Xây dựng thương hiệu hồ tiêu tại thị trường CPTPP: Cần bắt đầu từ chất lượng
Bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
Sau hơn 3 năm thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP), tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp ngành hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam sang khối thị trường này như thế nào, thưa bà?
Hiện nay, các doanh nghiệp ngành hàng hồ tiêu đã xuất khẩu đi nhiều thị trường trong đó có khối thị trường CPTPP. Trong khối thị trường này, có các thị trường như Australia, Nhận Bản, New Zealand,… là những nước có nhu cầu tiêu dùng cao, trong khi Việt Nam lại có lợi thế về sản xuất.
Hồ tiêu Việt Nam là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang thị trường CPTPP |
Điều này không có nghĩa Việt Nam chỉ có lợi thế trong khối thị trường CPTPP mà chúng ta đang có lợi thế cung cấp trong ngành hồ tiêu trên toàn cầu.
Tính về thành viên của khối CPTPP thì các thị trường Australia, New Zealand, Nhật Bản, Canada đều có yêu cầu rất khắt khe, tuy nhiên, về số lượng tiêu thụ thì lượng nhập từ Australia, New Zealand còn ít.
Canada nhập khẩu hồ tiêu trực tiếp từ Việt Nam với lượng khiêm tốn mà chủ yếu nhập khẩu qua khu vực Bắc Mỹ.
Việc này cũng tương tự với với khối thị trường EU, các nhà mua chính là tại các thị trường Đức, Hà Lan, Anh, Pháp và sau đó các thị trường trong khối sẽ phân bổ cho nhau.
Bởi trong bức tranh xuất khẩu hồ tiêu, do khoảng cách địa lý và tập quán tiêu dùng sẽ có một số thị trường mua chính, và các nước khác mua lại từ các thị trường này.
Với khối thị trường CPTPP, hiện nay chúng ta đang xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Nhật Bản và hiện nay cũng có doanh nghiệp Nhật Bản đến mở đầu tư tại Việt Nam.
Còn tại thị trường Australia, New Zealand, trong việc cung cấp sản phẩm hồ tiêu hiện chúng ta đang có lợi thế tuyệt đối.
Hiện nay, với các sản phẩm hồ tiêu, chúng ta chủ yếu mới chủ yếu xuất thô mà chưa có thương hiệu tại khối thị trường này, bà bình luận gì về việc này?
Hiện nay, tỷ lệ thô và tinh trong xuất khẩu hồ tiêu nói chung và tại khối thị trường CPTPP hiện đang rơi vào tỷ lệ khoảng 80 – 20.
Chúng tôi cũng đang khuyến khích hội viên trong doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có khả năng tiếp tục đầu tư công nghệ để đẩy mạnh chế biến sâu.
Bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) (Ảnh Cấn Dũng) |
Tuy nhiên, chế biến sâu thì chúng ta cũng phải lo phía đầu thị trường. Bởi hàng chế biến sâu là hàng rất đặc thù và tùy thuộc vào nhu cầu của từng người mua, từng khách hàng chứ không phải của từng thị trường.
Do đó, phải đảm bảo chắc chắn cho doanh nghiệp có được thị trường bảo đảm thì khi đó doanh nghiệp mới lồng ghép với vấn đề đầu tư.
Còn vấn đề thương hiệu, chúng tôi hiện nay xây dựng thương hiệu cho tất cả các thị trường, chứ không phải thương hiệu chỉ riêng cho thị trường Nhật Bản, thị trường CPTPP, hay khối thị trường EVFTA.
Thương hiệu sẽ là uy tín để chúng ta đảm bảo về vấn đề chất lượng, đảm bảo hài hòa và tương thích với yêu cầu thị trường, khi đó, hồ tiêu có thể đi vào bất kỳ thị trường nào.
Về cơ bản, với các thị trường phát triển như EU, Australia, Nhật Bản, New Zealand, Hoa Kỳ,… họ có “thước đo” hay nói cách khác đó là yêu cầu thị trường gần ngang bằng nhau. Chỉ có một số điểm khác biệt không đáng kể. Và khi hồ tiêu đi được vào các thị trường này thì chúng ta cũng đã đi vào phân khúc của thị trường cao cấp.
Còn với phân khúc thị trường Trung Đông, châu Á, châu Phi thì có sự khác biệt.
Như vậy, ở đây, tiêu chí thị trường được phân bố theo khu vực hơn là từng nước. Nếu chúng ta so sánh với các nước có cùng tương thích về lợi ích, trình độ phát triển kinh tế và mức độ quản lý hàng rào nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu thì về cơ bản sẽ không có sự khác nhau nhiều.
Hồ tiêu là một trong những gia vị được hiện diện ở hầu hết trên bàn ăn của thế giới, tuy nhiên, công tác xây dựng thương hiệu vẫn đang yếu và thiếu, bà có khuyến nghị gì đối với các doanh nghiệp trong ngành?
Tôi cho rằng, phải có “bột mới gột lên hồ”. Bài toán thương hiệu hay từ thương hiệu thì chỉ là vấn đề kỹ thuật, nhưng về mặt nền tảng thì chúng ta phải có hàng hóa đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Hiện nay, để xây dựng được thương hiệu phải bắt buộc nhà xuất khẩu, nhà chế biến gắn trực tiếp với vùng nguyên liệu để làm việc trực tiếp với nông dân, từ đó, mới quản lý được sản xuất và như vậy mới đảm bảo được yêu cầu về chất lượng. Chất lượng mới gắn liền với yếu tố bền vững, truy xuất nguồn gốc. Đây là điều kiện cần.
Bước tiếp theo đó là các doanh nghiệp này mạnh dạn, xem xét đầu tư thương hiệu. Bởi với các khách hàng tiềm năng, các khách hàng đầu cuối thì yếu tố mà họ quan tâm và muốn làm đối tác lâu dài với các nhà cung cấp hồ tiêu và gia vị Việt Nam thì họ sẽ “nhắm” đến những nhà cung cấp, chế biến, xuất khẩu có liên kết sản xuất, có sự hỗ trợ nông dân trong chuỗi.
Việc này giúp cho chuỗi cung cấp của họ bền vững. Bởi khi nắm được đầu sản xuất, trong quá trình cung cấp mà cần điều chỉnh theo yêu cầu của khách hàng mua hay theo yêu cầu của thị trường, nhà cung cấp có thể làm việc trực tiếp với người nông dân thì họ sẽ làm được nhanh hơn so với những nhà cung cấp chỉ làm ở phân khúc giữa – làm thương mại.
Đây là xu hướng tất yếu. Và bây giờ việc mua hàng có thể truy xuất đến tận gốc người sản xuất là xu hướng chung của những người mua trên thế giới, nhất là các hộ mua lớn.
Tất nhiên, thị trường là muôn hình, vạn trạng. Sẽ có những phân khúc cho các doanh nghiệp nhỏ, cho các doanh nghiệp chỉ làm môi giới, doanh nghiệp chỉ làm thương hiệu.
Tuy nhiên, bài toán bền vững, bài toán thương hiệu sẽ phải gắn liền với việc chủ động nguồn hàng. Và như vậy, không có cách gì khác là chúng ta phải bắt tay với nông dân và nông dân sẽ là đối tác bền vững trong chuỗi cung cấp khi liên kết với nhà sản xuất, xuất khẩu để đưa hàng ra thị trường nước ngoài.
Xin cám ơn bà!