Thứ tư 16/04/2025 17:41

Vi phạm trật tự xây dựng tại Hà Nội: Làm sai rồi xin - một kiểu lách luật?

Sai phạm trong xây dựng đô thị ở Hà Nội không còn là cá biệt, một số công trình đang được xử lý theo công thức: cứ sai trước, rồi xin điều chỉnh sau.

Sai phạm tại một số công trình lớn

Vi phạm trật tự xây dựng tại Hà Nội tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận, khi nhiều công trình được phát hiện sai phạm quy mô lớn, nằm tại các khu vực trung tâm, nhưng chỉ bị xử lý khi gần hoàn thiện.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP. Hà Nội, trong năm 2024 (từ 31/10/2023 đến 30/10/2024), thành phố đã kiểm tra 23.621 công trình, phát hiện 415 trường hợp vi phạm, trong đó có 93 công trình xây dựng không phép và 180 công trình xây sai phép, sai quy hoạch. Dù tỷ lệ vi phạm đã giảm so với năm trước, nhưng số lượng công trình sai phạm vẫn ở mức đáng chú ý.

Trong số đó có không ít công trình chỉ bị kiểm tra và phát hiện vi phạm khi đã xây gần xong phần thô. Sau đó, phương án xử lý thường là nộp phạt vi phạm hành chính và tiến hành thủ tục xin điều chỉnh giấy phép xây dựng.

Tại quận Thanh Xuân, Dự án Tòa nhà văn phòng Austdoor – số 37 Lê Văn Thiêm – từng được Báo Công Thương phản ánh. Công trình ban đầu do Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam làm chủ đầu tư, sau chuyển nhượng cho Công ty CP Tập đoàn Austdoor vào tháng 7/2015.

Trong quá trình triển khai, các cơ quan chức năng phát hiện chủ đầu tư đã thi công công trình sai so với giấy phép xây dựng được cấp. Cụ thể, các sai phạm bao gồm: Xây dựng vượt diện tích cho phép: Từ 554m² lên 603m²; mật độ xây dựng vượt quy định: Từ 41,4% lên 43%; tổng diện tích sàn tăng trái phép: Từ 8.227m² lên 9.122m²; không đảm bảo khoảng cách tối thiểu đến ranh giới khu đất. UBND quận Thanh Xuân đã phát hiện sai phạm từ năm 2019 và lập Biên bản vi phạm hành chính số 0034302/BB-VPHC vào ngày 28/3/2019, sau đó ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 954/QĐ-XPVPHC vào ngày 04/4/2019 đối với chủ đầu tư.

Đến thời điểm hiện tại, công trình vẫn tồn tại, đã được đưa vào sử dụng bình thường như một tòa nhà văn phòng, không có dấu hiệu bị tháo dỡ hay đình chỉ. Việc xử lý sai phạm vẫn chủ yếu dừng lại ở mức xử phạt hành chính...

Cụ thể, ngày 23/1, ông Lê Trung Cường, Phó chủ tịch UBND quận Thanh Xuân đã ký Văn bản số 210/UBND/QLTTXDĐT gửi UBND TP. Hà Nội. Trong văn bản, UBND quận Thanh Xuân đề xuất áp dụng Điều 84 Nghị định 16/2022/NĐ-CP để xử lý. Theo đó, chủ đầu tư phải nộp lại số lợi bất hợp pháp 1,44 tỷ đồng, dựa trên suất vốn đầu tư năm 2018 (9,203 triệu đồng/m²).

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương hiện Tòa nhà văn phòng Austdoor đã được đưa vào sử dụng. (Ảnh: Văn Thi)

Một công trình khác tại số 98 Xuân Diệu, quận Tây Hồ, cũng đang trong quá trình xử lý vi phạm. Theo giấy phép xây dựng được cấp ngày 7/4/2022, công trình được phép xây dựng 2 tầng hầm, 5 tầng nổi, 1 tầng lửng và 1 tum thang.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư đã vi phạm nghiêm trọng khi mở rộng diện tích các tầng nổi vượt mức cấp phép. Cụ thể, tầng 1, 2, 3 được xây dựng với diện tích 202,0m² mỗi tầng, vượt 50m² so với giấy phép; tầng lửng mở rộng lên 162,2m², vượt 65m²; còn tầng 4 và 5 đều được xây 157,2m² mỗi tầng, vượt 60m² so với quy định.

Đối với công trình tại 98 Xuân Diệu, UBND quận Tây Hồ đã ban hành quyết định buộc chủ đầu tư thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Theo đó, chủ đầu tư phải dừng thi công toàn bộ công trình và trong vòng 30 ngày kể từ ngày ban hành quyết định (10/1/2025), phải hoàn thành hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng điều chỉnh. Nếu quá thời hạn mà không xuất trình được giấy phép điều chỉnh, chủ đầu tư sẽ bị buộc tháo dỡ phần công trình vi phạm.

Ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương những ngày cuối tháng 3 tại công trình tại số 98 Xuân Diệu cho thấy, hiện công trình đang tạm dừng thi công, tuy nhiên những hạng mục sai phạm thì vẫn hiện hữu. Cánh cổng đóng chặt, hàn kín, chỉ chừa một lỗ nhỏ vuông vức ở giữa, bên trên in nguệch ngoạc dòng số "98". Tầng trệt hiện vẫn chưa hoàn thiện, để lộ các mảng trụ bê tông dang dở, kết cấu tầng 1 nhô ra ngoài rõ rệt, phủ bạt đen và lưới xanh che toàn bộ mặt tiền từ tầng 2 trở lên. Ngay sát bên là những toà nhà khang trang, mặt tiền gọn gàng, càng làm khối bê tông phủ lưới ở giữa trở nên lệch nhịp, lạc lõng giữa tuyến phố được xem là đắt giá bậc nhất quận Tây Hồ.

Công trình xây dựng 98 Xuân Diệu. (Ảnh: Văn Thi)

Cần giải pháp chặt chẽ hơn từ đầu

Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều công trình, dự án trên địa bàn TP. Hà Nội bị các cơ quan chức năng phát hiện vi phạm trật tự xây dựng với quy mô lớn. Điều đáng nói, các công trình sai phạm không nằm trong ngõ nhỏ, không ẩn mình ở vùng ven, mà đều toạ lạc trên những tuyến phố lớn, những con đường đắt đỏ và nổi bật bậc nhất quận Hà Nội. Vậy nhưng, tất cả những sai phạm mang tính hệ thống ấy lại không bị phát hiện ngay từ đầu. Phải tới khi công trình cơ bản hoàn thiện phần thô, vượt hàng loạt chỉ tiêu về diện tích và chiều cao, cơ quan chức năng mới vào cuộc.

Câu hỏi đặt ra là: Công tác giám sát xây dựng ở đâu khi khối công trình đồ sộ này dần lớn lên từng ngày ngay giữa phố chính? Một vấn đề nữa cũng khiến dư luận hết sức quan tâm đó là cả 2 công trình này đang có dấu hiệu được hợp thức hóa sai phạm.

Về mặt pháp lý, các bước xử lý hành chính đều được tiến hành đầy đủ, từ lập biên bản, xử phạt đến yêu cầu điều chỉnh. Tuy nhiên, hiệu quả thực tế đến đâu vẫn cần được đánh giá rõ ràng. Nếu tình trạng “xây trước, xin sau” tiếp tục diễn ra, có thể ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật và công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị.

Nhiều ý kiến cho rằng việc xử lý sai phạm tại một số dự án, công trình vẫn chưa có biện pháp mạnh mẽ và chưa kịp thời. “Chúng tôi chỉ sửa mái hiên, xây vài cái cọc là cán bộ phường biết ngay. Nhưng không hiểu sao có những công trình vi phạm cả trăm mét vuông vẫn cứ hoàn thiện suôn sẻ” – một người dân cho biết.

Việc những dự án, công trình sai phạm lớn như tại 98 Xuân Diệu và 37 Lê Văn Thiêm có thể tồn tại chỉ bằng một quyết định nộp phạt và “xin điều chỉnh” là một thực tế đáng báo động. Cách tiếp cận xử lý vi phạm như vậy đang từng ngày phá vỡ kỷ cương quản lý đô thị, tạo tiền lệ nguy hiểm cho các chủ đầu tư khác.

Các chuyên gia cho rằng, để ngăn chặn tình trạng xây dựng sai phép, việc kiểm tra ngay từ đầu – từ khâu cấp phép, triển khai đến thi công – là yếu tố then chốt. Cùng với đó, cần có chế tài xử lý đủ mạnh, đủ răn đe đối với những sai phạm có hệ thống và quy mô lớn.

Đăng Khoa
Bài viết cùng chủ đề: UBND TP. Hà Nội

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội: Nhà dân nứt toác cạnh công trường thi công dự án Trường THCS Huy Văn

Thanh Hóa: Cải thiện 'bữa ăn thiếu chất' tại trường nội trú Quan Hóa

‘Ăn Cùng Bà Tuyết' lên tiếng sau phản ánh về sản phẩm chân gà chưa chín

Sau phản ánh của Báo Công Thương, Chủ tịch tỉnh Nghệ An chỉ đạo làm rõ

Vòng xoáy bất chấp của Dưỡng Dướng Dường

Hộp thư bạn đọc ngày 10/4: Phản ánh trang Chu Thanh Huyền, Nguyễn Hoàng Mai Ly sai phạm

Hà Tĩnh: Hết hạn thuê đất, nhiều doanh nghiệp 'chây ì' không chịu di dời tài sản

Đông Anh, Hà Nội: Trạm bê tông không phép 'mọc' trong Cụm công nghiệp Thụy Lâm

Thêm phiên bản Kera mang tên 'sữa non Misure' chữa mất ngủ

Phiên bản hơn cả kẹo Kera: Uống sữa Fucoidan Nano chữa được… ung thư!

Chân gà Bà Tuyết bị tố chưa chín, không đảm bảo an toàn thực phẩm

Hà Nội: Ngổn ngang vi phạm trật tự xây dựng ở quận Hoàng Mai

Hà Nội: Đề xuất xây nhà văn hóa, dân Khương Mai lo mất sân chơi trẻ em

Vụ Phạm Thoại: Kiểm toán không xác định được 779 triệu đồng đã đi đâu?

Vàng nhái thương hiệu ‘tung hoành’ khi giá vàng lập đỉnh

TP. Hồ Chí Minh: 'Ôm' nhiều công trình, nhà thầu thi công đường Chu Văn An có kịp tiến độ?

Hộp thư bạn đọc ngày 2/4: Phản ánh liên quan Công ty Pharbaco; Cụm công nghiệp Thụy Lâm

Hà Nội: Ai đang 'bức tử' sông Hồng?

Hà Nội: Tòa nhà văn phòng Austdoor tồn tại loạt vi phạm về xây dựng

TP. Hồ Chí Minh đẩy nhanh tiến độ sắp xếp cấp xã