Thứ năm 21/11/2024 20:45

Xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt: Cách nào khơi thông thị trường?

Trong thị trường thịt lợn toàn cầu có quy mô 28,5 tỷ USD, mỗi năm Việt Nam chỉ thu về 45 triệu USD từ xuất khẩu thịt lợn. Giấc mơ Việt Nam trở thành "cường quốc" xuất khẩu thịt lợn dường như vẫn rất xa vời. Để khơi thông thị trường xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt nói chung, sản phẩm thịt lợn nói riêng, cùng với việc xây dựng được một thương hiệu đủ lớn, các địa phương cần đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh.

Thủ tục xuất khẩu cần được khơi thông

Là doanh nghiệp đã có kinh nghiệm xuất khẩu thịt gà sang thị trường Nhật, song Tập đoàn De Heus vẫn đang loay hoay với bài toán xuất khẩu thịt lợn. Tại Hội nghị Bàn giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn và tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi diễn ra mới đây, ông Nguyễn Quang Hiếu - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn De Heus - cho biết, doanh nghiệp đang hướng đến xuất khẩu thịt lợn tươi và sản phẩm chế biến nhưng vẫn chưa có nhiều thông tin về thị trường và tiêu chuẩn của nước nhập khẩu.

Do đó, đề nghị cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thông tin về điều kiện để xuất khẩu. Đồng thời, mong muốn Bộ NN&PTNT cùng các địa phương cần phải công khai kế hoạch về việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh ở khu vực nào, để doanh nghiệp tiến hành liên kết chuỗi chăn nuôi ngay tại địa phương.

Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là hạ giá thành sản phẩm và xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để đẩy mạnh xuất khẩu

Khẳng định nhu cầu xuất khẩu thịt là yêu cầu tất yếu của các doanh nghiệp, ông Phan Ngọc Ấn - Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc BaF Việt Nam - cho hay, chúng tôi sẵn sàng chăn nuôi toàn bộ chuỗi theo tiêu chuẩn VietGAP, nhà máy giết mổ theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Tuy nhiên, doanh nghiệp mong muốn thủ tục xuất khẩu cần được khơi thông. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cần có các thông tư hướng dẫn ra sao để tạo nhiều điều kiện cho BaF cũng như các công ty có thể xuất khẩu được sang các nước.

Ở góc độ địa phương, ông Trần Lâm Sinh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai - thủ phủ chăn nuôi của cả nước - cho hay, nếu như trước đây (giai đoạn 2015-2016), Trung Quốc là thị trường chủ lực nhập khẩu thịt lợn của Việt Nam, nhưng từ năm 2017 đến nay, việc xuất khẩu sang Trung Quốc gần như "đóng băng", khiến đầu ra của doanh nghiệp khó khăn. Do đó, Sở NN&PTNT Đồng Nai kiến nghị Bộ NN&PTNT tham mưu Chính phủ đàm phán với Trung Quốc mở thị trường chính ngạch, nếu chỉ 1-2 tỉnh ở Trung Quốc tiêu thụ thịt lợn thì cơ hội xuất khẩu của Việt Nam rất lớn.

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - khẳng định, cần phải đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi bởi nếu chỉ quan tâm thị trường trong nước, không quan tâm tới thị trường nước ngoài, gắn chăn nuôi phát triển theo chuỗi thì đến lúc sản lượng nhiều, ngành chăn nuôi lại phải giải cứu. “Bài học giải cứu thịt lợn năm 2017 là thực tế cần phải ghi nhớ", ông Phùng Đức Tiến lưu ý.

Cần đẩy mạnh xây dựng vùng an toàn dịch bệnh

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 1/2022, Việt Nam xuất khẩu được 1,39 nghìn tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá 6,92 triệu USD, giảm 23,5% về lượng và giảm 40,2% về trị giá so với tháng 12/2021; so với tháng 1/2021 giảm 10,3% về lượng, nhưng tăng 17,4% về trị giá. Xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt giảm là do xuất khẩu sang một số thị trường chủ chốt như Trung Quốc, Hồng Kông... giảm mạnh.

Ông Phạm Văn Duy - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) - cho biết, hiện cả nước đang có 65 nhà máy, cơ sở giết mổ chế biến thịt bao gồm lợn, gia cầm, trâu bò. Chế biến theo quy mô công nghiệp với công suất chế biến 1,1 triệu tấn/năm. Nhóm sản phẩm chế biến sâu chiếm 2-5%, còn đa phần chế biến ở cấp độ sơ chế, thịt đông lạnh, thịt mát.

Theo kế hoạch Đề án phát triển cơ sở chế biến, giết mổ theo quy mô công nghiệp thì sản lượng chế biến sẽ nâng lên 25% vào năm 2025, lên 35% vào năm 2030. Đề án đã được xây dựng và trình lên Thủ tướng Chính phủ.

Thời gian qua, việc xuất khẩu sản phẩm thịt cũng đã có những bước tiến như ngoài xuất khẩu thịt lợn sữa, lượn mảnh sang Malaysia, Hồng Kông, vừa rồi có một số sản phẩm thịt lợn khử trùng xuất sang Hàn Quốc. Đây sẽ là tiền đề để mở rộng thị trường. Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Duy, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là hạ giá thành sản phẩm và xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường hơn nữa.

Theo các chuyên gia, Việt Nam đang có quy mô ngành chăn nuôi nằm trong nhóm dẫn đầu Đông Nam Á, với năng lực sản xuất cơ bản đáp ứng nhu cầu thực phẩm thị trường nội địa và một phần cho xuất khẩu. Ngành chăn nuôi hiện đóng góp 25,2% GDP ngành nông nghiệp với tốc độ tăng trưởng khá cao, dư địa còn lớn về năng suất, chất lượng và thị trường. Tuy nhiên, việc chưa khơi thông được thị trường xuất khẩu cho thịt và các sản phẩm thịt khiến các doanh nghiệp băn khoăn, lo lắng công suất sẽ phải cắt giảm vì chưa có đầu ra ổn định ở thị trường nước ngoài.

Để phát triển chăn nuôi bền vững trong thời gian tới, thúc đẩy xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt, Bộ NN&PTNT cho biết, sẽ tăng cường chuyển đổi số trong ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng. Trên cơ sở phân tích dữ liệu tổng hợp có thể đưa ra nhận định, đánh giá sát thực tế và cảnh báo/dự báo năng lực sản xuất và cung cầu thị trường chăn nuôi giúp điều tiết sản xuất của các doanh nghiệp và người chăn nuôi; xây dựng sàn giao dịch nông sản thực phẩm.

Trong thị trường thịt lợn toàn cầu quy mô 28,5 tỷ USD, mỗi năm Việt Nam chỉ thu về 45 triệu USD từ xuất khẩu thịt lợn. Để giấc mơ Việt Nam trở thành "cường quốc" xuất khẩu thịt lợn trở thành hiện thực, các chuyên gia cho rằng, xu thế chuỗi khép kín là không thể đảo ngược được và nếu không phát triển được chế biến thì rất khó khai phá các thị trường xuất khẩu. Mặt khác, để xuất khẩu được sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là thịt lợn, cần xây dựng được 1 thương hiệu đủ lớn của doanh nghiệp Việt, trong đó phải chủ động trọn gói các khâu. Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh làm cơ sở bảo đảm nguồn cung thực phẩm và phục vụ xuất khẩu.

Về giải pháp lâu dài, PGS.TS. Phạm Kim Đăng - Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam - nhận định, cần phát triển một nền chăn nuôi lợn bền vững. Đó là nền chăn nuôi mà ở đó chăn nuôi được quy hoạch, chăn nuôi được sản xuất theo kế hoạch và đặc biệt vận hành trên cơ sở đảm bảo lợi ích kinh tế, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường.

Nguyễn Hạnh

Tin cùng chuyên mục

10 doanh nghiệp dệt may Việt Nam tham gia Global Sourcing Expo Australia 2024

Thứ trưởng Trương Thanh Hoài: Thương mại điện tử là điểm sáng của phát triển kinh tế - xã hội

Tổng cục Hải quan cảnh báo các chiêu trò trốn thuế trong nhập khẩu thép

Sự kiện thương mại điện tử thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành Công Thương 2024

Nông sản Việt Nam sắp xuất hiện trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội Trung Quốc

Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp vỏ viên nhộng cứng từ Việt Nam

Diễn đàn Xúc tiến nông sản Việt Nam – Mông Cổ: Thương mại song phương tăng gấp 2-3 lần

256 gian hàng tham gia Hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế AgroViet 2024

Tháng 10/2024, Ukraine là thị trường cung cấp lúa mì nhiều nhất cho Việt Nam

Toyar và Realsee hợp tác chiến lược đột phá, tiên phong số hóa không gian tại Việt Nam qua nền tảng Fidovn

Cảng Chu Lai mở tuyến hàng hải kết nối thị trường Mỹ

Doanh nghiệp vật liệu xây dựng tận dụng cơ hội từ chuyển đổi xanh

Hàng Việt Nam rộn ràng xuất khẩu ra thế giới qua kênh phân phối

Hoa Kỳ áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu với xơ sợi staple nhân tạo từ polyester

Khai trương cặp Cửa khẩu quốc tế Lóng Sập - Pa Háng

Online Friday 2024: Bước nhảy vọt của hàng Việt trong kỷ nguyên thương mại điện tử

Việt Nam thu về 52,6 triệu USD từ xuất khẩu hoa hồi trong 10 tháng năm 2024

Doanh nghiệp Việt chuyển mình 'xanh hoá' từ tư duy đến hành động

Gian hàng Việt Nam được quan tâm tại Hội chợ ẩm thực và đồ uống châu Á tại Sơn Đông, Trung Quốc

Tính đến 15/11, xuất khẩu hồ tiêu thu về gần 1,2 tỷ USD