Bộ Công Thương sẽ triển khai nhiều hoạt động xúc tiến xuất khẩu xanh
Xuất khẩu xanh đang là xu hướng tất yếu, các quy định, tiêu chuẩn liên quan đến yếu tố xanh đang dần được luật hoá tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, vậy thưa ông, đâu là cơ hội của Việt Nam trong xu hướng này?
Xuất khẩu xanh với Việt Nam bao gồm cả cơ hội và thách thức. Qua trao đổi của các diễn giả có thể thấy, đầu tiên, xuất khẩuxanh mang lại lợi nhuận biên cao hơn cho sản phẩm. Những sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn xanh, chứng chỉ carbon có giá bán cao hơn rất nhiều lần so với sản phẩm thông thường.
Cơ hội thứ hai, để đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, doanh nghiệp phải nâng cao năng lực để tạo ra được sản phẩm xanh. Khi đó, doanh nghiệp một mặt không phải nộp thuế carbon, sản phẩm lại có lợi thế cạnh tranh hơn so với sản phẩm cùng loại của nước khác chưa đáp ứng tiêu chuẩn này.
ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương |
Một lợi thế nữa, trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, kinh doanh có điều kiện đối với các tập đoàn kinh tế lớn, đa quốc gia có chuỗi cung ứng dài và rộng khắp thế giới thì chi phí chuyển đổi là rất lớn, thời gian chuyển đổi sẽ lâu hơn. Trong khi với Việt Nam, hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu có quy mô nhỏ và vừa như vậy việc chuyển đổi hệ thống kiểm soát nội bộ sẽ nhanh hơn, tốn ít chi phí hơn.
EU là thị trường xuất khẩu lớn, các quy định và tiêu chuẩn xanh của thị trường này rộng, phức tạp, dự kiến sẽ tác động mạnh mẽ tới xuất khẩu của Việt Nam, vậy trách nhiệm của Bộ Công Thương ra sao về việc phổ biến chính sách này?
Từ năm 2022, Bộ Công Thương đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành liên quan, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để cung cấp nhanh những thông tin, yêu cầu mới và hướng dẫn của EU liên quan đến thoả thuận xanh, chuyển đổi xanh của EU giúp doanh nghiệp thích ứng hiệu quả và nhanh nhất đối với yêu cầu mới này.
Song song với việc hỗ trợ tiếp cận thông tin, nâng cao năng lực đáp ứng tiêu chuẩn mới cho doanh nghiệp, các bộ, ngành liên quan nhanh chóng bổ sung và hoàn thiện khung khổ pháp lý, đưa ra các quy định, tiêu chuẩn để xác định thế nào là xanh. Riêng trong công tác xúc tiến thương mại, chúng tôi đã xây dựng bộ chỉ số về năng lực xúc tiến thương mại, sắp tới bộ chỉ số này sẽ được bổ sung thêm những chỉ số về chuyển đổi xanh trong xúc tiến thương mại và xúc tiến xuất khẩu.
Hiện Chính phủ đã có chương trình liên quan đến việc xây dựng khung khổ pháp lý cho chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh doanh có điều kiện giai đoạn từ năm 2023 - 2027, theo đó các Bộ ngành xây dựng và hoàn thiện chương trình hành động cho lĩnh vực quản lý của mình.
Xin ông chia sẻ cụ thể những việc Bộ Công Thương đã và sẽ triển khai trong thời gian tới đây để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu đáp ứng các tiêu chuẩn xanh?
Trong thời gian qua, các cấp, các ngành trong đó có ngành Công Thương đã tập trung tuyên truyền phổ biến về quy định mới, đặc biệt là quy định mới liên quan đến chuyển đổi xanh, trung hoà carbon, kinh doanh có trách nhiệm, trong đó có cả cơ chế chính sách của EU liên quan đến hàng hoá nhập khẩu.
Xuất khẩu xanh là xu hướng không thể đảo ngược, đòi hỏi sự tiếp cận nhanh của doanh nghiệp |
Trên góc độ xúc tiến xuất khẩu, từ năm 2022 Bộ Công Thương đã tổ chức Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu xanh” nhằm qua đó tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức hơn nữa cho doanh nghiệp về vai trò, ý nghĩa của chuyển đổi xanh, sản xuất kinh doanh có trách nhiệm với hàng hoá xuất nhập khẩu.
Sắp tới, theo tôi, việc cần phải làm khẩn trương nhất vẫn là phổ biến tuyên truyên truyền, nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp xuất khẩu về chuyển đổi xanh, chấp hành Thoả thuận Xanh của EU và sản xuất kinh doanh có trách nhiệm để một mặt tiếp cận, thích ứng với yêu cầu mới, mặt khác tận dụng nhanh cơ hội mang lại từ quy định so với các đối thủ cạnh tranh. Để hoàn thành việc này một cách hiệu quả, chúng ta phải kéo cả hệ thống chính trị vào cuộc từ trung ương đến địa phương, doanh nghiệp, hoạt động uyên truyền phải mang tính liên vùng.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ triển khai các chương trình hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực với sự hợp tác của các tổ chức quốc tế để nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cho các ngành sản xuất, đặc biệt với từng ngành có liên quan đến Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU.
Mỗi ngành sản xuất, mỗi khu vực, Bộ Công Thương sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật thông qua chương trình với doanh nghiệp. Trên khía cạnh xúc tiến xuất khẩu, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để cung cấp tốt nhất thông tin về quy định mới và hướng dẫn mới liên quan đến Thoả thuận Xanh EU, kinh doanh có điều kiện và kinh tế tuần hoàn cho các ngành sản xuất trong nước để có thể đáp ứng hiệu quả.
Xin trân trọng cảm ơn ông!