Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong 9 tháng đầu năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam - Trung Quốc đã giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2019, đạt hơn 9,8 tỷ USD. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc đều suy giảm. Riêng mặt hàng rau quả từ đầu năm đến nay chỉ đạt khoảng 1,4 tỷ USD, giảm 25,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Nhiều sản phẩm nông sản Việt dù đáp ứng tiêu chuẩn EU, Mỹ nhưng vẫn khó vào Trung Quốc |
Đáng chú ý, nhiều mặt hàng trái cây của Việt Nam đã đáp ứng các tiêu chuẩn để xuất khẩu vào EU, Mỹ… như bưởi, thanh long, chanh dây, dừa, nhãn, vải… nhưng vẫn rất khó để xuất sang Trung Quốc. Đến nay mới chỉ có 9 loại trái cây của Việt Nam được nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, bao gồm: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt.
Tại Hội thảo quốc tế thông tin thị trường, kiểm soát xuất nhập khẩu rau quả Việt Nam - Trung Quốc, tổ chức ngày 27/10 tại TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Quang Hiếu - Trưởng phòng hợp tác quốc tế, Cục BVTV, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: Những quy định thị trường đối với kiểm dịch thực vật - an toàn thực phẩm xuất khẩu của thị trường Trung Quốc trong thời gian qua đã có sự thay đổi. Hải quan Trung Quốc đã từng bước tăng cường kiểm tra, giám sát kiểm dịch đối với rau quả nhập khẩu, đưa ra các quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn về xuất xứ, vùng trồng, bao bì, nhãn mác của rau quả nhập khẩu nhắm kiểm soát nhập khẩu theo tiêu chuẩn quốc tế và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Qua một thời gian thực hiện, phía hải quan Trung Quốc cho biết, vẫn còn những vướng mắc về đăng ký vùng trồng, quản lý cơ sở đóng gói, kiểm soát và truy xuất nguồn gốc gây ảnh hưởng đến tiến độ và kim ngạch xuất khẩu rau quả từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Bà Ngô Tường Vy - Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu thừa nhận rằng, trước nay thị trường Trung Quốc chưa áp dụng tiêu chuẩn chất lượng từ phía vùng trồng. Việc áp dụng nghị định thư cho xuất khẩu măng cụt cho thấy Trung Quốc đã thay đổi và áp dụng những tiêu chuẩn như các thị trường khó tính. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp trong ngành đang gặp nhiều khó khăn khi thị trường Trung Quốc thay đổi về kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu khiến việc thông quan chậm hơn. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng gặp khó trong việc cập nhật thông tin quy định mới.
“Trước giờ nhiều doanh nghiệp cứ nghĩ rằng thị trường Trung Quốc là thị trường dễ tính, nhưng thực chất thì không phải vậy. Cụ thể như tiêu chuẩn organic của Trung Quốc có yêu cầu cao nhất thế giới”, bà Ngô Tường Vy thông tin.
Đồng quan điểm, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, xuất khẩu rau quả vào thị trường Trung Quốc đang gặp khó khăn kép. Cụ thể, dịch Covid-19 bùng phát mạnh từ Trung Quốc khiến sức tiêu thụ của thị trường này giảm sút rõ rệt; cùng với đó là việc áp dụng các chính sách xuất khẩu chính ngạch đã làm hạn chế các mặt hàng xuất khẩu qua Trung Quốc.
Theo ông Nguyên, việc thay đổi chính sách kiểm soát xuất nhập khẩu nông sản, thực phẩm theo các tiêu chuẩn quốc tế là xu hướng tất yếu ở hầu hết các thị trường. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp và các địa phương sản xuất nông sản xuất khẩu cần tăng cường phổ biến thông tin đến từng doanh nghiệp, hộ sản xuất để hiểu rõ, nâng cao năng lực thực thi và đáp ứng các quy định thị trường của hai bên, tạo thuận lợi cho xuất khẩu nông sản.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục đẩy nhanh việc mở cửa thị trường Trung Quốc đối với các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam như sầu riêng, bưởi, chanh leo, bơ, na, dừa… để khai thác hiệu quả nhu cầu thị trường và tạo đầu ra bền vững cho các loại nông sản, rau quả Việt Nam trong thời gian tới.
Trung Quốc là thị trường rộng lớn, trung bình mỗi ngày thị trường này tiêu thụ tới 2 triệu tấn thực phẩm. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 10,9 tỷ USD, chiếm 24% tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản chính của Việt Nam, xuất siêu đạt 6,1 tỷ USD. |