Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Dòng chảy tiếp tục được khơi thông
5 tháng, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường Trung Quốc tăng 8,6%
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, kim ngạch thương mại các mặt hàng nông, lâm, thủy sản giữa hai nước đạt 15,53 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu đạt 12,1 tỷ USD (tăng 16,4% so với năm 2022) nhập khẩu đạt 3,4 tỷ USD (giảm 9,7% so với năm 2022).
5 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường Trung Quốc ước đạt 4,6 tỷ USD |
Trong 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản giữa hai nước đạt 6,2 tỷ USD (tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ước đạt 4,6 tỷ USD (tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2023), nhập khẩu ước đạt 1,6 USD (tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2023).
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, đến thời điểm hiện tại, hai Bên đã ký 21 Thỏa thuận ghi nhớ/Nghị định thư về xuất, nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản giữa hai nước, đây thể hiện sự hợp tác chặt chẽ và nỗ lực của hai Bên.
Hiện đã có nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong đó, có 12 mặt hàng rau quả gồm: Dưa hấu, măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối tươi, khoai lang, thanh long, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, mít; tổ yến, bột cá và một số sản phẩm phục vụ sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi; mặt hàng sữa và thủy sản các loại.
Đáng chú ý, dừa tươi, sầu riêng đông lạnh, cá sấu, gia cầm… là danh sách nối dài có thể được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc trong thời gian tới. Nông sản Việt Nam lại có thêm cơ hội thu thêm nhiều tỷ USD từ thị trường này.
Ông Hoàng Trung – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – cho biết, tới đây, hai bên sẽ sớm hoàn tất các thủ tục để ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả dừa tươi, sầu riêng đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Đối với mặt hàng chanh leo và ớt đã được hai Bên thực hiện xuất khẩu thí điểm, hai Bên sẽ thúc đẩy hoàn tất các thủ tục để sớm có thể ký 02 văn kiện này.
Bên cạnh đó, hai bên sẽ phối hợp để hoàn thiện Nghị định thư về xuất khẩu cá sấu, tổ yến thô, gia cầm và thủy sản khai thác của Việt Nam sang Trung Quốc. Phía Trung Quốc sẽ giao các cơ quan kỹ thuật xem xét và sớm xử lý hồ sơ đăng ký xuất khẩu nông thủy sản của các doanh nghiệp Việt Nam sang Trung Quốc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác thương mại các mặt hàng nông, lâm, thủy sản.
Có thể thấy, nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đang tăng mạnh và là một trong những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng trong việc mở cửa thị trường, các doanh nghiệp cũng không bỏ lỡ cơ hội để khai thác thị trường tỷ dân này.
Đơn cử, đối với mặt hàng sầu riêng, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Việt Nam là thị trường cung cấp sầu riêng tươi lớn thứ 2 cho Trung Quốc. Đáng chú ý, Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu sầu riêng tươi từ thị trường Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2024, đạt 79,3 nghìn tấn, trị giá 369,8 triệu USD, tăng 91,% về lượng và tăng 81,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023; chiếm 39,2% tổng lượng sầu riêng tươi Trung Quốc nhập khẩu, tăng 25,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023.
Sầu riêng Việt Nam được đánh giá là có lợi thế sản lượng dồi dào, thu hoạch rải vụ quanh năm, đặc biệt khi vào vụ không bị cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan. Ngoài ra, một lợi thế của sầu riêng Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là thời gian vận chuyển nhanh và giá thành cạnh tranh.
Doanh nghiệp nắm thời cơ, mở rộng thị trường
Là doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng sang thị trường này, bà Đoàn Thùy Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Vĩnh Khang cũng rất chờ đón cơ hội từ sầu riêng đông lạnh được xuất khẩu vào Trung Quốc, hiện doanh nghiệp đã sẵn sàng chuẩn bị các điều kiện để có thể được tham gia xuất khẩu sản phẩm này.
Mặt hàng sầu riêng Việt Nam đang ngày càng chiếm lĩnh được thị phần tại thị trường Trung Quốc |
Cũng theo bà Đoàn Thùy Giang, doanh nghiệp này tham gia /chu-de/xuat-khau-sau-rieng.topic sang thị trường Trung Quốc từ năm 2022. Từ khi ký Nghị định thư, sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh. Trong năm, Việt Nam có nhiều vụ thu hoạch sầu riêng. Mỗi một vụ, doanh nghiệp xuất khẩu hơn 60 container, mỗi công hàng khoảng 18 tấn sầu riêng tươi. Giá sầu riêng của Việt Nam cạnh tranh hơn Thái Lan nên hấp dẫn các nhà nhập khẩu Trung Quốc.
Với mặt hàng dừa, ông Phạm Thành Danh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Datafa – chia sẻ, năm ngoái công ty tham gia một hội chợ tại Trung Quốc và đã tìm được đối tác. Theo đó, trung bình mỗi tháng công ty bán được bốn container sản phẩm nước dừa sang thị trường Trung Quốc. Để sản phẩm tiếp cận thị trường Trung Quốc là chất lượng và giá cả. Ngoài ra, khi hàng hóa vào Trung Quốc thì mã HS Code của sản phẩm sẽ thay đổi một số chi tiết, một vài container hàng đầu tiên thông qua dịch vụ hải quan tình hình sẽ cải thiện hơn.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam - đánh giá, nhu cầu sầu riêng đã qua chế biến tại Trung Quốc có xu hướng gia tăng do giá sầu riêng cao ít người có khả năng mua nguyên trái, trong khi đó giá sầu riêng chế biến có giá cả phải chăng hơn và phù hợp với thị hiếu của giới trẻ hơn, đây có thể là xu thế mới của thị trường mà chúng ta cần quan tâm.
Tuy vậy, ông Nguyễn Thanh Bình lưu ý cần đẩy mạnh quản lý, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm liên quan tới chất lượng sản phẩm. Đồng thời, cần cơ chế, chính sách ưu đãi hấp dẫn hơn cho công nghiệp chế biến để vừa đa dạng hóa các sản phẩm trái cây xuất khẩu vừa góp phần giảm tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm tươi, sản phẩm thô đặc biệt là giảm áp lực tiêu thụ sản phẩm trong thời điểm mùa vụ.
Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, doanh nghiệp đừng bao giờ nuôi suy nghĩ Trung Quốc là thị trường dễ tính. Thời điểm này là lúc chúng ta định vị lại sản phẩm của mình. Tất nhiên có sản phẩm phân khúc bình dân nhưng đã thâm nhập thị trường Trung Quốc thì phải tính đến việc tồn tại và phát triển lâu dài.
Năm 2024, ngành rau quả Việt Nam đặt kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu chạm mốc kỷ lục mới, khoảng 6,5 tỷ USD. Dự báo thị trường xuất khẩu tiếp tục thuận lợi trong nửa cuối năm, nhất là khi nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam được dự báo tiếp tục được khơi thông tại thị trường Trung Quốc. Cùng với việc các địa phương, doanh nghiệp cần bảo đảm nguồn cung chất lượng, tăng cường chế biến rau quả phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, ngành hàng này kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.