Thứ bảy 26/04/2025 05:55

Bất cập hạ tầng cản bước phát triển logistics trên hành lang kinh tế Đông- Tây

Chiều 22/11, tại TP. Đà Nẵng diễn ra hội thảo "Logistics kết nối hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC)" với sự tham dự của gần 300 đại biểu là đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp logistics, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong tuyến Hành lang.
Các doanh nghiệp trao đổi về vai trò của logistics trong thúc đẩy hoàn thiện hạ tầng EWEC

EWEC chưa phát huy hiệu quả do còn nhiều bất cập, hạn chế

Theo ông Marco Civardi – Giám đốc phụ trách khu vực Việt Nam – Lào – Campuchia – Myanma - Tập đoàn A.P.Moller - Maersk, giao thương qua biên giới trên hàng lang kinh tế Đông – Tây được dự đoán sẽ giúp thương mại song phương Việt Nam – Lào tăng 15%, Việt Nam – Thái Lan tăng tới 29% từ năm 2020. Việt Nam hiện đang là sự lựa chọn hàng đầu của các công ty quốc tế. Chiến lược “Trung Quốc + 1” có thể trở thành lối vào/ra Đông Nam Á cho Mỹ/ Châu Âu/ Trung Quốc thông qua hành lang Đông Tây, điều này giúp cho EWEC đứng trước những cơ hội rất lớn để phát huy tiềm năng và thế mạnh của mình.

Dù vậy, nhiều doanh nghiệp cho rằng, EWEC vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả kết nối kinh tế do còn tồn tại nhiều bất cập về hạ tầng "cứng" - giao thông, hạ tầng "mềm" - các thủ tục, ví dụ như hải quan.

Ông Dương Tiến Lâm – Tổng Giám đốc ASIATRANS Việt Nam cho rằng tuyến hành lang kinh tế Đông Tây chưa phát huy khai thác hiệu quả cả tuyến mà mới chỉ một vài chặng được sử dụng thường xuyên. Một số cửa khẩu như cửa khẩu Bavet – Mộc Bài (kết nối Việt Nam – Campuchia) hiện đang trong tình trạng quá tải. Việc quản lý phương tiện, hàng hóa còn theo các hiệp định song phương, chứ không phải đồng bộ cả 4 quốc gia. Bên cạnh đó, tại mỗi nước quá cảnh phải có tờ khai riêng, bộ chứng từ riêng.

Các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn khi các thông tin, quy định chưa được phổ biến kịp thời hoặc còn thiếu đồng bộ; các bất cập liên quan đến hàng hóa khiến xe từ Việt Nam bị phạt, bị giữ. Ông Lâm cũng lo ngại việc triển khai ACTS sẽ làm giảm tính linh động trong vận chuyển, phát sinh thủ tục và chi phí cho nhà vận chuyển.

Cùng quan điểm như trên, ông Võ Duy Nghi – Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH chỉ ra rằng hạ tầng “mềm” của EWEC đang rất nhiều bất câp. Thực tế EWEC đang bị cắt vùng bởi các hiệp định thương mại song phương. Vấn đề làm thủ tục Hải quan dù nói là 1 cửa nhưng rất rắc rối, giữa các nước với nhau không có sự thống nhất.

Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng đề cập đến vấn đề quản lý, đánh số, kẹp chì container giữa các thành viên trong EWEC cũng mỗi nơi một kiểu..

Theo ông Marco Civardi cần phải có sự cải thiện về giao thông, kết nối mạnh mẽ về thể chế trong EWEC để thúc đẩy logistics phát triển

Cần sự vào cuộc mạnh mẽ của chính phủ các nước

Theo ông Marco Civardi, cần thiết phải cải thiện kết nối về thể chế và giao thông dọc tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy logistics phát triển, cải thiện kinh tế và xã hội.

Cùng ý kiến như trên, ông Võ Duy Nghi cho rằng, trong EWEC nếu không phát triển, đồng bộ hạ tầng - cả hạ tầng mềm (hải quan) thì không thể phát triển được. Và vấn đề này chỉ được giải quyết khi có sự tham gia của Chính phủ các quốc gia thành viên.

“Phải có sự liên kết của các Chính phủ để phát triển hạ tầng đồng bộ để cùng hưởng lợi. Hiện tại, Việt Nam là một trong những nước ít được hưởng lợi nhất từ EWEC, đơn cử như năng lực vận tải của một số quốc gia EWEC yếu hơn Việt Nam nên khi vận chuyển qua nước bạn thì rất khó khăn”, ông Nghi nói.

Còn ông Dương Tiến Lâm thì đề xuất, trong khi chưa áp dụng ACTS, đề nghị xem xét áp dụng chính sách một cửa, một điểm dừng cho hàng hóa, phương tiện tại cửa khẩu đường bộ (Lao Bảo, Mộc Bài); đề nghị tăng thời gian giám sát tại cửa khẩu Lao Bảo để hỗ trợ giảm thời gian vận chuyển; Khi áp dụng khai báo ACTS, các quốc gia thuộc tiểu vùng Mê Kong mở rộng (GMS) xem xét cho phép khai báo tùy chọn cửa khẩu, miễn là cửa khẩu quốc tế thay vì chỉ chấp nhận các cửa khẩu theo mỗi tuyến hành lang; đề nghị có sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ các cơ quan chính quyền cho doanh nghiệp trong việc thực hiện đúng quy định theo các Nghị định thư đã ký kết; đồng bộ các quy định của nhà nước; đẩy nhanh mở tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây 2 tuyến đường Đà Nẵng – Nam Giang – Sekong – Champasak (Lào) – Vang tau – Ubon Ratchathani – Bangkok (Thái Lan) để tạo thuận lợi trong lưu thông hàng hóa.

Tổng Giám đốc tập đoàn Express – Thái Lan thì cho rằng, cần tính đến phương án vận tải xuyên biên giới trong EWEC để vận chuyển hiệu quả, tiết kiệm thời gian. Việc theo dõi giám sát thiết bị sẽ được thực hiện thông qua GPS.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đồng tình: hạ tầng là vấn đề then chốt của EWEC. Và cho rằng, những bất cập về hạ tầng, kể cả hạ tầng mềm, không thể giải quyết một sớm, một chiều. Dù vậy, đã có những tín hiệu của các quốc gia đã có những quan tâm đến đồng bộ hạ tầng trong tuyến EWEC để từ đó tạo thuận lợi thúc đẩy phát triển logistics.

Hành lang kinh tế Đông Tây (East West Economic Corridor - EWEC) là một chương trình phát triển kinh tế được khởi xướng tại Hội nghị Bộ trưởng GMS lần thứ 8 vào năm 1998 để tạo điều kiện phát triển kinh tế và hội nhập cho các nước EWEC. EWEC có chiều dài 1.450 km, đi qua 4 quốc gia Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.
Vũ Lê - Thành Long

Tin cùng chuyên mục

Cà phê, trà và trái cây Việt đón cơ hội từ Kazakhstan

'Cách mạng' logistics: AI, IoT, blockchain đang 'viết' lại chuỗi cung ứng

Tiềm năng rộng mở cho doanh nghiệp Việt tại thị trường Nga

Vận tải thủy - 'lực đẩy' âm thầm của logistics xanh

Infographic |Xuất khẩu hồ tiêu cả nước quý 1/2025 tăng trưởng mạnh

Ấn Độ áp thuế tự vệ tạm thời với thép cán phẳng hợp kim

Không còn 'hậu cần', logistics giờ là dịch vụ công nghệ cao

Hạ tầng - công nghệ - pháp lý: Ba trụ cột logistics bền vững

Triển lãm nguồn cung ứng toàn cầu thu hút 400 doanh nghiệp

Cơ hội nào để logistics phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0?

Nâng cao năng lực phát triển, quản lý chợ tại Gia Lai

Ông Trần Thanh Hải: Chuyển đổi số ngành dịch vụ logistics là không thể chậm trễ!

Số hóa dịch vụ logistics: Không để doanh nghiệp ‘lạc nhịp’ cuộc chơi 4.0

Việt Nam - Mexico: Đẩy mạnh hợp tác khai thác tiềm năng thương mại

Hội chợ nông sản - Bệ phóng để hợp tác xã bứt phá

Tiếp nhận cấp C/O, CNM và mã số REX từ VCCI: Bộ Công Thương không để doanh nghiệp gián đoạn hoạt động

Đà Nẵng: Xây dựng chính sách xúc tiến thương mại đột phá hơn

Thêm xung lực, thương mại Việt - Lào hướng mốc 10 tỷ USD

Từ 5/5/2025, VCCI chấm dứt cấp C/O, CNM và mã số REX

Bộ Công Thương triển khai nhiệm vụ mới về cấp C/O không ưu đãi từ ngày 5/5