Việt Nam tăng cường nhập khẩu quế từ thị trường Indonesia và Trung Quốc
Theo thống kê từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), Việt Nam đã nhập khẩu 443 tấn quế trong tháng 5 với kim ngạch đạt 1 triệu USD, tăng 18,8% về lượng so với tháng trước đó.
Về cơ cấu thị trường, châu Á là thị trường nhập khẩu quế lớn nhất của Việt Nam. Trong đó đứng đầu là Indonesia và Trung Quốc là 2 quốc gia cung cấp quế chủ yếu cho Việt Nam đạt 308 tấn và 96 tấn.
Tháng 5/2024, Việt Nam nhập khẩu quế chủ yếu từ 2 thị trường Indonesia và Trung Quốc với sản lượng lần lượt đạt 308 tấn và 96 tấn |
Lũy kế 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu 2.452 tấn quế với kim ngạch đạt 5,7 triệu USD, giảm 75,2%, kim ngạch giảm 77,3% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý Trung Quốc vươn lên trở thành nhà cung cấp chủ yếu cho Việt Nam với tỷ trọng đạt 45,8%.
Ở chiều ngược lại, nước ta xuất khẩu 33.528 tấn quế với tổng kim ngạch đạt hơn 96 triệu USD, giảm nhẹ 1,1% về lượng và giảm 4,4% kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Ở Việt Nam, quế phân bố hầu khắp các vùng trên cả nước. Tuy nhiên, phải kể đến bốn vùng trồng quế tập trung là Yên Bái, Quảng Ninh, Thanh Hóa – Nghệ An và Quảng Nam – Quảng Ngãi. Ngoài ra, mỗi vùng miền có thể có cách gọi tên khác như: Quế Yên Bái, quế Quỳ, quế Quảng, mạy quế (Tày)… Trữ lượng vỏ quế Việt Nam ước tính khoảng 900.000 - 1.200.000 tấn, sản lượng thu hoạch bình quân 70.000 – 80.000 tấn/năm. Việt Nam cũng là nước xuất khẩu quế số 1 trên thế giới với kim ngạch đạt trên 292 triệu USD vào năm 2022.
Cũng theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam, quế được trồng chủ yếu ở Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia giống Casia và Madagascar, Sri Lanka giống Ceylon. Trồng quế hiện đang là sinh kế cho hàng trăm nghìn hộ dân tộc thiểu số tại các tỉnh vùng sâu vùng xa, đồng thời đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương.
Quế có nhiều tác dụng trong sản xuất và cuộc sống như sử dụng làm gia vị, làm hương liệu, làm thuốc chữa bệnh, sử dụng để chế biến thức ăn, nuôi gia súc, gia cầm hoặc sử dụng làm phân bón…
Việt Nam là quốc gia có nguồn dược liệu đa dạng, nhiều loại quý và hiếm. Tuy nhiên,, đây chưa phải là nguồn hàng hoá có kim ngạch xuất khẩu cao. Nguyên nhân chủ yếu do chưa có quy hoạch phát triển cây dược liệu tại Việt Nam đang mang tính tự phát, đặc biệt do chưa xác định đầu ra cụ thể nên vẫn xảy ra tình trạng phá bỏ do không tiêu thụ được.
Các chuyên gia cho biết, để tăng cơ hội và tạo điều kiện xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm quế, hồi và cây dược liệu của Việt Nam ra thị trường quốc tế, cần tháo gỡ 5 nhóm vấn đề chính là: Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu phát triển sản phẩm, bảo tồn gen, giống quý hiếm của dược liệu; đào tạo nguồn nhân lực; đẩy mạnh tăng cường liên doanh liên kết, phát triển thị trường xuất khẩu; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, ngành dược liệu Việt Nam; phát triển dịch vụ logistics; quy hoạch vùng nguyên liệu lớn nhằm tạo ra sản lượng thương mại đủ lớn, phục vụ cho xuất khẩu.