Bắc Kạn: Xây dựng các điểm bán sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền
Thời gian qua, các điểm mua bán này đã đáp ứng yêu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân, đặc biệt là sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền. Qua đó, đáp ứng đồng thời cả 2 tiêu chí là hỗ trợ các chủ thể OCOP mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm đặc sản của đồng bào.
Bắc Kạn có 155 sản phẩm OCOP mang đặc trưng riêng của địa phương |
Theo thống kê sơ bộ, toàn /chu-de/tinh-bac-kan.topic có 155 sản phẩm OCOP mang đặc trưng thế mạnh riêng của từng địa phương, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa theo quy định, được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng. Tiêu biểu như: Gạo nếp Khẩu Nua Lếch (Ngân Sơn), gạo Nếp Tài (Ba Bể), bí xanh thơm Ba Bể, trà hoa vàng (Chợ Đồn), miến dong Tài Hoan (Na Rì), trà Như Cố (Chợ Mới),...
Để phát huy giá trị thương hiệu sản phẩm OCOP, tỉnh Bắc Kạn đã và đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối thông tin sản phẩm OCOP. Trong đó, Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng kế hoạch khảo sát, lựa chọn địa điểm để hỗ trợ xây dựng mô hình điểm mua bán hàng hóa, sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền phục vụ hoạt động sản xuất và tiêu dùng của miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nhằm mục đích thu thập các thông tin số liệu về tổng quan mặt bằng, vị trí địa lý, giao thông, đời sống dân cư, đơn vị triển khai thực hiện xây dựng mô hình điểm mua bán hàng hóa, sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền phục vụ hoạt động sản xuất và tiêu dùng của miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Giới thiệu sản phẩm đặc sản Bắc Kạn tại các hội chợ, triển lãm |
Từ năm 2019, Sở đã xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại thành phố Bắc Kạn với quy mô cấp tỉnh. Đồng thời, xây dựng 2 điểm trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản tại thành phố Bắc Kạn và huyện Ba Bể nhằm mục tiêu hình thành 2 trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Năm 2022, Sở Công Thương tiếp tục hỗ trợ xây dựng mô hình Điểm mua bán hàng hóa, sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền tại Hộ kinh doanh Hà Thị Thoa (thôn Bó Lù, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể). Điểm mua bán sẽ được hỗ trợ thiết kế, in biển hiệu cửa hàng như biển chính, biển chữ dọc, biển điện Led; hỗ trợ trang thiết bị như kệ inox, tủ kính trưng bày, tủ đông lạnh, cân điện tử, quầy thu ngân, máy hút chân không...
Các sản phẩm bày bán đều có tem, nhãn, mã vạch truy xuất nguồn gốc, xuất xứ |
Như vậy, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 8 điểm bán hàng OCOP tại một số địa phương. Riêng trên địa bàn thành phố Bắc Kạn hiện có 3 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của tỉnh gồm: Cửa hàng nông sản sạch Đông Xương, Cơ sở sản xuất thương mại ANFA, Công ty cổ phần công nghệ dược liệu Bắc Hà. Các điểm bán hàng OCOP đã chủ động ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh trong phân phối, tiếp thị quảng bá, hình thành hệ thống xúc tiến thương mại, tăng doanh thu, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Hàng hóa được sắp đặt trên các giá, kệ một cách hợp lý, đẹp mắt, trưng bày khoa học theo từng loại sản phẩm. Các sản phẩm đều có tem, nhãn, mã vạch truy xuất nguồn gốc, khách hàng có thể tham quan, mua sắm trực tiếp.
Là một trong những tỉnh sớm triển khai chương trình OCOP, đến nay, Bắc Kạn đã có số lượng sản phẩm OCOP thuộc tốp đầu vùng miền núi, nhiều sản phẩm xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao. Phấn đấu đến năm 2025, Bắc Kạn có hơn 200 sản phẩm OCOP, trong đó có ít nhất 2 sản phẩm đạt 5 sao quốc gia. |