Bộ Công Thương: Hỗ trợ cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn qua chính sách khuyến công
Một trong những vấn đề của ngành Công Thương được các đại biểu cử chi cả nước quan tâm trong Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV là chính sách quan tâm thúc đẩy công nghiệp làng nghề ở nông thôn vì đây là lĩnh vực có vị trí rất quan trọng trong việc giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động nông nghiệp và tăng thu nhập cho nhân dân sinh sống ở các khu vực nông thôn.
Nhiều chính sách phát triển công nghiệp nông thôn |
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Công Thương cho hay, phát triển công nghiệp làng nghề trên địa bàn nông thôn đã và đang được Đảng, Nhà nước và các địa phương quan tâm, là hướng đi tích cực để đẩy mạnh công nghiệp hóa nông thôn và góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 về phát triển ngành nghề nông thôn, trong đó quy định Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan quản lý nhà nước về làng nghề, ngành nghề nông thôn tại Trung ương. Tại Nghị định đã quy định các cơ chế, chính sách để phát triển làng nghề và ngành nghề nông thôn.
Cơ sở công nghiệp nông thôn tại các làng nghề cũng là đối tượng thụ hưởng của Chương trình khuyến công, được hưởng đầy đủ các nội dung hỗ trợ của hoạt động khuyến công theo Nghị định số 45/2012/NĐ-CP. Do đó, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ phát triển công nghiệp làng nghề ở nông thôn từ hoạt động khuyến công theo các quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công. Việc thực hiện chính sách khuyến công đối với các làng nghề hướng tới các nội dung của hoạt động khuyến công như: Hỗ trợ đào tạo, xây dựng thương hiệu sản phẩm, hỗ trợ phát triển thị trường, hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, hỗ trợ xử lý môi trường.
Các địa phương cần chủ động xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực, trong đó, đặc biệt quan tâm đến các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm làng nghề (khoa học, công nghệ; xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm, sở hữu trí tuệ; đào tạo nguồn nhân lực; tiếp cận vốn tín dụng, đầu tư cơ sở hạ tầng đối với làng nghề, cụm công nghiệp làng nghề); quan tâm có các chính sách đối với nghệ nhân, thợ giỏi nghề thủ công mỹ nghệ, để hỗ trợ, thúc đẩy làng nghề, cụm công nghiệp làng nghề phát triển bền vững.