Bài 1: Nỗ lực từ chủ trương lớn
Nhiều kết quả khả quan trong công tác giảm nghèo thông tin
Là một trong những tỉnh miền núi địa hình chia cắt, 88% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, có 2/8 huyện nghèo, 67/108 xã đặc biệt khó khăn, mục tiêu giảm nghèo bền vững nói chung giảm nghèo thông tin nói riêng của Bắc Kạn gặp những thách thức không nhỏ.
Nhằm triển khai thực chất và hiệu quả công tác giảm nghèo thông tin, đầu năm 2023 UBDN tỉnh /chu-de/tinh-bac-kan.topic đã ban hành Kế hoạch thực hiện Tiểu dự án “Giảm nghèo thông tin” thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023. Đến nay, kế hoạch được triển khai với kết quả đạt được ban đầu khá khả quan góp sức vào thành quả công cuộc giảm nghèo của Bắc Kạn.
Theo thống kê, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh giảm từ 27,37% xuống còn 24,71%.
Đáng chú ý, tỷ lệ hộ nghèo thiếu hụt chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản đã giảm đáng kể. Cụ thể, tỷ lệ hộ dân thiếu hụt sử dụng dịch vụ viễn thông còn 27,76%, thiếu hụt về phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin còn 7,8%.
Bắc Kạn thực hiện nhiều hoạt động cung cấp thông tin thị trường, hàng hóa giúp bà con nông dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đúng thời điểm |
Riêng trong lĩnh vực thông tin về hàng hoá, thị trường, Bắc Kạn đã đạt những thành tích đáng ghi nhận. Ông Đinh Lâm Sáng- Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Kạn cho hay, Bắc Kạn đã hỗ trợ bằng đa dạng các phương thức nhằm giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh tiếp cận với thị trường để tiêu thụ sản phẩm.
Theo phương thức truyền thống, Sở Công Thương Bắc Kạn hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hội chợ, triển lãm trong nước, hội nghị kết nối cung cầu hàng năm … tại những thành phố lớn để tìm kiếm đối tác, kết nối đơn hàng.
Phương thức hiện đại, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận các sàn thương mại điện tử như Shopee, Sendo, Lazada…để quảng bá sản phẩm và bán hàng.
“Địa phương cũng quan tâm thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại tổ chức ở nước ngoài như Hy Lạp, Nhật Bản… nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin thị trường, mở rộng đầu ta cho sản phẩm”, ông Đinh Lâm Sáng thông tin thêm.
Không chỉ Bắc Kạn, công tác giảm nghèo thông tin thông qua đa dạng các hình thức đã được ngành Công Thương các địa phương trên cả nước triển khai hiệu quả. Điều này được Bộ Công Thương quán triệt, chỉ đạo nhằm hưởng ứng thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ về công tác giảm nghèo và để “không ai bị để lại phía sau”.
Với nhiệm vụ và chức năng của mình, ở cấp Trung ương Bộ Công Thương đã thực hiện rất nhiều chương trình từ cung cấp thông tin đến tổ chức kết nối cung cầu, đưa hàng hóa về các miền của tổ quốc, đặc biệt là về vùng nông thôn, vùng khó khăn mới mật độ dày đặc và khá sớm.
Bà Trịnh Thị Thanh Thuỷ- Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương cho biết, ngay từ những năm 2008-2009, khi Phát động Cuộc Vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, Bộ Công Thương đã xây dựng lên mạng lưới thông tin cung-cầu, giúp các doanh nghiệp tìm và sử dụng sản phẩm của nhau trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ. Cùng đó, hàng loạt các hoạt động thường niên về xúc tiến thương mại, xúc tiến thị trường, cung cấp hàng hóa về nông thôn được thực hiện.
“Đặc biệt, Bộ Công Thương đã quy hoạch vùng sản xuất, vùng phân phối đến tận khu vực hải đảo, miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng bãi ngang ven biển. Qua đó, tạo lập điều kiện sản xuất hàng hóa giúp bà con chuyển dịch từ tự cấp tự túc sang sản xuất hàng hóa”, bà Thuỷ nhấn mạnh.
Theo đại diện Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, các chương trình kết nối hàng hoá có tác động 2 chiều và khá toàn diện. Một mặt, thúc đẩy sản xuất hàng hoá ở vùng khó khăn, từ đó tạo việc làm, thu nhập cho bà con. Một mặt, cung cấp kênh tiêu thụ của bà con ra thị trường.
“Mặc dù không phải đích của các hoạt động này là nhắm tới mục tiêu để giảm nghèo thông tin nhưng hoạt động đó kết nối cung - cầu để tạo thành thị trường hàng hoá rộng khắp, đóng góp vào công cuộc xóa đói giảm nghèo vùng sâu vùng xa, hải đảo…”, bà Trịnh Thị Thanh Thuỷ đánh giá.
Còn đó những khó khăn
Những nỗ lực của các địa phương và Bộ Công Thương trong công tác cung cấp thông tin thị trường, hàng hoá được chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đánh giá là phong phú nhưng chưa bám sát, đặc biệt là tính cập nhật, tính định hướng chưa cao.
Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương cũng nhìn nhận điều này và chỉ rõ, thông tin có rất nhiều, phương thức cung cấp thông tin cũng rất đa dạng nhưng thu thập, cập nhật thông tin sát với diễn biến thực tế và nhu cầu của bà con thì lại là vấn đề lớn. Và việc chuyển hoá từ dữ liệu thông tin thành điều kiện sản xuất lại là một vấn đề lớn hơn nữa.
Còn nhiều khó khăn trong công tác giảm nghèo thông tin cho bà con vùng sâu, vùng xa |
Có thể hình dung, việc cung cấp thông tin cho bà con cần thực hiện theo 2 chuỗi xuôi và ngược. Chuỗi xuôi là cung cấp toàn bộ thông tin về thị trường, hàng hoá, thậm chí cả phương thức và địa điểm xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá để tiêu thụ sản phẩm. Chuỗi ngược là cung cấp thông tin đầu vào, tức là sản xuất
để hỗ trợ về con giống, vật tư trang thiết bị, cập nhật cả các cảnh báo về khí hậu, thiên tai giúp bà con thuận lợi trong quá trình sản xuất kinh doanh…
Một vấn đề nữa, hạ tầng viễn thông, điều kiện tiếp cận thông tin của bà con vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển rất khó khăn cũng tác động không nhỏ tới qua trình tiếp cận và tiếp thu thông tin được cung cấp từ phía cơ quan quản lý Nhà nước.
“Cộng hưởng tất cả những khó khăn trên khiến công tác cung cấp thông tin đầu ra-đầu vào về thị trường, hàng hoá của Bộ Công Thương còn gặp nhiều vướng mắc, hiệu quả chưa đạt như mong muốn”, bà Trịnh Thị Thanh Thuỷ nói.
Từ thực tế khó khăn của địa phương, ông Đinh Lâm Sáng bày tỏ, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo nâng cao chất lượng hạ tầng Internet cho vùng sâu vùng xa, phân cho mỗi sở ngành hướng dẫn một số xã trên địa bàn tỉnh để thực hiện chuyển đổi số. Địa phương cũng thí điểm cung cấp thiết bị như điện thoại thông minh cho một số thành viên tại một số xã để nâng cao khả năng tiếp cận và tiếp nhận thông tin, trong đó có thông tin thị trường, hàng hoá.
Tuy nhiên, những nỗ lực trên vẫn chưa đủ, Bắc Kạn cần nhiều hơn nữa sự hỗ trợ để phát triển hạ tầng tiếp nhận và truyền tải thông tin, cụ thể là Internet và thiết bị truyền thông phục vụ cho mục tiêu giảm nghèo thông tin.
Giảm nghèo thông tin là tiểu dự án thuộc 7 dự án thành phần nhằm thực hiện một trong những mục tiêu quan trọng là tăng cường tiếp cận thông tin thiết yếu cho cộng đồng dân cư; đảm bảo 100% xã có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo có điểm cung cấp thông tin công cộng phục vụ người dân sử dụng dịch vụ thông tin thiết yếu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội ở khu vực này. |