Xuất khẩu sang Trung Đông: Còn nhiều dư địa
Giàu tiềm năng
Khu vực Trung Đông đang được biết đến như một khối thị trường giàu tiềm năng có nhu cầu nhập khẩu tương đối cao với lượng dân cư đông đảo và không đòi hỏi quá khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng. Các nước Trung Đông hiện đang nhập khẩu một số lượng lớn các mặt hàng lương thực thực phẩm với 80% lượng hàng hóa tiêu thụ của khu vực này, tương đương 40 tỷ USD mỗi năm. Dự báo con số này sẽ tăng lên 70 tỷ USD đến năm 2035.
Theo đó, các mặt hàng chủ lực mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu sang Trung Đông là nông sản, thủy hải sản, dệt may, da giày,… Ngoài ra, phần lớn các quốc gia tại đây cũng đang trong giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước nên khả năng nhập khẩu vật liệu xây dựng, máy móc, phụ tùng, sản phẩm linh kiện điện tử lớn. Đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp về xây dựng tiếp cận, mở rộng thị trường tại các quốc gia này.
Trong những năm qua, thương mại Việt Nam - Trung Đông liên tục tăng trưởng cao, năm 2016, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 12 tỷ USD; đến năm 2018 con số này là gần 14 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt hơn 8,7 tỷ USD và nhập khẩu gần 3 tỷ USD.
Những thị trường xuất khẩu chính là Các Tiểu vương quốc A Rập thống nhất (UAE), Thổ Nhĩ Kỳ, Kuwait, Israel. Các mặt hàng thủy sản gồm có cá tra, cá ba sa được xuất khẩu chủ yếu vào các thị trường Saudi, UAE, Kuwait.
Chiến lược tiếp cận
Chia sẻ tại hội thảo “Xúc tiến thương mại sang thị trường Trung Đông” do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương vừa tổ chức tại Hà Nội, bà Phạm Minh Phương, Trưởng phòng Tây Á – Châu Phi, Vụ thị trường Châu Á – châu Phi cho biết, khi làm ăn với các nước khu vực Trung Đông vẫn phải đối mặt với một số rào cản như khoảng cách địa lý, phong tục tập quán. Một trong những đặc điểm cần đặc biệt lưu tâm là sản phẩm xuất khẩu sang thị trường này cần phải đáp ứng được tiêu chuẩn Halal. Nếu bước qua được rào cản đầu tiên về Halal này thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ thâm nhập được vào thị trường các nước Hồi giáo ở Trung Đông. Tuy nhiên, hiện mới chỉ gần 1.000 DN Việt Nam đáp ứng được tiêu chuẩn này. Đây là con số còn quá ít so với 300.000 DN thành lập mỗi năm.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận thị trường và phát triển kinh doanh tại các quốc gia Trung Đông cũng phải đối mặt với một số thách thức như: chiến tranh thương mại Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ, các cuộc nội chiến, xung đột tôn giáo, xung đột sắc tộc là những vấn đề chính trị nhức nhối.
Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp Việt Nam lưu ý và vượt qua các rào cản này thì lợi nhuận là rất lớn. Lý giải rõ hơn về điều này, bà Phương cho rằng, Trung Đông là trạm trung chuyển để hàng xuất khẩu của Việt Nam tiến vào thị trường châu Phi.
Các nước Trung Đông có 95% nguồn ngoại tệ thu được từ chế biến và xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt. Cùng với đó là hệ thống ngân hàng liên kết quốc tế rất phát triển nên khả năng thanh toán, chi trả tại thị trường này khá tốt. Ngoài ra, hiện tại, có 10/15 quốc gia tham gia vào WTO cũng với sự hỗ trợ của Hội đồng Hợp tác vùng vịnh (GCC) nên các sản phẩm xuất khẩu sang khối thị trường này sẽ được hưởng ưu đãi thuế từ 0 – 5%.
Hiện Việt Nam có 6 cơ quan thương vụ tại khu vực này, là cấu nối để giúp các doanh nghiệp Việt Nam muốn có nhu cầu tiếp cận thị trường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần xây dựng chiến lược tiếp cận phù hợp, sản xuất sản phẩm xuất khẩu có chất lượng, quy cách, mẫu mã phù hợp với quy định về tiêu chuẩn chất lượng và tập quán tiêu dùng của thị trường Trung Đông.
Ngoài ra, theo bà Phạm Hoài Linh, Phó trưởng phòng Tây Á – Châu Phi, Vụ thị trường Châu Á – Châu Phi, các doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực theo dõi, cập nhật các thông tin thị trường, các chương trình xúc tiến thương mại, cảnh giác và xác minh thật kỹ thông tin về các đối tác tìm hiểu qua mạng.
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần xây dựng thương hiệu, cải thiện chất lượng sản phẩm, xây dựng chiến lược phát triển thị trường, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ, nghiên cứu khả năng thành lập văn phòng đại diện hoặc kho ngoại quan để thuận lợi hơn cho công việc kinh doanh tại khu vực này.