Doanh nghiệp làm gì để tận dụng lợi thế từ hiệp định UKVFTA Xuất khẩu hạt điều sang Pháp: Tận dụng lợi thế sẵn có Vì sao ngành điều chỉ đặt mục tiêu xuất khẩu 3,1 tỷ USD năm 2023? |
Nhiều thách thức tăng trưởng
Phát biểu tại Hội nghị điều quốc tế Việt Nam lần thứ 12, ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cho biết, năm 2023, mặc dù thị trường nông sản toàn cầu được dự báo sẽ có nhu cầu lớn về lương thực, thực phẩm, việc mở rộng thị trường xuất khẩu song hành với chú trọng thị trường trong nước sẽ là cơ sở để ngành nông nghiệp Việt Nam hướng đến mục tiêu xuất khẩu nông - lâm - thủy sản 54 tỷ USD năm 2023 (tăng 780 triệu USD so với năm 2022). Tuy nhiên, theo đánh giá của Hội đồng Thông tin VINACAS, tính đến tháng cuối của năm 2022 và năm 2023, hoạt động sản xuất cũng như chuỗi cung ứng ngành điều toàn cầu và ở Việt Nam tiếp tục còn gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Công dự báo tăng trưởng của ngành điều sẽ bị tác động đáng kể do nhu cầu tiêu thụ điều nhân toàn cầu tiếp tục ảm đạm; thị trường nguyên liệu điều thế giới sẽ gặp nhiều thách thức. Năm 2023, ngành điều đặt mục tiêu xuất khẩu đạt mức 3,1 tỷ USD, tăng nhẹ 30 triệu USD so với năm 2022. Hiệp hội duy trì chủ trương “giảm lượng, tăng chất”...
Ông Vũ Thái Sơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần điều Long Sơn cho biết, điểm sáng trong năm 2023 có thể đến từ Trung Quốc nhưng thị phần của thị trường này chưa lớn, thời điểm cao nhất mới chỉ chiếm khoảng 10% xuất khẩu nhân điều của Việt Nam. Một số thị trường đang có sự ổn định như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc … thì lượng hạt điều tiêu thụ không nhiều. Trong khi đó, 2 thị trường ăn nhiều hạt điều nhất là Mỹ và EU thì vẫn rất khó khăn. Do đó, thị trường nhân điều năm 2023 vẫn chưa sáng sủa.
Xuất khẩu điều đối mặt nhiều thách thức trong năm 2023. |
Đồng quan điểm, ông Trần Văn Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam cho biết, sau tết, nông dân đã bắt đầu thu hoạch điều, các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu xử lý nguyên liệu, chế biến, nhưng hợp đồng còn khá ít. Trước đây, ngay từ đầu mỗi năm, đa số nhà nhập khẩu đã ký hợp đồng mua nhân điều trong 6 tháng, nhiều hợp đồng tới 9 tháng hoặc hơn. Nhưng đầu năm 2023, nhà nhập khẩu nào ký hợp đồng với thời gian mua dài nhất cũng chỉ tới giữa năm, nhưng với số lượng hạn chế. Nhìn chung, các nhà nhập khẩu đang mua một cách cầm chừng. Chính vì vậy, ông Hiệp nhận định, trong thời gian tới, tình hình vẫn chưa có gì khả quan đối với các doanh nghiệp xuất khẩu điều.
Tăng xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường
Ông Michael Waring, Chủ tịch Hội đồng hạt và quả khô thế giới (INC) chỉ ra rằng, với hơn 2,4 tỷ người, thế hệ “gen Z” hiện đang là nhóm tiêu dùng chính và đóng vai trò quan trọng trong quyết định mua hàng của các hộ gia đình. Riêng tại Trung Quốc, 16,5% dân số thuộc thế hệ “gen Z”. Do đó, ngành điều cần đặc biệt quan tâm tới nhóm khách hàng này.
Cũng theo ông Michael Waring, các doanh nghiệp có thể tác động tới thế hệ “gen Z” thông qua các kênh trực tuyến, người nổi tiếng và xây dựng thương hiệu thực phẩm thông qua mô hình B2B, B2C. Chiến lược này đang được INC thực hiện tại thị trường Trung Quốc, tiếp đến sẽ tổ chức tại Ấn Độ - thị trường có hơn 100 triệu người “gen Z”, nơi các loại hạt và trái cây sấy được sử dụng rất nhiều…
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương cho biết, chương trình xúc tiến thương mại quốc gia luôn giành sự ưu tiên cho các ngành xuất khẩu nông sản hàng đầu, trong đó có ngành điều. Thông qua chương trình, các doanh nghiệp có cơ hội nắm bắt yêu cầu của thị trường, nâng các chất lượng sản phẩm, và quảng bá thương hiệu ra quốc tế.
Riêng ngành điều, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng được thương hiệu riêng trên kệ siêu thị tại các thị trường xuất khẩu trên thế giới, nhiều hơn hẳn các loại nông sản khác của Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian tới, doanh nghiệp và ngành điều cần có chiến lược bài bản cho việc xây dựng và quản trị thương hiệu để phát huy tối đa giá trị thương hiệu của một ngành đứng đầu thế giới.
Ông Phú cũng lưu ý về xu thế sản xuất và thương mại xanh, tăng trưởng xanh trên toàn cầu. Ngành điều cần tiên phong trong việc xanh hoá và thực hành sản xuất xanh. Hiện EU đang đi đầu về xu hướng này từ năm 2017. Từ đó đến nay, nhiều đạo luật đã được ban hành để hiện thực mục tiêu Net-Zero, cùng với đó là các tiêu chuẩn được đưa ra đối với các ngành hàng.
Theo đó, các doanh nghiệp cần tập trung thực hiện truy xuất nguồn gốc, xây dựng chuỗi giá trị cho toàn ngành để đảm báo tấm vé “xanh” vào các thị trường cao cấp như EU, Nhật Bản. Ông Phú nhấn mạnh, hiện trong ngành điều Việt Nam đã có một số doanh nghiệp thực hiện truy xuất nguồn gốc, nhưng để đảm bảo đáp ứng được các tiêu chuẩn mới thì toàn ngành cần thực hành mô hình quản trị theo chuỗi giá trị.
“Đây là điều hết sức quan trọng vì trong 5 năm tới, nếu không thực hiện được thì dù có là ngành đứng đầu thế giới thì hạt điều Việt Nam cũng sẽ rất khó đi vào các thị trường cao cấp như EU, Nhật Bản” – ông Vũ Bá Phú khuyến nghị.