Thứ bảy 09/11/2024 01:31

Xuất khẩu dệt may trước sức ép lạm phát

Rút ngắn thời gian đặt hàng trước còn 3 tháng, thậm chí hủy đơn hàng… đang là những khó khăn mà doanh nghiệp xuất khẩu dệt may phải đối mặt.

Ảnh hưởng từ “sức nóng” lạm phát

Theo các nhà phân tích kinh tế, lạm phát gia tăng và thắt chặt tài chính đã phủ bóng đen lên kinh tế Mỹ, châu Âu, dẫn đến sự suy giảm nhu cầu toàn cầu kể từ quý II/2022.

Cụ thể, tại Mỹ, lạm phát tháng 8 đã cao hơn dự báo dù giá xăng liên tục suy giảm trong suốt thời gian qua (theo báo cáo mới được công bố bởi Cục Thống kê lao động Mỹ). Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần tăng 0,1% so với tháng trước đó và 8,3% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu loại bỏ chi phí năng lượng và thực phẩm, CPI cơ bản tăng 0,6% so với tháng 7 và 6,3% so với cùng giai đoạn một năm về trước. Nếu tính vắt năm, lạm phát toàn phần và cơ bản lần lượt ở ngưỡng 8% và 6%.

Còn tại EU, theo ước tính nhanh từ Văn phòng thống kê EU (Eurostat), lạm phát khu vực đồng tiền chung châu Âu tháng 8/2022 tính theo năm đã tăng lên mức cao kỷ lục 9,1%.

Đơn hàng xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp đang giảm mạnh

Việc Mỹ, EU lạm phát đang tác động tiêu cực đến xuất khẩu dệt may của các doanh nghiệp Việt bởi đây là hai thị trường truyền thống- chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu xuất khẩu toàn ngành này.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP. Hồ Chí Minh nhận xét, dù 8 tháng năm 2022 kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đã đạt 30,1 tỷ USD nhưng tăng trưởng chủ yếu rơi vào các tháng đầu năm và từ tháng 7/2022 tới nay doanh nghiệp đang rất khó khăn.

“Theo thông tin chúng tôi nắm được thì hiện rất nhiều doanh nghiệp dệt may ở khu vực TP. Hồ Chí Minh đang sụt giảm đơn hàng mạnh. Các thị trường suy giảm tập trung vào Mỹ, EU bởi sức ép lạm phát từ các quốc gia này lớn, buộc người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, trong khi đó dệt may không phải là hàng thiết yếu”- ông Hồng cho biết.

Một báo cáo phân tích về ngành dệt may được công bố bởi VNDirect Research gần đây cũng nhận xét rằng, nhu cầu của các mặt hàng quần áo cao cấp như áo sơ mi và áo phông làm từ sợi tái chế và sợi bông (giá cao hơn) sẽ chậm lại trong nửa cuối năm 2022.

Cũng theo báo cáo này, ban lãnh đạo các công ty may mặc cho biết khách hàng Mỹ đã rút ngắn thời gian đặt hàng trước từ 6 tháng xuống còn 3 tháng do lượng hàng tồn kho cao và áp lực lạm phát. Hiện chỉ số ít các doanh nghiệp lớn như Thành Công (TCM), Sợi Thế Kỷ (STK), Công ty cổ phần Damsan (ADS) có đủ đơn đặt hàng cho quý III/2022, nhưng một số khách hàng đã hủy đơn hàng do lượng hàng tồn kho cao. Trong khi đó, các đơn đặt hàng trong quý IV/2022 đã chậm lại do lo ngại về lạm phát.

Tại thị trường EU, ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT của Công ty TNHH Việt Thắng Jean cũng thừa nhận rằng, đơn hàng của doanh nghiệp này đã giảm trên 30% và họ buộc phải cắt giảm giờ làm để duy trì việc cho công nhân.

Sáng cửa hơn từ đầu năm 2023?

Ông Phạm Xuân Hồng cho hay, tình hình xuất khẩu khó có thể phục hồi sớm mà sẽ còn khó khăn trong những tháng cuối năm nay. “Thời điểm này các doanh nghiệp đang xoay sở để duy trì hoạt động. Theo đó những doanh nghiệp lớn có đơn hàng dồi dào có xu hướng chia sẻ đơn hàng cho doanh nghiệp thiếu đơn hàng. Một số khác thì tìm cơ hội ngắn hạn ở thị trường nội địa”- ông Hồng chia sẻ.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang thực hiện liên kết để tìm kiếm đơn hàng ở thị trường mới. Chẳng hạn như các doanh nghiệp thuộc Hội Dệt may Thêu đan TP. Hồ Chí Minh gần đây có liên kết với các doanh nghiệp tại Ấn Độ, Pakistan nhằm trao đổi đơn hàng vào các thị trường này.

Dự báo về triển vọng của ngành này trong thời gian tới, theo VNDirect Research, ngành dệt may sẽ tươi sáng hơn trong quý I năm sau do các sản phẩm dệt may sẽ được giảm thuế xuất khẩu vào thị trường EU vào năm 2023 nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Bởi theo FTA này, các loại hàng may mặc bao gồm B3, B5, B7 sẽ được giảm 2 - 4% thuế xuất khẩu vào năm 2023.

Ngoài ra, Ủy ban châu Âu dự báo lạm phát trong khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ đạt 8,3% vào năm 2022, trước khi giảm xuống 4,3% vào năm 2023. “Chúng tôi cho rằng lạm phát thấp hơn sẽ kích thích nhu cầu mua sắm các mặt hàng thời trang trong năm 2023. Do đó, chúng tôi kỳ vọng một số doanh nghiệp dệt may xuất khẩu com-lê, áo sơ mi, quần và váy sang châu Âu như May Sông Hồng, May 10, Việt Tiến… sẽ được hưởng lợi từ EVFTA”- chuyên gia của VNDirect Research kỳ vọng.

Mai Ca
Bài viết cùng chủ đề: Xuất khẩu dệt may

Tin cùng chuyên mục

Ấn Độ vẫn là thị trường xuất khẩu chính của quế Việt

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu máy ảnh, máy quay phim và linh kiện lớn nhất của Việt Nam

Xuất khẩu tăng mạnh, Hoa Kỳ giữ vững vị thế thị trường lớn nhất của hàng Việt Nam

10 tháng, thu ngân sách nhà nước từ xuất nhập khẩu đạt 346.283 tỷ đồng

10 tháng năm 2024, xuất khẩu hồ tiêu thu về 1,1 tỷ USD

Thương mại hai chiều Việt Nam – Trung Quốc tiến gần mốc 170 tỷ USD sau 10 tháng

Gạo Việt, xây dựng thương hiệu bằng chất lượng

Xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Canada tăng trở lại

Xuất nhập khẩu hàng hoá 10 tháng năm 2024: Xuất khẩu tăng mạnh

Nhập khẩu gạo của Việt Nam tăng kỷ lục trong 10 tháng năm 2024

Phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ - Bài 2: Cần có lộ trình phù hợp

Thương mại hàng hóa tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế 10 tháng

Tìm giải pháp tăng cường xuất khẩu điện tử đi châu Âu, châu Mỹ

Kim ngạch xuất nhập khẩu gần chạm mốc 650 tỷ USD, thặng dư 23,31 tỷ USD

Điểm tên 5 khó khăn mà doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang đối mặt

Phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ - Bài 1: Lúng túng trong triển khai

Xuất khẩu gừng, nghệ và gia vị khác giảm 28,3% về lượng, tăng 9,9% về kim ngạch

Ông Đặng Phúc Nguyên: Xuất khẩu rau quả có thể sớm đạt 10 tỷ USD

Nhập khẩu đậu tương từ Campuchia tăng gần 8 lần

Thuế xuất nhập khẩu phân bón, thuốc lá thay đổi ra sao từ 16/12/2024?