12 dự án tồn tại, yếu kém ngành Công Thương: Xử lý dứt điểm các vướng mắc
Giảm lỗ, có lãi
Báo cáo của Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho thấy, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 33/2016/QH14 của Quốc hội và hơn 1 năm thực hiện Đề án xử lý các dự án, doanh nghiệp (DN) theo quyết định 1468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, công tác chỉ đạo xử lý các dự án DN đã được thực hiện thống nhất, đồng bộ, đảm bảo bám sát quan điểm, mục tiêu nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị và phương án, giải pháp xử lý các dự án, DN theo đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
10 tháng năm 2018, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng đạt lợi nhuận 160,508 tỷ đồng |
Ông Dương Duy Hưng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - thông tin, trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất, kinh doanh thua lỗ thì đến nay bước đầu 2 nhà máy đã có lãi. Chỉ tính riêng 10 tháng năm 2018, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng có lợi nhuận 160,508 tỷ đồng; Nhà máy thép Việt - Trung có lợi nhuận 469 tỷ đồng. 4 dự án còn lại (Dự án cải tạo nhà máy sản xuất Đạm Hà Bắc; Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP 2- Lào Cai; Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất, Dự án nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình) đang từng bước khắc phục khó khăn.
Trong số 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất, kinh doanh đến nay, Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ đã vận hành trở lại 6 dây chuyền sản xuất; Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học (NLSH) Quảng Ngãi đã vận hành lại từ ngày 14/10/2018. Đối với Dự án Nhà máy sản xuất NLSH Bình Phước cũng đã xử lý xong các khâu liên quan và sẵn sàng khởi động để vận hành thương mại ngay khi thị trường thuận lợi.
Báo cáo nêu rõ, còn lại 3 dự án xây dựng dở dang, ngoài Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đang thực hiện phương án bán đấu giá toàn bộ tài sản và hàng hóa tồn kho; Dự án Nhà máy sản xuất NLSH Phú Thọ tiếp tục gặp khó khăn; Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên chưa giải quyết được tranh chấp Hợp đồng EPC với Tổng thầu là Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC) và các nhà thầu phụ.
Ông Dương Duy Hưng khẳng định, đến nay, tổng dư nợ trung và dài hạn của các dự án này đều giảm và đã giảm được 124 tỷ đồng so với thời điểm ngày 31/1/2018.
Chủ động hướng đến giải pháp bền vững
Để giải quyết các tồn đọng, lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị các tập đoàn, tổng công ty rà soát, cập nhật, đánh giá kỹ các vấn đề cụ thể còn vướng mắc, tranh chấp, các hợp đồng EPC, quyết toán và xử lý tài sản của dự án; xây dựng kế hoạch lộ trình cụ thể; thuê đơn vị tư vấn luật, tham vấn Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan để sớm xử lý dứt điểm.
Bên cạnh đó, các DN đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục tập trung thực hiện các biện pháp đổi mới quản trị DN, tiết giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, xây dựng kế hoạch thị trường… để nâng cao hiệu quả hoạt động một cách bền vững. Coi đây là nhiệm vụ cấp bách và thường xuyên, phát huy tinh thần sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị, loại bỏ tâm lý “trông chờ” vào hỗ trợ của nhà nước.
Việc xử lý các dự án, DN, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, phải vừa tổng thể, vừa cụ thể, khẩn trương nhưng thận trọng, chắc chắn từng bước; thực hiện đồng bộ các giải pháp theo phương án đã được xem xét, phê duyệt, vướng mắc ở đâu, xử lý ở đó, không chờ đợi làm kéo dài thời gian. Bộ trưởng nhấn mạnh, thời gian tới các tập đoàn, tổng công ty, chủ đầu tư cần nghiêm túc bám sát phân công nhiệm vụ và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương. Cần thống nhất cụ thể công việc đã hoàn thành, thực hiện chuyển giao sang Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại DN (Ủy ban), tiếp tục theo dõi, xử lý theo chức năng nhiệm vụ. “Tôi đề nghị lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty đề xuất báo cáo; đồng thời, báo cáo Ủy ban chủ động tiếp cận ngay. Vai trò của Bộ Công Thương trong các dự án gắn với nhiệm vụ cụ thể cũng phải rà soát, điều chỉnh kịp thời, phù hợp”- Bộ trưởng lưu ý.
Việc xử lý các dự án đảm bảo nguyên tắc không sử dụng vốn nhà nước, nguyên tắc thị trường và tự chịu trách nhiệm của DN, thu hồi về cho ngân sách 1.000 tỷ đồng chưa tính lãi. |