Xuất khẩu hàng hóa thích ứng tiêu chuẩn xanh
64% doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị cho chuyển đổi xanh
Báo cáo về mức độ sẵn sàng và khó khăn của doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) vừa công bố cho thấy, 48,7% doanh nghiệp đánh giá chuyển đổi xanh là cần thiết; trong đó, 54,1% doanh nghiệp ngành công nghiệp đánh giá cần thiết; 48% doanh nghiệp trong nước đánh giá cần thiết; 46,5% doanh nghiệp chỉ hướng đến thị trường nội địa đánh giá cần thiết.
8 tháng của năm 2024, xuất khẩu da giày tăng trưởng hơn 10%. Ảnh: An Hiền |
Về mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh, báo cáo nêu rõ, 64% doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị gì; trong đó, 55,6% doanh nghiệp ngành công nghiệp chưa chuẩn bị gì; 65,1% doanh nghiệp trong nước chưa chuẩn bị gì; 68,7% doanh nghiệp chỉ hướng đến thị trường nội địa chưa chuẩn bị gì.
Về những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt trong chuyển đổi xanh, có 34,7% doanh nghiệp cho biết khó khăn về thông tin; 36,5% doanh nghiệp gặp khó khăn về chiến lược; 50% doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn; 48,6% doanh nghiệp gặp khó khăn về nhân sự; 44,2% doanh nghiệp gặp khó khăn về các giải pháp kỹ thuật.
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 9/2024 (1-15/9), tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 14 tỷ USD, giảm 6,73 tỷ USD so với nửa cuối tháng 8/2024. Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực có mức tăng trưởng cao từ đầu năm đến nay đều giảm mạnh trong kỳ đầu tháng 9, gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện chỉ đạt 2,57 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng gần 2,2 tỷ USD; điện thoại và linh kiện gần 1,9 tỷ USD, dệt may 1,21 tỷ USD, giày dép 623 triệu USD...
8 tháng của năm 2024, xuất khẩu da giày tăng trưởng hơn 10%, nhiều thị trường đang hồi phục. Với tốc độ phục hồi như hiện nay, dự kiến xuất khẩu ngành da giày sẽ đạt khoảng 27 tỷ USD trong năm nay.
Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam - chia sẻ, với ngành da giày, 8 tháng của năm 2024, xuất khẩu da giày tăng trưởng, với mức tăng hơn 10%, nhiều thị trường đang hồi phục. Với tốc độ phục hồi như hiện nay, dự kiến xuất khẩu ngành da giày sẽ đạt khoảng 27 tỷ USD trong năm nay. Dù vậy, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, đáp ứng tiêu chuẩn xanh là một quá trình diễn ra dần dần, bởi vì điều này liên quan nhiều đến việc đầu tư công nghệ.
Ví dụ, doanh nghiệp phải chuyển sang sử dụng năng lượng sạch hoặc thay thế nguồn nhiên liệu như than đốt trong nhà máy. Đây là những yêu cầu đòi hỏi nguồn lực lớn. Dù vậy, các doanh nghiệp đều nhận thức rõ rằng nếu không thay đổi sẽ không còn đơn hàng. Những doanh nghiệp vẫn duy trì và phát triển được đến thời điểm này là những đơn vị đã đầu tư vào tiêu chuẩn xanh. Ngược lại, những doanh nghiệp không thể thích ứng sẽ dần bị loại bỏ khỏi thị trường.
Bộ Công Thương đồng hành cùng doanh nghiệp chuyển đổi xanh
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng /chu-de/cuc-xuat-nhap-khau.topic (Bộ Công Thương) – thông tin, sản xuất xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu. Mỗi một quốc gia có một kế hoạch và lộ trình riêng để triển khai các hoạt động này. Trên thực tế, các quy định xanh của các nước nhập khẩu có lộ trình và thời gian để cho các nước sản xuất, xuất khẩu như Việt Nam có thể từ từ thích ứng chứ không phải là những quy định bắt buộc thực hiện ngay lập tức.
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp của Việt Nam cũng đã có những nhận thức, nhiều doanh nghiệp đã chủ động triển khai để đáp ứng quy định này. Tuy nhiên, chúng ta cũng đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế để thích ứng.
Việc này xuất phát từ nhận thức, hơn hết là chi phí đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong đó, đáng chú ý là các quy định liên quan đến vấn đề phải chuyển đổi công nghệ, vùng nguyên liệu sẽ đòi hỏi chi phi rất lớn và điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các quy định có sự thay đổi vì có lộ trình có thể năm nay áp dụng với mặt hàng này, sang năm mở rộng ra các mặt hàng khác. Hoặc năm nay là các quy định này, sang năm các quy định sẽ chặt chẽ hơn. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải nắm bắt thông tin kịp thời, đây cũng là điểm khó cho các doanh nghiệp.
“Đây cũng là vấn đề đòi hỏi vai trò của cơ quan quản lý nhà nước phải kịp thời cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, từ đó, doanh nghiệp có thể nắm bắt được và chủ động trong kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình nhằm đáp ứng các quy định của thị trường”, bà Nguyễn Cẩm Trang nói.
Vấn đề nữa liên quan đến câu chuyện thực thi các quy định này đòi hỏi phải có những hướng dẫn. Có những quy định liên quan đến vấn đề kiểm đếm, thống kê. Những quy định này cũng cần có sự hỗ trợ của nhà nước trong phổ biến kịp thời quy định của nước bạn cũng như hướng dẫn kịp thời để doanh nghiệp có thể triển khai thực hiện.
Xuất khẩu xanh, xuất khẩu bền vững là nội dung trọng tâm, xuyên suốt trong Chiến lược xuất khẩu hàng hóa đến năm 2030. Trong chương trình hành động cũng đã đặt ra những giải pháp cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ này.
Về phía Bộ Công Thương, sẽ tập trung vào các vấn đề chủ yếu liên quan đến công tác phát triển thị trường, cung cấp thông tin thị trường cho doanh nghiệp. Theo đó, Bộ chỉ đạo mạng lưới thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc quảng bá nỗ lực của doanh nghiệp Việt trong việc thích ứng, đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh của các nước.
Các nội dung hướng dẫn, thông tin liên quan đến quy định của nước ngoài, các sổ tay cũng sẽ được triển khai thực hiện để đưa đến cho hiệp hội, doanh nghiệp các thông tin kịp thời, nhanh nhất để doanh nghiệp có thể chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Bộ cũng sẽ phối hợp với các hiệp hội, ngành hàng để có những đào tạo, tập huấn liên quan đến mẫu mã, thương hiệu, thiết kế sản phẩm, để các sản phẩm xuất khẩu có thể phát triển bền vững tại các thị trường nhập khẩu.
Bà Nguyễn Cẩm Trang cũng khuyến nghị, doanh nghiệp cần biết và nắm được quy định này. Từ đó, nỗ lực và đầu tư thời gian, vì trên thực tế, các quy định về tiêu chuẩn xanh của các thị trường đều có lộ trình thực hiện, nếu doanh nghiệp nỗ lực ngay từ đầu và đáp ứng khả năng thì sẽ tương đối khả thi.
Mặt khác, không phải quy định nào cũng đòi hỏi chi phí cao, đòi hỏi chuyển đổi công nghệ, mà đôi khi chỉ là các quy định liên quan đến kiểm đếm, công tác thống kê, doanh nghiệp cần nắm được để thực hiện theo đúng quy định của nước bạn.
Các doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực sản xuất của mình, nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất sản phẩm xanh, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, kể cả khi thị trường chưa yêu cầu nhưng khi sản phẩm đã xanh rồi thì chúng ta sẽ có lợi thế hơn các nước khác.
Doanh nghiệp phải có kế hoạch bài bản, xác định được thị trường mục tiêu của mình, sản xuất và xuất khẩu theo tín hiệu thị trường, cái mà thị trường cần. Khi xác định được thị trường mục tiêu, nắm bắt được yêu cầu thị trường thì sẽ có kế hoạch đáp ứng được yêu cầu này.
“Thực tế, đôi khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa lại là một lợi thế, bởi quy mô nhỏ, việc chuyển đổi không quá mất thời gian và tốn kém. Hay với các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, nếu nắm bắt ngay quy định và triển khai và thích ứng ngay từ đầu, thì dễ dàng thích ứng”, bà Nguyễn Cẩm Trang chia sẻ.