Sinh hoạt ngoài trời của các em học sinh người La Hủ |
Ðể “trường là nhà”
18 giờ - giờ ăn tối của các em trường Phổ thông dân tộc bán trú số 1 Pa Ủ (xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, Lai Châu), trong phòng ăn, những mâm cơm với trứng rán, lạc rang, canh rau cải đã được bày sẵn, những âu cơm nóng hổi vừa kịp bưng ra. Ngoài sân, các học sinh lần lượt xếp hàng, rửa tay rồi trật tự đi vào phòng ăn. Bữa cơm diễn ra nhanh chóng, nền nếp. Thức ăn trên mâm vừa hết, cũng là lúc mỗi em một việc, em cất ghế, em bê mâm bát ra ngoài bể nước rửa. Tất cả mọi hành động đều diễn ra rất thuần thục, gọn gàng… Nhìn các em, không ai nghĩ rằng tất cả các em đều là con em đồng bào La Hủ - dân tộc rất ít người, vừa ổn canh, ổn cư được vài năm nay.
Theo thầy Trương Văn Đông - Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú số 1 Pa Ủ, thực hiện việc đưa học sinh về trung tâm học tập và ở bán trú, năm học 2016 - 2017, trường Phổ thông dân tộc bán trú số 1 Pa Ủ có 190 học sinh, trong đó 100% các em đều là con em của đồng bào La Hủ. Vốn sinh ra và lớn lên ở các bản làng vùng sâu, vùng xa; sử dụng ngôn ngữ truyền miệng là chủ yếu nên các em đa phần là mù chữ, mù cả tiếng phổ thông. Đây chính là hạn chế khiến nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước dành riêng cho đồng bào La Hủ không phát huy được hiệu quả như mong đợi. Đến nay, nhiều làng bản người La Hủ vẫn phải sống nhờ gạo cứu đói của Nhà nước, nhiều con em đồng bào La Hủ lên nương thay vì đến trường, con chữ vẫn là cái gì đó rất xa lạ…
Trước thực tế này, khi được tăng cường từ phòng giáo dục về làm Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú số 1 Pa Ủ, thầy Trương Văn Đông đã nuôi ước mơ thay đổi suy nghĩ của phụ huynh, con em của đồng bào La Hủ, để các em yêu ngôi trường, ham thích việc học tập, từ đó nhận ra giá trị, ý nghĩa của việc học tập chuyên cần.
Học tập - con đường đi tới tương lai tươi sáng
Từ suy nghĩ trên, thầy Đông đã tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, Ban chỉ đạo phổ cập; phối hợp các trưởng bản, các tổ chức đoàn thể trong xã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp, đi học chuyên cần.
Thầy Ðông ân cần nhắc nhở học sinh trước khi vào bữa ăn tối |
Từ ngày thầy Đông về làm hiệu trưởng, 15 giáo viên, 3 cán bộ của Trường Phổ thông dân tộc bán trú số 1 Pa Ủ làm việc hết công suất. Từ việc đến tận nhà, tìm hiểu hoàn cảnh, thăm hỏi gia đình học sinh, tuyên truyền vận động học sinh ra lớp; đến việc rèn nền nếp học tập cho học sinh. Đầu buổi học, giáo viên phát quần áo đồng phục cho học sinh, vào cuối buổi học sẽ thu lại để giữ gìn quần áo học sinh luôn sạch sẽ. Cùng với đó, các em còn được thầy cô hướng dẫn gội đầu bằng dầu gội, ngâm vỏ gối, chăn màn bằng xà phòng sạch sẽ… “Tôi cho rằng, giáo dục học sinh ý thức giữ vệ sinh sạch sẽ là vô cùng quan trọng. Khi các em đã ý thức và cảm nhận được sự sạch sẽ, thơm tho, các em sẽ dần dần thay đổi theo hướng tích cực” - thầy Đông tin tưởng.
Nhờ việc tổ chức cho học sinh ngủ trưa tại trường; nuôi dưỡng học sinh 4 bữa/ngày đảm bảo chất dinh dưỡng, cho học sinh được tham gia các sinh hoạt tập thể…, số học sinh theo học chuyên cần ở trường Phổ thông dân tộc bán trú số 1 Pa Ủ đã tăng lên trông thấy.
Nhìn các em vui tươi, tự tin là vậy, nhưng thầy Đông vẫn không giấu được những âu lo. Bởi lẽ, ngoài giờ lên lớp, ra khỏi cửa lớp là các em nói tiếng của dân tộc mình; ngày nghỉ về nhà, các em có thể nghỉ luôn mà không tiếp tục theo học. Tâm lý nhút nhát, mặc cảm vẫn là rào cản vô hình khiến những em bé người La Hủ có thể bỏ trường lớp bất cứ lúc nào.
Chính vì vậy, để học sinh ở các bản gặp khó khăn trong công tác huy động học sinh ra lớp, như bản Hà Xi, Pha Bu, Ứ Ma, Nhú Ma…, nhà trường đã thuê nhân viên phục vụ là người có uy tín ở các bản này. “Những nhân viên này được nhà trường nuôi cơm, trả lương. Họ sẽ ăn, ở cùng học sinh để các em cảm thấy an toàn, yên tâm ở lại trường, đi học chuyên cần” – thầy Đông cho hay.
Đến trường Phổ thông dân tộc bán trú số 1 Pa Ủ vào tiết sinh hoạt giữa giờ, nhìn các em vui tươi, tự tin sinh hoạt tập thể mới thấy, việc tạo cho các em môi trường học tập thân thiện, gần gũi và tích cực là hết sức quan trọng. Đây cũng chính là nền tảng quan trọng trong việc hình thành ý thức và kiến thức cho con em đồng bào dân tộc La Hủ vốn chịu nhiều thiệt thòi, thiếu thốn.