Kinh nghiệm khó khăn, thua lỗ từ 2 năm 2017 – 2018 khiến năm 2019 này doanh nghiệp ngành điều đã phải thay đổi cách nghĩ, cách làm. Ông Nguyễn Minh Họa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) - chia sẻ, những năm trước VINACAS đưa ra doanh số từng năm nhưng gần đây do quy luật cung - cầu nên ngành điều đã đi theo thị trường. Cụ thể, thị trường như thế nào, cân đối được đầu vào, đầu ra để đảm bảo không thua lỗ thì mới đưa ra mục tiêu chứ không theo mục tiêu doanh số.
Không riêng ngành điều, những doanh nghiệp ở các ngành khác cũng tập trung vào tăng chất lượng, tăng giá trị gia tăng và giá bán. Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Intimex - cho biết, việc đầu tư vào các nhà máy cà phê hòa tan giúp doanh nghiệp có nguồn thu tăng lên 5-10 lần so với giá trị của hàng thô. Thêm vào đó khi các hiệp định thương mại song phương và đa phương khi thực hiện, cà phê qua khâu chế biến thuế rất thấp. Vì thế trong thời gian tới ngành cà phê nếu đảm bảo 30% lượng tiêu thụ được chế biến sâu thì tình hình giá cả của Việt Nam sẽ tốt hơn.
Song song với chế biến, việc xây dựng thương hiệu và chiến lược thị trường là rất quan trọng. Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao - khẳng định, chỉ một sự thay đổi nhỏ về quy cách được doanh nghiệp đầu tư thì giá trị của sản phẩm đó đã thay đổi. Do đó, điều kiện cần căn bản nhất là sản phẩm phải đảm bảo các điều kiện về tiêu chuẩn, còn sau đó là các yếu tố khác như: Mẫu mã, hệ thống phân phối có dễ mua hay không, quy cách, và nhất là giá cả có cạnh tranh hay không.
Thực tế cho thấy, đã có những doanh nghiệp nông sản Việt Nam bằng sự nhạy bén trong tư duy, đã kịp thời chuyển động cùng nền thương mại toàn cầu, để ít nhiều tạo tên tuổi cho nông sản Việt. Có thể kể tới những cái tên như Vina T&T Group, Cà phê Phúc Sinh, Lavifood… Tuy nhiên, để những bước đi tiên phong lan tỏa và tạo được hiệu ứng trong toàn ngành nông sản, thì vẫn là một quá trình gian nan đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự nỗ lực hơn.