So với cùng kỳ năm ngoái, lượng cao su XK tăng 8,4%, còn kim ngạch tăng tới 39%. Với giá trị XK như trên, kể từ năm 2013 đến nay, ngành cao su mới trở lại mốc XK trên 2 tỷ USD.
Lần đầu tiên, kim ngạch XK cao su vượt mốc 2 tỷ USD là năm 2010 (đạt 2,3 tỷ USD). Năm 2011, kim ngạch XK cao su vượt mốc 3 tỷ USD và đạt kỷ lục 3,2 tỷ USD. Sau đó, kim ngạch XK cao su liên tục giảm xuống và từ năm 2014-2016 luôn ở dưới mốc 2 tỷ USD.
Việc trở lại mốc XK trên 2 tỷ USD của ngành cao su, có nguyên nhân chính từ việc giá cao su XK tăng cao. Trong 10 tháng đầu năm nay, giá cao su XK đạt bình quân 1.680 USD/tấn, tăng tới 32,6% so với cùng kỳ 2016.
Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, từ nửa sau của tháng 11 đến nay, giá cao su trên thế giới đang có xu hướng giảm. Trước hết là do thông tin từ việc tồn kho cao su ở Trung Quốc tăng cao. Cụ thể, tính đến cuối tháng 10, tồn kho cao su tại kho ngoại quan Thanh Đảo (Trung Quốc) đạt gần 200.000 tấn. Trong đó, 114.600 tấn là cao su tư nhiên, tăng mạnh so với 55.400 tấn của cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, hàng cao su tồn kho ở Trung Quốc, gồm cả kho ngoại quan Thanh Đảo và sàn Thượng Hải đang ở mức kỷ lục là khoảng 510.000 tấn.
Trong khi đó, sản lượng cao su toàn cầu lại tăng lên. Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), trong 10 tháng đầu năm nay, sản lượng cao su tự nhiên trên toàn cầu đạt 10,43 triệu tấn, tăng 5% (tương ứng với 650.000 tấn) so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, lượng tiêu thụ cao su trên thế giới trong 10 tháng qua chỉ tăng 1,1% so với cùng kỳ và đạt 10,73 triệu tấn.
Giá cao su trên thế giới giảm cũng đã ảnh hưởng đến giá cao su cuối năm ở Việt Nam. Trong nửa cuối tháng 11, giá mủ cao su đã giảm 1-1,1% so với hồi giữa tháng 11.
Về thị trường, Trung Quốc vẫn là nước NK lớn nhất của cao su Việt Nam. Trong 11 tháng qua, XK cao su sang Trung Quốc đạt 785.807 tấn, trị giá 1,287 tỷ USD. Như vậy, Trung Quốc đang chiếm 64,6% về lượng và 64% về giá trị của XK cao su Việt Nam. Việt Nam hiện đang là nguồn cung cao su đứng hàng thứ 4 cho Trung Quốc sau Thái Lan, Malaysia và Nhật Bản. Trong 9 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã chi ra 13,98 tỷ USD để NK cao su, trong đó, cao su từ Việt Nam chiếm thị phần 7,9% (tăng so với mức 6,8% của cùng kỳ 2016).
Một điều đáng chú ý trong XK cao su Việt Nam năm nay, là trong khi cao su tổng hợp tăng mạnh cả về lượng lẫn giá trị thì cao su tự nhiên lại giảm. Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm nay, XK cao su tổng hợp đạt 596.203 tấn và 1 tỷ USD, tăng 36,4% về lượng và 81,7% về giá trị; cao su SVR 3L giảm 24,4% về lượng; cao su SVR 10 giảm 32,1% về lượng…