Việt Nam đang có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế số
Việt Nam đang có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế số, nhưng song song với đó là nhiều thách thức cần được nhận diện, giải quyết sớm. Hay có thể hiểu thông thường, kinh tế số hiện đang được nhìn nhận chủ yếu ở hoạt động thương mại điện tử.
Cũng theo các chuyên gia, kinh tế số phải được nhìn nhận bao quát hơn, bao gồm nhiều hoạt động, từ thương mại điện tử, truyền thông số, quảng cáo trực tuyến, phần mềm, dịch vụ viễn thông và công nghệ tài chính tác động từ khâu sản xuất, đến phân phối, tiêu dùng... Trong đó, các công nghệ kỹ thuật số như Blockchain, Bigdata, IoT đang hỗ trợ chuyển đổi các mô hình kinh doanh truyền thống và tạo ra những cơ hội cho đổi mới và tăng trưởng.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương nêu rõ: "Quy mô nền kinh tế internet định nghĩa có 4 nhóm là TMĐT gồm gọi xe trực tuyến, du lịch trực tuyến, các nội dung nghe nhìn và quảng cáo trực tuyến. Nếu dựa vào đó thì TMĐT Việt Nam thuộc Top 5 quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Nhưng đó là tốc độ thôi, còn giá trị thì còn rất nhỏ. Năm 2022 đạt khoảng 23 tỷ USD. Năm 2025 dự kiến khoảng 49 tỷ USD. Hiện 72 triệu người Việt đang sử dụng Internet, 57 triệu người mua sắm trực tuyến, 72% trong số đó mong muốn trải nghiệm mobile money. Bình quân mỗi người Việt Nam đang dùng 288 USD mua sắm trực tuyến mỗi năm".
Tiềm năng kinh tế số còn được ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số, Hội Truyền thông số Việt Nam và ông Phùng Danh Thắng – Trưởng ban tổ chức hội thảo dẫn chứng, nhận định qua những số liệu thống kê quốc tế.
Theo ông Giang: "Giá trị của kinh tế số đến từ việc mở rộng nền kinh tế, đúng nghĩa là chuyển đổi tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, thông qua quá trình hình thành các giá trị của hoạt động kinh tế số: Tạo ra các nền tảng, các platform cho phép dữ liệu thúc đẩy sự hình thành của các giao dịch, làm cho các giao dịch thành công hiệu quả hơn để tạo ra giá trị. Thứ 3, kinh tế số góp phần giải quyết những trở ngại vê sự phối hợp của nền kinh tế, giúp nền kinh tế tối ưu hoá nguồn lực, tối ưu hoá giá trị và tối ưu hoá cơ hội".
Trong khi đó ông Phùng Danh Thắng cho biết: "Trên thế giới, kinh tế số cũng được quan tâm chú trọng ở những nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Trung Quốc. Nền kinh tế số của Trung Quốc theo báo cáo của Cyberspace Administration of China, đứng thứ 2 thế giới với 6.960 tỷ USD vào năm 2022 chiếm 41,5% GDP. Điều đó cho thấy tiềm năng rất lớn của kinh tế số ở Việt Nam và toàn cầu. Tuy vậy, phát triển kinh tế số cũng gặp rất nhiều những thách thức về bảo mật thông tin, hạ tầng công nghệ, nguồn nhân lực hay thể chế tác động không nhỏ đến sự phát triển kinh tế số".
Một vài số liệu thống kê cho thấy, với Việt Nam và các nước phát triển, kinh tế số đang là cách thức hiệu quả để hỗ trợ tăng trưởng toàn nền kinh tế, tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Bà Jessy Carmelle Petit-Frère, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Haiti, Giáo sư Đại học Công lập miền Nam, Haiti chia sẻ thực tiễn hoạt động kinh tế số tại Haiti, khi công nghệ số thâm nhập vào các lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế - xã hội, đòi hỏi người lao động phải có năng lực kép, đó là kỹ năng chuyên môn và kỹ năng số. Người tiêu dùng cũng vậy, nếu không có năng lực số tốt, không có khả năng tiếp cận và sử dụng hiệu quả các công nghệ số và dữ liệu số để ra quyết định chọn lựa và bảo vệ các quyền cơ bản của mình trong quá trình tiêu dùng và sử dụng các sản phẩm-dịch vụ. Năng lực số trở thành một đòi hỏi đối với người lao động và người tiêu dùng và đây cũng là bài toán dành cho cơ quan chức năng.
Bà Jessy Carmelle Petit-Frère cho biết: "Kinh tế số có thể tạo sự khác biệt trong các lĩnh vực khác nhau. Nó đưa các nước đến sự lựa chọn duy nhất là tăng cường phát triển số và kết nối người dân với dịch vụ, việc làm. Vấn đề bây giờ là vấn đề kết nối. Một hệ thống internet ổn định là vấn đề Haiti cần. Ngoài ra, các cơ hội này sẽ được nắm bắt nhờ vào việc xây dựng các chính sách số trong đào tạo số và phải xây dựng các quỹ đổi mới sáng tạo cho thanh niên, xây dựng và thúc đẩy các doanh nghiệp địa phương hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài và có các điều luật mới hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận và tham gia xây dựng hạ tầng kinh tế số".
Nếu như trong các hoạt động kinh tế truyền thống có một biên giới rõ ràng giữa bên cung và bên cầu thì trong nền kinh tế số, biên giới này trở nên mờ nhạt, và có thể bị xóa nhòa - nhà cung cấp và người tiêu dùng gần như không còn khoảng cách. Điều làm thay đổi hoàn toàn cách thức vận hành của nền kinh tế trước đây, đồng thời cũng tạo nên một môi trường kinh doanh mới – tạo việc làm và thu nhập cho hàng tỷ người dân toàn cầu, người lao động Việt Nam không là ngoại lệ.
Nhận định tiềm năng kinh tế số, nhận định những tác động của kinh tế số cũng chính là cách thức hiệu quả để các nhà hoạt định chính sách Việt Nam sớm nghiên cứu, giải quyết các vấn đề tồn tại trong bảo mật thông tin, hạ tầng công nghệ, nguồn nhân lực…, để tăng trưởng kinh tế số đạt kỳ vọng, đóng góp vào tăng trưởng chung.