Vấn đề quan trọng… chưa được coi trọng!
Vi chất dinh dưỡng: Nhỏ mà lợi hại
Thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ dẫn đến tình trạng chậm phát triển ở trẻ em |
Vi chất dinh dưỡng (bao gồm I - ốt, sắt, kẽm và vitamin A - còn gọi là vitamin và khoáng chất) là dưỡng chất được cơ thể đòi hỏi một lượng rất nhỏ nhưng lại giữ vai trò vô cùng quan trọng. Đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em.
“Cơ thể thiếu các vi chất này sẽ dẫn đến tình trạng: thiếu máu, suy yếu sự phát triển, tổn thương não, mù lòa, suy giảm hệ thống miễn dịch. Hậu quả nhãn tiền, chúng ta có thể thấy rõ ở nhiều cháu nhỏ vùng sâu, vùng xa còi cọc, thấp bé, chậm phát triển; những người bướu cổ, phình đại tuyến giáp ở cổ” – Tiến sĩ, bác sĩ Trần Khánh Vân (Viện Dinh dưỡng) thông tin.
Cũng theo bác sĩ Vân: “Vấn đề cân nặng có thể tăng tốc bằng cách bổ sung thêm các loại thực phẩm, nhưng với chiều cao và trí tuệ (liên quan mật thiết tới sắt, kẽm, I - ốt) thì không đơn giản như vậy. Để giúp cơ thể tăng trưởng, vi chất dinh dưỡng cần phải thường xuyên được bổ sung, đặc biệt là trong các mốc quan trọng của đời người. Bỏ qua quá trình này, coi như chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội có được những lớp công dân cao lớn, khỏe mạnh và thông minh”.
Cụ thể hơn, PGS.TS Lê Bạch Mai - Phó chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam minh chứng: Nếu người mẹ khi mang thai được cung cấp đủ vi chất dinh dưỡng. Em bé sinh ra được bổ sung sắt và kẽm trong thời điểm vàng (1.000 ngày đầu đời) thì việc thế hệ con cái cao hơn bố mẹ 10 -12 cm là hoàn toàn có thể.
Vi chất dinh dưỡng có ở đâu?
Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thiếu vi chất dinh dưỡng có nguy cơ dẫn đến đến tổn thương não ở thai nhi |
Thực tế, các loại thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng thường rất đắt đỏ, vượt xa khả năng chi tiêu của đại đa số dân số. Với các loại thực phẩm bình thường, để đáp ứng được lượng vi chất dinh dưỡng cần thiết, sẽ phải cần đến một số lượng thực phẩm rất lớn và đa dạng. Đơn cử như, để một người phụ nữ có thai, đang cho con bú được cung cấp đủ 220-250mcg I - ốt/ngày, cần sử dụng ít nhất 2kg cá biển/ngày. Điều này vô cùng khó thực hiện. Với những người yếu thế, dễ tổn thương, đây là vấn đề bất khả thi.
Chính vì vậy, để có thể tăng cường vi chất dinh dưỡng cho cơ thể, không còn cách nào khác là phải bổ sung các vi chất này vào thực phẩm. Thực tế, từ nhiều năm trước, trên thế giới đã có 129 quốc gia có quy định bắt buộc bổ sung I - ốt vào muối, 98 quốc gia có quy định bắt buộc sử dụng muối I - ốt trong chế biến thực phẩm (Mỹ, Úc, Áo, Đan Mạch, New Zealand, Romania, Tây Âu, Thái Lan, Campuchia…). Cùng với đó, đã có 85/149 quốc gia bắt buộc bổ sung sắt và 85/118 nước bổ sung kẽm vào bột mì. Cụ thể như Campuchia, từ năm 2003, đất nước này đã luật hóa quy định bắt buộc tăng cường I - ốt vào muối…
Kết quả của việc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm được Nhà kinh tế đoạt giải Nobel - Vernon Smith khẳng định là “Một trong những đầu tư hấp dẫn nhất nhằm cung cấp được dưỡng chất cho một thế giới thiếu dinh dưỡng. Lợi ích từ việc này – về mặt sức khỏe, học hành và năng suất gia tăng là rất lớn”. Con số cụ thể được ước tính: Cứ1 USD chi cho tăng cường vi chất vào muối và bột mì mang lại lợi nhuận là 9,91 USD. Đầu tư hàng năm cho chương trình vi chất trong 5 năm mang lại lợi nhuận 15,3 tỉ USD; công dân có sức khỏe tốt hơn, ít tử vong hơn, tăng mức thu nhập sau này.
Việt Nam – Hành xử sao với vi chất dinh dưỡng?
Bố sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm chưa nhận được sự hợp tác của các cơ sở chế biến thực phẩm |
Nhận thức được tầm quan trọng của vi chất dinh dưỡng, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 09/2016/NĐ-CP quy định về tăng cường vi chất vào thực phẩm. Trong đó, bắt buộc tăng cường I - ốt vào muối; tăng cường sắt, kẽm vào bột mỳ; tăng cường vitamin A vào dầu thực vật để khắc phục tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng…Tuy nhiên, đã hơn 4 năm Nghị định 09/2016/NĐ-CP có hiệu lực, nhưng số cơ sở chấp hành bổ sung vi chất vào dầu ăn, muối và bột mì vẫn “đếm trên đầu ngón tay”.
Cơ sở chưa chấp hành thì lấy lý do bổ sung vi chất dinh dưỡng sẽ làm thay đổi màu, mùi vị của thực phẩm (mặc dù các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, việc sử dụng muối I - ốt trong chế biến thực phẩm không làm thay đổi đặc tính cảm quan và chất lượng thực phẩm). Cơ sở đã thử nghiệm và chấp nhận bổ sung thì lo ngại giá thành tăng, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm so với những đơn vị không tuân thủ bổ sung vi chất dinh dưỡng. Về phía người tiêu dùng, do chưa có được những hiểu biết nhất định về vi chất dinh dưỡng nên rất ít người quan tâm đến việc thực phẩm có hay không có thành phần của vi chất dinh dưỡng theo quy định của Nghị định 09/2016/NĐ-CP. Vi chất dinh dưỡng vì thế vẫn còn xa lạ (cả nghĩa đen và nghĩa bóng) với đại đa số người Việt.
Giai đoạn 2020 -2030, Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể “Nâng cao tầm vóc Việt”, với mục tiêu “Nâng chiều cao của người Việt Nam - đặc biệt là thế hệ trẻ - từ nay đến năm 2030 cao hơn từ 2,5cm đến 3,5cm. Vào năm 2030 chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam đạt 1,68cm-1,69cm và 1,55cm đối với nữ”. Tuy nhiên, trước thực tế, Nghị định 09/2016/NĐ-CP chưa được các cơ sở chế biến thực phẩm thực thi một cách nghiêm túc, PGS,TS Lê Bạch Mai - Phó chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho rằng: “Thiếu vi chất dinh dưỡng thì mục tiêu nâng cao tầm vóc sẽ rất xa vời. Đã đến lúc, cần có những quy định bắt buộc, kèm với chế tài xử phạt với các cơ sở chế biến thực phẩm không tuân thủ quy định tại Nghị định 09/2016/NĐ-CP”.
“Tìm ra những giải pháp thiết thực để Nghị định 09/2016/NĐ-CP đi vào đời sống sẽ giúp Việt Nam giải quyết căn bản, bền vững vấn đề thiếu I - ốt hiện nay, thay vì Chính phủ phải đầu tư hàng chục tỉ đồng/năm để đạt mục tiêu này (trước năm 2005, kinh phí cấp cho phòng chống thiếu I - ốt có năm lên tới 40-60 tỉ đồng). Thậm chí, cần thiết có thể hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở để việc bổ sung vi chất dinh dưỡng trở thành một bước không thể thiếu trong quá trình chế biến thực phẩm” – Tiến sĩ, bác sĩ Phan Hướng Dương – Phó Giám đốc Bệnh viện nội tiết Trung ương nhấn mạnh.
Dân số khỏe mạnh, thông minh là nền tảng để xây dựng đất nước cường thịnh. Trong đó, việc bổ sung vi chất chính là giải pháp cơ bản, hiệu quả. Để giải quyết vấn đề này, đã đến lúc cần sự vào cuộc quyết liệt, tích cực của các Bộ, ban, ngành liên quan; có như vậy, Nghị định 09/2016/NĐ-CP mới phát huy hiệu quả, góp phần tránh được “nạn đói tiềm ẩn” do thiếu vi chất dinh dưỡng gây ra.