Xuất khẩu tuần từ 29/1-4/2: Điện thoại lấy lại ngôi số 1; xuất khẩu máy vi tính tăng trưởng khá
Xuất khẩu máy vi tính tăng trưởng khá
Khởi đầu năm mới 2024, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng chủ lực là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt mức tăng trưởng khá.
Theo thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 1/2024 (từ ngày 1-15/1), xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,25 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng hơn 400 triệu USD).
Xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng trưởng khá |
Với kết quả trên, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ hai của nước ta, chiếm khoảng 15% kim ngạch cả nước.
Dù đạt tăng trưởng khá, nhưng nhóm hàng này đã bị điện thoại và linh kiện giành lại ngôi vị số 1 về xuất khẩu.Trước đó, năm 2023, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 57,34 tỷ USD, tăng 3,2% (tương ứng tăng 1,8 tỷ USD so với năm trước).
Đây cũng là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong năm ngoái, chiếm 16,17% kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang các thị trường chủ lực như: Hoa Kỳ đạt 17,02 tỷ USD, tăng 6,8% so với năm 2022; Trung Quốc đạt 13,05 tỷ USD, tăng 9,8%; EU đạt 6,05 tỷ USD, giảm 14%; Hồng Kông (Trung Quốc) đạt 5,54 tỷ USD, giảm 5,8%...
Điện thoại lấy lại ngôi vị số 1 về xuất khẩu
Khởi đầu năm mới 2024, điện thoại và linh kiện đã lấy lại ngôi vị là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Theo thống kê sơ bộ Tổng cục Hải quan vừa công bố, nửa đầu tháng 1/2024 (1-15/1), xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 2,86 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng thêm gần 200 triệu USD).
Điện thoại và linh kiện đã lấy lại ngôi vị là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. |
Đáng chú ý, với kim ngạch kể trên, điện thoại và linh kiện đã lấy lại ngôi vị số 1 về xuất khẩu từ nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩuđiện thoại và linh kiện trong nửa đầu tháng 1 cao hơn 610 triệu USD so với nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện và chiếm gần 19% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Nhiều năm qua, điện thoại và linh kiện luôn giữ vị trí nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của nước ta. Nhưng hơn 1 năm trở lại đây, nhóm này bị đẩy xuống thứ hai bởi nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.
Đơn cử như năm 2023, xuất khẩu điện thoại và linh kiện chỉ đạt 52,38 tỷ USD, giảm 9,7% (tương ứng giảm 5,61 tỷ USD so với năm trước). Năm ngoái, nhóm hàng này có kim ngạch lớn thứ hai của nước ta sau máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 57,34 tỷ USD).
Trong năm 2023, Việt Nam xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện sang các thị trường chủ lực như: Trung Quốc đạt 16,87 tỷ USD, tăng 3,7% (tương ứng tăng 608 triệu USD) so với năm 2022; Hoa Kỳ đạt 7,9 tỷ USD, giảm 33,5% (tương ứng giảm 3,97 tỷ USD); EU đạt 7,2 tỷ USD, tăng 7,5% (tương ứng tăng 500 triệu USD); Hàn Quốc đạt 3,51 tỷ USD, giảm 30,5% (tương ứng giảm 1,54 tỷ USD)…
Kỳ 1 tháng 1 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt gần 15,09 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu nghêu, hàu sống tăng mạnh
Năm 2023, xuất khẩu các sản phẩm nhuyễn thể có vỏ của Việt Nam đạt 127 triệu USD, giảm 12%. Các loài nhuyễn thể có vỏ xuất khẩu chủ lực của Việt Nam gồm nghêu chiếm 62% giá trị xuất khẩu ốc chiếm 12%, hàu chiếm 11%, điệp chiếm gần 9%. Ngoài ra, còn có một số loài có giá trị xuất khẩu khiêm tốn gồm sò, hến, bào ngư…
Xuất khẩu nghêu tăng mạnh |
Nghêu là sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt gần 79 triệu USD, giảm 17% so với năm 2022, do xuất khẩu sang 2 thị trường chính là Tây Ban Nha và Italy giảm sâu 15% và 36%. Nghêu hấp đông lạnh mã HS 16055600 là sản phẩm xuất khẩu chính với giá trị xuất khẩu 72 triệu USD với 3 thị trường chính là Italy, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, chiếm tổng cộng 66% xuất khẩu. Trong top 3 thị trường này, chỉ có Bồ Đào Nha tăng 10% nhập khẩu nghêu của Việt Nam trong năm qua. Riêng đối với nghêu hấp đông lạnh tại EU, sản phẩm từ Việt Nam luôn đứng số 1, chiếm thị phần chi phối từ 40-80% ở các thị trường chính.
Mỹ là thị trường nhập khẩu nghêu lớn thứ 4 của Việt Nam, nhưng năm qua xuất khẩu nghêu sang Mỹ giảm 16%. Tại thị trường này, sản phẩm nghêu hấp động lạnh của Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn 50%, và giá trung bình xuất khẩu thường thấp hơn 20-40% so với sản phẩm của Việt Nam, do vậy nghêu Việt Nam khó cạnh tranh hơn tại Mỹ.
Hàu là sản phẩm có tăng trưởng xuất khẩu đột phá trong năm 2023, với mức tăng 56% đạt trên 14 triệu USD, chủ yếu là hàu tươi, ướp lạnh. Trong đó riêng thị trường Đài Loan tiêu thụ trên 77% hàu xuất khẩu của Việt Nam với giá trị gần 11 triệu USD, tăng 26% so với năm 2022. Ngoài ra Việt Nam còn xuất khẩu hàu tươi ướp lạnh sang Lào, Campuchia, Nhật Bản…
Đối với ốc, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là ốc bươu, ốc hương đông lạnh, ngoài ra còn có ốc len, ốc giác và các loại thịt ốc. Năm 2023, các sản phẩm từ ốc xuất khẩu đạt gần 16 triệu USD, giảm 6%. Các thị trường tiêu thụ chính gồm Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc. xuất khẩu sang hầu hết các thị trường đều giảm so với năm 2022, trừ Hàn Quốc tăng 47% với sản phẩm chính là ốc bươu và ốc biển.
Tháng 1/2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản thu về 5,14 tỷ USD
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng đầu năm 2024 tăng cao, đạt 5,14 tỷ USD nhờ đóng góp của tất cả các nhóm hàng đều tăng.
Tháng 1/2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản thu về 5,14 tỷ USD |
Cụ thể, xuất khẩu lâm sản đạt 1,49 tỷ USD, tăng 72,5%; thủy sản đạt 730 triệu USD, tăng 60,8%; nông sản đạt 2,71 tỷ USD, tăng 93,8%; chăn nuôi đạt 36 triệu USD, tăng 3,5%; đầu vào sản xuất đạt 177 triệu USD, tăng 49,2%.
Về thị trường, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản tới các thị trường đều tăng. Trong đó xuất khẩu sang khu vực châu Mỹ 1,18 tỷ USD (tăng 93,6%); châu Phi 104 triệu USD (tăng 185,4%); châu Á 2,52 tỷ USD (tăng 86,3%); châu Âu 532 triệu USD (tăng 38,2%) và châu Đại Dương 78 triệu USD (tăng 100,9%).
Giá trị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng 23%, tăng 106,9%; Hoa Kỳ chiếm 20,8%, tăng 95,9% và Nhật Bản chiếm 7,4%, tăng 47,5%.