2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sầu riêng đạt xấp xỉ cả năm 2022
Sầu riêng Việt Nam chiếm được 31,8% thị phần tại thị trường Trung Quốc
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), với diện tích đạt trên 112 nghìn ha (chiếm 9% diện tích trồng cây ăn quả) và sản lượng sầu riêng đạt 863 nghìn tấn mang lại giá trị kim ngạch xuất khẩu cao. Các thị trường tiêu thụ chính sầu riêng của Việt Nam là Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản và Hoa Kỳ.
2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sầu riêng đạt con số xấp xỉ cả năm 2022 |
Trong năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hơn 603 nghìn tấn sầu riêng, trong đó xuất sang thị trường Trung Quốc hơn 595 nghìn tấn (chiếm 98,6%). Đến hết tháng 2/2024, Việt Nam đã xuất được hơn 41 nghìn tấn, xấp xỉ sản lượng sầu riêng xuất khẩu trong năm 2022.
Tính đến nay, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã phê duyệt mã số cho Việt Nam 708 vùng trồng và 168 cơ sở đóng gói sầu riêng; trong đó, Đắk Lắk được cấp 68 mã số vùng trồng với diện tích 2.805 ha và 24 cơ sở đóng gói sầu riêng.
Cục Bảo vệ thực vật cho rằng, việc Nghị định thư “yêu cầu về kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc” được ký kết đã tạo cơ hội để tổ chức phát triển ngành hàng sầu riêng Việt Nam theo hướng hiện đại, chất lượng, an toàn và bền vững.
Sầu riêng của Việt Nam cũng đã khẳng định được chất lượng sản phẩm; mặc dù mới xuất khẩu từ tháng 9/2022, nhưng cũng đã chiếm được 31,8% thị phần tại thị trường Trung Quốc và chỉ đứng sau Thái Lan (chiếm 68% thị phần).
Thời gian tới, việc mở cửa thành công cho sản phầm sầu riêng đông lạnh vào thị trường Trung Quốc sẽ tạo ra một bước tiến quan trọng cho ngành hàng sầu riêng Việt Nam. Do đó, nếu tận dụng tốt cơ hội, lợi thế và tổ chức sản xuất chuyên nghiệp, đồng thời không ngừng cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng thì ngành hàng sầu riêng của Việt Nam sẽ không cần phải lo về chỗ đứng, thị phần mà có thể vượt qua sầu riêng của Thái Lan, chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh đó, cơ hội mở rộng thị trường được thúc đẩy bởi nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng, đặc biệt là tại khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc. Xu hướng ngày càng phổ biến của sầu riêng vượt ra ngoài thị trường châu Á, đặt sầu riêng trở thành một sản phẩm xuất khẩu chính với diện tích trồng lớn và sản lượng cao.
Vẫn còn nhiều tồn tại trong quản lý và tiêu thụ
Bên cạnh cơ hội thì ngành hàng sầu riêng cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức trong quản lý và tiêu thụ sản phẩm.
Cục Bảo vệ thực vật cho hay, từ sau khi Nghị định thư “yêu cầu về kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc” được ký kết, thì diện tích và sản lượng sầu riêng có tốc độ tăng trưởng nóng. Nhiều diện tích trồng cây ăn quả, cây lâu năm kém hiệu quả đã được phá bỏ và thay thế bằng cây sầu riêng.
“Diện tích sầu riêng tăng từ 60.000 ha năm 2018 lên hơn 110.000 ha năm 2023, tăng gần gấp đôi chỉ sau 5 năm. Sản lượng tăng từ 420.000 tấn năm 2018 lên hơn 900.000 tấn năm 2023, gấp hơn 2 lần. Tốc độ tăng trưởng diện tích và sản lượng sầu riêng trung bình trên 20%/năm”, đại diện Cục Bảo vệ thực vật thông tin.
Bên cạnh đó, hiện chưa có quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm (gian lận, mạo danh, không tuân thủ yêu cầu kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm…) trong sử dụng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Công tác giám sát chưa hiệu quả. Việc kiểm tra, giám sát còn lỏng lẻo, mang tính hình thức, làm cho có dẫn đến tình trạng gian lận, vi phạm quy định của nước nhập.
Thông báo không tuân thủ yêu cầu kiểm dịch thực vật không có dấu hiệu giảm trong khi chưa có quy định xử phạt các hành vi vi phạm nên quá trình xử lý, xác minh nguyên nhân vi phạm còn chậm, lúng túng; tình trạng gian lận và mạo danh mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã giảm tuy nhiên vẫn còn.
Đối với vùng trồng, cơ sở đóng gói, quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, trồng xen và có quá nhiều hộ tham gia sản xuất, gây khó khăn trong quản lý giám sát vùng trồng và quản lý sinh vật gây hại.
Chưa có quy trình quản lý chất lượng sản phẩm sầu riêng một cách thống nhất và chặt chẽ. Chất lượng sản phẩm không chưa thực sự ổn định giữa các vùng trồng; nhiều vườn thu hoạch quá sớm khi quả chưa đạt độ chín đã làm giảm chất lượng của sầu riêng.
Liên kết chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ còn lỏng lẻo, tổ chức giữa các khâu cầm chừng, chủ yếu quy mô trung bình và nhỏ. Hiện tượng tranh mua, tranh bán, loạn giá, bỏ hợp đồng, phá vỡ các chuỗi liên kết vẫn đang là “chủ đề nóng” tại các tỉnh trồng sầu riêng khi giá thị trường lên cao.
Nhiều người dân chưa nắm được quy định của nước nhập khẩu và chưa hiểu rõ lợi ích của mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, dẫn đến không phối hợp khi tham gia chuỗi liên kết; thiếu trách nhiệm giữa các bên khi tham gia liên kết sản xuất.
Việc sử dụng mã số trái phép, không đúng quy định và không tuân thủ các yêu cầu của nước nhập khẩu đã gây ảnh hưởng đến người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu đồng thời cũng ảnh hưởng đến uy tín của cả ngành hàng sầu riêng.
Nhiều cơ sở đóng gói không mua sản phẩm từ vùng trồng đã được cấp mã số; không mua sản phẩm từ vùng trồng liên kết đã được cấp mã số vẫn diễn ra đã ảnh hưởng lớn đến việc truy xuất nguồn gốc khi lô hàng gặp vấn đề.
“Thông báo vi phạm vẫn không ngừng tăng. Tình trạng này nếu không được cải thiện sẽ dẫn đến việc nâng cao rào cản kỹ thuật, thậm chí là có nguy cơ đánh mất thị trường vừa mới được mở cửa đối với mặt hàng sầu riêng”, Cục Bảo vệ thực vật nhấn mạnh.
Cần chiến lược phát triển ngành hàng sầu riêng dài hạn
Để sầu riêng không đi vào vết xe đổ của các nông sản khác “được mùa mất giá” hay phải “giải cứu sầu riêng”, đòi hỏi một chiến lược phát triển ngành hàng /chu-de/xuat-khau-sau-rieng.topic dài hạn, cùng các giải pháp tháo gỡ kịp thời nhằm đưa ngành sầu riêng phát triển bền vững.
Giải pháp được đặt ra đối với ngành hàng sầu riêng lúc này đó là xây dựng hệ thống văn bản pháp luật quy định về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và quy định về xử lý vi phạm về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để quản lý tốt các vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu.
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói nhằm kiểm soát chất lượng nông sản xuất khẩu ngay từ khâu đầu vào, canh tác; phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp các trường hợp vi phạm, gian lận trong sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu.
Phối hợp Cục Bảo vệ thực vật xác minh nguyên nhân và hướng dẫn các vùng trồng, cơ sở đóng gói không tuân thủ yêu cầu kiểm dịch thực vật.
Bên cạnh đó, cần tổ chức lại cấu trúc ngành hàng bền vững; tạo ra không gian để nông dân, doanh nghiệp cùng hợp tác trên nguyên tắc bình đẳng, hợp tác cùng có lợi. Phát triển chuỗi giá trị nông sản; liên kết chặt chẽ giữa các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời, thông qua các kênh truyền thông để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn các quy định liên quan đến yêu cầu kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nhằm nâng cao hiểu biết, nhận thức của cán bộ quản lý, người sản xuất và các doanh nghiệp xuất khẩu đặc biệt là ý thức về lợi ích của việc tuân thủ quy định và xây dựng uy tín cho ngành hàng này.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính của sầu riêng Việt Nam, chiếm hơn 90% lượng xuất khẩu. Sầu riêng Việt Nam đang dần thâm nhập vào các thị trường mới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU,... |