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp mạnh dạn đa dạng hóa các sản phẩm mà thị trường có nhu cầu, thay vì việc chỉ tập trung ở những số lượng hữu hạn, các sản phù hợp với văn hóa, xu hướng, nhu cầu sử dụng của thị trường.
Thứ năm, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục thúc đẩy thu hút các dự án đầu tư vào tỉnh Thái Nguyên vào các lĩnh vực, ngành có lợi thế để tận dụng các cơ hội từ CPTPP và các FTA khác.
Xin cảm ơn ông!