Bảng xếp hạng Bộ Công Thương công bố và “hàn thử biểu” của nền kinh tế
Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam là tài liệu chính thức của Bộ Công Thương về tình hình xuất nhập khẩu của từng nhóm mặt hàng, thị trường và công tác quản lý hoạt động xuất nhập khẩu cùng những phân tích và dự báo cho thời kỳ tiếp theo. Trong đó nổi bật là thống kê kết quả xuất nhập khẩu của những tỉnh Top đầu và các địa phương nằm ở vị trí “cuối bảng” của cả nước.
Bảng xếp hạng cho thấy, trong 2 năm 2020, 2021, các tỉnh ở “top” đầu vẫn không có mấy sự xáo trộn về thứ hạng. Các tỉnh dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu vẫn là TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên, Hải Phòng, Đồng Nai, Bắc Giang, Hà Nội… Tuy nhiên, nhiều địa phương đã có sự “bứt tốc’ đáng kính nể như Phú Thọ vươn lên từ vị trí 13 lên vị trí thư 10. Trong khi đó một số địa phương ở phía cuối bảng năm trước đến năm nay vẫn giữ nguyên vị trí. Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xuất, nhập khẩu của nhiều địa phương. Thế nhưng thực tế cho thấy ở địa phương nào quan tâm đến công tác cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh như: Hỗ trợ xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm; hỗ trợ gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất; khai thác tốt thị trường nội địa và mở rộng thị trường xuất khẩu ra nước ngoài… thì địa phương đó kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn tăng và ngược lại những địa phương mà cán bộ quản lý thiếu quan tâm, thiếu năng động thì kim ngạch xuất nhập khẩu tụt giảm.
Đại tá Đỗ Phú Thọ - Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân |
Bảng xếp hạng này có ý nghĩa rất quan trọng, mang tính định lượng cao, dựa trên kết quả thống kê con số hàng hoá xuất khẩu từ cơ quan hải quan nên không thể có chuyện “làm đẹp” con số. Nó cho thấy sức khoẻ của kinh tế mỗi địa phương, khả năng hội nhập và phát triển. Cùng với nhiều chỉ số kinh tế khác, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, đây là chỉ tiêu hết sức quan trọng mà mỗi địa phương phải quan tâm chắt chiu xây dựng, để tạo nên sức bật trong bối cảnh toàn cầu hoá.
Chỉ số kim ngạch xuất khẩu vì thế cần được lãnh đạo các tỉnh, thành, trước hết là các đồng chí Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh quan tâm hơn nữa để có căn cứ làm tốt hơn công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên đáng tiếc là thời gian qua, còn một số địa phương chưa thật sự chú ý tới những số liệu này. Số liệu đó cũng là công cụ hữu ích giúp doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia có được một nguồn thông tin chính thống phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu. Ở một khía cạnh khác, bảng xếp hạng và chỉ số kim ngạch xuất khẩu của mỗi tỉnh thành còn là một trong những thước đo đánh giá hiệu quả công tác, chất lượng cán bộ ở các địa phương, nhất là những cán bộ công chức liên quan trực tiếp đến công tác quản lý, điều hành xuất, nhập khẩu; cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội.
Tôi cho rằng việc Bộ Công Thương công bố Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2021 và bảng xếp hạng trên rất có ý nghĩa và mong rằng việc này sẽ được tiến hành thường niên, rộng khắp hơn; được dư luận đón nhận sôi nổi hơn giống như việc công bố chỉ số năng lực cạnh tranh CPI toàn quốc thời gian qua. Cùng với bảng xếp hạng này, Bộ Công Thương cần thường xuyên công bố các bảng xếp hạng khác như bảng xếp hạng chỉ số phát triển công nghiệp, bảng xếp hạng về phát triển thị trường nội địa, bảng xếp hạng về phát triển thương mại điện tử…Làm được như vậy chính là tạo ra những tấm gương soi, hàn thử biểu để các địa phương nhìn lại để đi tới, cùng thi đua vươn lên phát triển mạnh mẽ hơn nữa.