Thứ ba 19/11/2024 06:46

Việt Nam sản xuất thành công vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi

Các nhà khoa học trong lĩnh vực thú y của Việt Nam vừa nghiên cứu, sản xuất thành công vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Vắc xin có tên thương mại NAVET-ASFVAC của Công ty Cổ phần thuốc thú y Trung ương Navetco. Dự kiến ngày 3/6/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) sẽ chính thức công bố thành tựu này.

Tiêu hủy lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi tại xã Nghĩa Trung (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang)

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - cho biết, sau một thời gian dài tập trung nghiên cứu, đến đầu tháng 11/2019 các nhà khoa học của Hoa Kỳ đã công bố nghiên cứu thành công chủng vi rút dịch tả lợn châu Phi nhược độc đã được cắt bỏ đoạn gen ASF-G-Delta I177L; đây là tiền đề rất quan trọng cho việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Ngay trong tháng 11/2019, Lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã cử Lãnh đạo Cục Thú y sang Hoa Kỳ dự họp, gặp trực tiếp với các chuyên gia Hoa Kỳ để bàn phối hợp nghiên cứu, sản xuất vắc xin dịch tả lợn châu Phi.

Từ tháng 02/2020, việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin chính thức được thực hiện cùng với sự phối hợp của các chuyên gia Hoa Kỳ. Tháng 9/2020, Công ty Navetco đã khẩn trương triển khai nghiên cứu vắc xin dịch tả lợn châu Phi.

Trải qua 05 lần thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, kết quả 100% số lợn tiêm vắc xin được bảo hộ khi công cường độc trong phòng thí nghiệm; Trong điều kiện sản xuất đã bảo hộ được trên 80% số lợn được tiêm vắc xin khi công cường độc với chủng virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam; độ dài miễn dịch của vắc xin kéo dài 6 tháng sau tiêm phòng.

Như vậy, Việt Nam đã chính thức sản xuất được vắc xin thương mại phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi, đáp ứng được các yêu cầu chuyên môn kỹ thuật, bảo đảm vô trùng, an toàn và hiệu lực, độ dài miễn dịch kéo dài 6 tháng, góp phần bảo vệ an toàn cho chăn nuôi, sản xuất lợn thịt.

Bộ NN&PTNT cũng đã thành lập các Hội đồng khoa học cấp cơ sở, cấp Bộ và tổ chức hàng chục cuộc họp với sự tham dự của nhiều nhà khoa học hàng đầu Việt Nam, nhà quản lý và nhà sản xuất vắc xin thú y để nghiên cứu, đánh giá rất kỹ lưỡng báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học, hồ sơ đăng ký lưu hành vắc xin dịch tả lợn châu Phi NAVET-ASFVAC của Công ty Navetco.

Kết quả nghiên cứu, sản xuất vắc xin NAVET-ASFVAC của Công ty Navetco sau khi được các nhà khoa học độc lập đánh giá rất kỹ lưỡng đã được chấp nhận công bố trên các Tạp chí khoa học uy tín của thế giới và Tạp chí Khoa học thú y của Việt Nam. Ngày 17/5/2022, Viện nghiên cứu Nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cũng đã có thư chính thức gửi Cục Thú y Việt Nam xác nhận vắc xin NAVET-ASFVAC đảm bảo an toàn, hiệu lực.

Để cấp phép lưu hành thương mại vắc xin dịch tả lợn châu Phi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết về nguyên tắc, việc đăng ký và cấp phép lưu hành vắc xin dùng trong thú y nói chung, vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi nói riêng đều phải tuân thủ theo các quy định của Luật Thú y và các quy định hiện hành.

Tuy nhiên, do đây là vắc xin lần đầu tiên được sản xuất thương mại trên thế giới nên trong tháng 5/2022, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y và các cơ quan liên quan cấp Giấy chứng nhận lưu hành đối với vắc xin NAVET-ASFVAC của Công ty Cổ phần thuốc thú y Trung ương Navetco theo quy định.

Tổ chức giám sát chất lượng vắc xin NAVET-ASFVAC (đối với chỉ tiêu vô trùng, an toàn và hiệu lực) của 10 lô sản xuất liên tiếp. Đồng thời, tổ chức giám sát việc sử dụng NAVET-ASFVAC theo 02 giai đoạn.

Giai đoạn 1, sử dụng vắc xin NAVET-ASFVAC ở diện hẹp; Số lượng vắc xin dự kiến được phép sử dụng khoảng 600.000 liều; Địa điểm sử dụng tại các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp và người chăn nuôi có nhu cầu đăng ký tự nguyện sử dụng vắc xin NAVET-ASFVAC. Giai đoạn 2, sau khi có báo cáo đánh giá kết quả sử dụng vắc xin NAVET-ASFVAC ở giai đoạn 1, Cục Thú y báo cáo Bộ NN&PTNT chỉ đạo việc sử dụng vắc xin ở phạm vi toàn quốc.

Dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra trên lợn, xuất hiện lần đầu tiên tại châu Phi vào năm 1921. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh, gây bệnh ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn (bao gồm cả lợn nuôi các loại và lợn rừng). Bệnh gây tỷ lệ chết cao lên đến 100%.

Virus dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng cao. Sau khi khỏi bệnh lâm sàng, lợn vẫn có khả năng mang virus trong thời gian dài và có thể trở thành vật chủ mang trùng suốt đời, do vậy nếu để xảy ra bệnh sẽ rất khó để loại trừ được mầm bệnh. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu là vệ sinh, sát trùng, tiêu độc và chăn nuôi an toàn sinh học.

Đã hơn 100 năm qua kể từ khi bệnh dịch tả lợn châu Phi được phát hiện, mặc dù có hơn 4.000 công trình nghiên cứu liên quan đến virus dịch tả lợn châu Phi và phát triển vắc xin của các nhà khoa học được công bố; tuy nhiên, trên thế giới chưa có vắc xin thương mại phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Nguyễn Hạnh

Tin cùng chuyên mục

Hội nghị Nấm học toàn quốc tại Đà Nẵng: Kết nối nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp

Tập đoàn Hùng Nhơn ký hợp tác chiến lược với Tập đoàn Olmix (Pháp)

Lâm Đồng: Sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi xanh, phát triển bền vững để thu hút nhà đầu tư

Phải chuẩn bị phương án ứng phó cao nhất với bão số 6

Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp: Con đường phát triển bền vững trong các nền kinh tế APEC

Hà Nội: Hiệu quả cao từ chuyển đổi số trong các cơ sở sản xuất nông nghiệp

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công lĩnh vực nông thôn mới đạt dưới 50%

Thừa Thiên Huế: Còn nhiều khó khăn trong phát triển sản phẩm làng nghề

Thái Bình: Mô hình OCOP thành công từ ngành chăn nuôi và thủy sản

Lợi nhuận mảng nông nghiệp của Hòa Phát quý 3/2024 tăng 80% so với cùng kỳ

Nhiều khó khăn đang ‘kìm hãm’ sự phát triển du lịch canh nông tại Lâm Đồng

Xây dựng hàng lang pháp lý về sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng

Chủ tịch tỉnh Gia Lai làm việc với chủ đầu tư dự án nông nghiệp gần 1.000 tỷ đồng

Bình Điền đồng hành cùng chương trình Tự hào nông dân Việt Nam

Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ IX: Nông dân mong muốn được tháo gỡ vốn, đất đai, thị trường

Chăn nuôi công nghệ cao giúp nông nghiệp Việt vươn ra thế giới

Tuyên Quang: Hiện thực hóa ước mơ an cư cho người nghèo

Sản xuất nông nghiệp Thủ đô: Hiệu quả cao nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại

Họp báo Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024

Ra mắt cuốn sách ‘Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn – Những ký ức và kỷ niệm’