Bảo hiểm nông nghiệp: Vì sao doanh nghiệp chưa mặn mà?
Toàn cảnh Diễn đàn |
Phát biểu khai mạc, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, BHNN là một sản phẩm bảo hiểm truyền thống nằm trong số hơn 500 sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ hiện hành trên thị trường bảo hiểm thế giới (bao gồm trên 250 sản phẩm bảo hiểm tài sản, gần 200 sản phẩm bảo hiểm con người và xấp xỉ 100 sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm). Tại Việt Nam, mặc dù BHNN đã được triển khai khá đồng bộ và quyết liệt từ 2011, các cơ chế chính sách đã ban hành thực hiện khá đầy đủ, tạo điều kiện cơ sở để các DN bảo hiểm tổ chức triển khai thực hiện nhưng BHNN Việt Nam vẫn bộc lộ không ít những khó khăn, hạn chế.
Theo các chuyên gia BHNN, Việt Nam đã thí điểm BHNN tới lần thứ 4. Tuy nhiên, trong giai đoạn thí điểm vừa qua, các công ty bảo hiểm chỉ thu được phí là 394 tỷ đồng nhưng đã phải bỏ ra tới 712 tỷ đồng để trả tiền bảo hiểm. Do vậy, nhiều DN bảo hiểm vẫn chưa mặn mà tham gia.
Liên quan đến vấn đề này, bà Hoàng Thị Tính - Tổng giám đốc Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) - cho biết: BHNN đòi hỏi vốn lớn, có số đông người tham gia bảo hiểm, cần kênh phân phối lớn, nhưng ít DN đáp ứng được yêu cầu này. Số liệu thống kê dịch bệnh thiếu chính xác nên nhiều DN không có số liệu đánh giá. Trong khi đó, người nông dân lại không có nhiều tiền để đóng bảo hiểm cao.
Bên cạnh đó, bà Tính cho biết, khâu đánh giá rủi ro cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều DN chưa hiểu hết tập quán sản xuất của người nông dân. Trong khi đó, khu vực nông thôn lại thường xuyên xảy ra thiên tai, dịch bệnh, ẩn chứa nhiều rủi ro. Do vậy, khó thu xếp được các chương trình tái bảo hiểm, vì các nhà tái bảo hiểm không có số liệu chính xác để đánh giá. Hơn nữa, quy trình trồng trọt, chăn nuôi còn chưa phù hợp, thiếu sự kiểm soát. Số liệu thống kê khó thu thập và không đáp ứng được yêu cầu đánh giá. Nông dân còn sản xuất manh mún. Năng lực bảo hiểm của DN Việt Nam hạn chế.
Trong khi đó, ở góc độ người chăn nuôi, nhiều hộ nông dân lại tỏ ra ngần ngại với BHNN. Thống kê của Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tính đến giữa năm 2016, cả nước có 304.017 hộ nông dân, tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia BHNN. Giá trị được bảo hiểm là 7.747 tỷ đồng. Theo các chuyên gia kinh tế, con số này quá khiêm tốn so với một đất nước gần 70% người làm nông nghiệp như nước ta hiện nay.
Theo ông Hoàng Xuân Điều, đại diện Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, người dân chưa biết nhiều về BHNN và còn có tâm lý đợi hỗ trợ từ Nhà nước, nên ít người muốn mua BHNN.
Kiến nghị về các giải pháp trong thời gian tới, ông Hoàng Xuân Điều cho rằng, cần tiếp tục thí điểm, mở rộng BHNN để người dân được hưởng lợi từ chính sách này. Các DN bảo hiểm cần chủ động hơn trong việc thiết kế các sản phẩm. Nhà nước cần tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ về kỹ thuật nông nghiệp, hỗ trợ hoàn thiện quy trình quản lý rủi ro…
Còn theo bà Hoàng Thị Tính, Tổng giám đốc Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC), không nên giới hạn số lượng DN tham gia BHNN, không tạo ra rào cản, không giới hạn số chi nhánh ở các tỉnh. Hiện ABIC có 18.000 đại lý, rất thuận lợi để tiếp cận bà con nông dân. Ngoài ra, cần ưu đãi về giảm thuế, trích lập dự phòng, cung cấp số liệu về tổn thất để cung cấp cho các nhà tái bảo hiểm, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật nuôi trồng. Giám sát quá trình hợp tác, đảm bảo tuân thủ đúng pháp luật, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh.
Ông Tăng Minh Lộc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông nghiệp Việt Nam - cho rằng, cần hoàn chỉnh thêm chính sách hỗ trợ BHNN. Cụ thể, đối với đối tượng mua BHNN cần hỗ trợ một phần tiền bảo hiểm (chủ yếu với đối tượng nghèo, hộ thường, chủ trang trại mua lần đầu); có chính sách hỗ trợ DN bảo hiểm (tái bảo hiểm một phần) khi gặp rủi ro bất khả kháng do dịch bệnh, thiên tai. Đồng thời quy định rõ trách nhiệm của UBND các cấp trong BHNN…
Thống kê của Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tính đến giữa năm 2016, cả nước có 304.017 hộ nông dân, tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia BHNN. Giá trị được bảo hiểm là 7.747 tỷ đồng. Theo các chuyên gia kinh tế, con số này quá khiêm tốn so với một đất nước gần 70% người làm nông nghiệp như nước ta hiện nay. |