Những năm qua, lực lượng chức năng Hà Nội mở nhiều đợt ra quân kiểm tra, xử lý các điểm trông giữ xe không phép trên địa bàn, nhưng tình trạng này đến nay chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Dù xử lý điểm này nhưng các điểm trông giữ xe không phép mới lại phình ra, tiếp tục mọc lên như nấm sau mưa.
Thực tế hệ lụy của việc các bãi trông xe “chui” hoành hành nhiều năm nay đã ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, gây mất an toàn giao thông đô thị. Thậm chí, với hàng trăm điểm trông giữ xe trái phép lớn, nhỏ hoạt động ngày, đêm trên địa bàn thành phố còn gây thất thoát một khoản thu không nhỏ cho ngân sách Nhà nước.
Một trong những nguyên nhân lớn của tình trạng này là thực tế nhu cầu trông giữ xe của người dân trên địa bàn thành phố mỗi ngày một lớn nhưng hạ tầng thành phố hiện nay đang thiếu bãi đỗ xe. Dù tới nay Hà Nội đã quy hoạch 1.620 bãi đỗ xe nhưng hiện chỉ có 57 bãi đỗ xe hoạt động, còn lại là những bãi đỗ xe “quy hoạch treo” chưa được thực hiện.
Một bãi trông giữ phương tiện ô tô trái phép trên địa bàn phường Định Công (Ảnh: Tiên phong). |
Mặt khác, các bãi trông giữ xe “chui” còn đem lại nguồn thu khổng lồ cho các đối tượng trông giữ trái phép. Trong khi đó mức xử lý vi phạm trông giữ xe trái phép hiện nay chỉ ở mặt hành chính còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe cho nên việc xử lý, xóa bỏ tình trạng này quả thật không dễ.
Mới đây nhất, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, phát hiện xử phạt 2 bãi trông giữ xe ô tô trái phép trên địa bàn quận Hoàng Mai, với mức phạt mỗi bãi xe chỉ 5,5 triệu đồng. Mức phạt này thậm chí không bằng số tiền các đối tượng chỉ nhận trông giữ một xe ô tô trong vòng một tháng.
Từ những lý do trên có thể thấy thực trạng dù lực lượng chức năng Hà Nội kiểm tra, xử phạt các điểm trông giữ xe trái phép nhưng sau đó các điểm trông giữ xe trái phép mới lại mọc lên như “nấm sau mưa”. Không những vậy, với mức phạt được cho là thiếu tính răn đe, nhiều bãi xe hoạt động trái phép vẫn tiếp tục hoạt động và chuyện xử lý các điểm trông giữ xe trái phép này như “bắt cóc bỏ đĩa” cũng không khó hiểu.
Trước đó, theo phản ánh của báo chí, khu “đất vàng” tại 161 Yên Phụ (số cũ 151) phố Yên Phụ, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội đối diện khách sạn Thắng Lợi sau khi bị bỏ hoang nhiều năm bất ngờ bị “hô biến” thành bãi trông giữ xe trái phép.
Ngày 14/5, đại diện đội Thanh tra GTVT Quận Tây Hồ cho biết, đơn vị đã phối hợp với UBND phường Yên Phụ xử phạt hành chính về hành vi tổ chức hoạt động khai thác bãi xe khi chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép. Mức xử phạt là 5.500.000 đồng.
Tuy nhiên, ngay sau khi bị xử phạt bãi xe này vẫn không tạm dừng mà vẫn ngang nhiên hoạt động tại đây. Lãnh đạo UBND phường Yên Phụ thừa nhận nơi đây vẫn cố tình, ngang nhiên hoạt động mặc dù UBND phường đã ra thông báo dừng, công an đã tiến hành thu biển.
Thiết nghĩ rằng, trong bối cảnh đô thị hóa ngày càng cao cơ quan thẩm quyền Hà Nội cần nhanh chóng, đầu tư hạ tầng, xây dựng các bãi trông giữ xe theo quy hoạch đã được định ra, hoặc có những chính sách hợp lý để thu hút các nhà đầu tư, nguồn lực xã hội tham gia xây dựng bãi đỗ xe, không thể để tình trạng “quy hoạch treo” hơn 1.000 bãi đỗ xe kéo dài. Qua đó, cũng góp phần dần xóa bỏ các điểm trông giữ xe trái phép.
Ngoài ra, để giải quyết triệt để tình trạng bãi xe trái phép, cần có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn như: Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm minh, không chỉ xử phạt hành chính, cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm minh đối với những trường hợp tái phạm, đặc biệt là các bãi trông giữ xe có quy mô lớn. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần phát hiện và xử lý tội trốn thuế đối với các điểm trông giữ xe không phát vé...
Ngoài ra, cũng cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về hậu quả của việc sử dụng các bãi xe trái phép, khuyến khích người dân phản ánh, cung cấp thông tin để cơ quan chức năng xử lý vi phạm.
Tràn lan bãi trông giữ xe trái phép không chỉ là vấn đề của an ninh trật tự, mà còn là vấn đề của an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, mỹ quan đô thị và bảo vệ môi trường. Để giải quyết triệt để vấn đề này, cần sự quyết tâm và hành động đồng lòng của các cơ quan chức năng, của cộng đồng và của mỗi người dân.
Nếu không thực hiện được những vấn đề này, việc xử lý bãi xe trái phép vẫn chỉ là “bắt cóc bỏ đĩa”, và khi xử lý điểm này, điểm khác lại phình ra, lại tái phạm... người dân tiếp tục bị chịu "giá cắt cổ" và ngân sách Nhà nước tiếp tục thất thu.