Xuất khẩu cá ngừ tươi, đông lạnh và khô sang thị trường EU tăng gấp 317 lần
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường EU tiếp tục bứt phá so với cùng kỳ năm 2023, với mức tăng 96%, đạt hơn 17 triệu USD.
Xuất khẩu cá ngừ tươi, đông lạnh và khô sang thị trường EU tăng gấp 317 lần |
Xuất khẩu các nhóm mặt hàng cá ngừ của Việt Nam sang EU trong tháng đầu năm 2024 đều tăng so với cùng kỳ. Đáng chú ý, xuất khẩu cá ngừ tươi, đông lạnh và khô mã HS03 (trừ thịt/loin cá ngừ đông lạnh mã HS0304) tăng gấp 317 lần. Xuất khẩu cá ngừ chế biến khác, trong đó chủ yếu là loin cá ngừ hấp đông lạnh, tăng gấp hơn 9 lần.
Điều này cho thấy những ưu đãi về thuế quan theo Hiệp định Thương mại tự do giữ EU và Việt Nam (EVFTA) đang tạo ra sức hút lớn cho các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam trong tháng đầu năm.
Tháng 1/2024, cá ngừ của Việt Nam đã xuất được sang 21 nước thành viên của EU. Trong đó, Italy, Đức và Hà Lan vẫn là 3 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ cả Việt Nam. Hiện xuất khẩu sang cả 3 thị trường kể trên đều tăng trưởng tốt so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, tại thị trường Italy, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng “phi mã” trong tháng đầu năm 2024, với mức tăng 364% so với tháng 1/2023. Italy hiện đang nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ tươi và đông lạnh của Việt Nam.
Cùng với Italy, xuất khẩu cá ngừ sang Ba Lan cũng đang tăng mạnh. Nếu như tháng 1/2023, Việt Nam không xuất được mấy đơn hàng sang thị trường này, năm 2024 Ba Lan hiện đang là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 4 trong khối với doanh số đạt hơn 1,6 triệu USD.
Ngoài Ba Lan, xuất khẩu sang Thụy Điển, Bỉ và Cộng hòa Síp cũng đang tăng phi mã lần lượt là gấp 11 lần, gấp 2 lần và gấp 5 lần.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, dự kiến xuất khẩu cá ngừ sang EU sẽ tiếp tục tăng trong quý đầu năm do tác động của ưu đãi thuế quan theo Hiệp định EVFTA. Mặc dù, giá cá ngừ nguyên liệu trên thị trường thế giới đã giảm nhiệt, tuy nhiên căng thẳng tại Biển Đỏ đã khiến giá cước vận tải tăng cao sẽ khiến cho giá cá ngừ thành phẩm vẫn sẽ cao sẽ kìm hãm nhu cầu tại các thị trường.
Ngoài ra, ‘thẻ vàng IUU’ tiếp tục là thách thức, nếu không tháo gỡ được trong năm 2024 sẽ khiến xuất khẩu sang EU đình trệ vì thủ tục xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác còn bất cập vì các yếu tố nguồn lực, nhân lực và cơ sở hạ tầng không đáp ứng. Những ngành hàng như cá ngừ sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất...