“Rượu độc” có tới 58% methanol và cảnh báo ngộ độc rượu không rõ nguồn gốc Báo động tình trạng ngộ độc do methanol |
Thời gian qua, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) liên tục tiếp nhận các bệnh nhân bị ngộ độc rượu methanol (cồn công nghiệp). Có 3 trường hợp bị mù mắt hoàn toàn.
TS.Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đa số trường hợp ngộ độc methanol là do uống phải loại rượu trắng “3 không”: không nhãn mác - không nguồn gốc - không rõ thành phần, trôi nổi ngoài thị trường. Những loại rượu này đã bị người sản xuất pha cồn công nghiệp vào để kiếm lợi nhuận.
Đoàn công tác Bộ Công Thương tiến hành hậu kiểm cơ sở sản xuất rượu truyền thống tại Thanh Hóa trước dịp Tết Nguyên đán 2024 (Ảnh: Thu Hường) |
Về 3 bệnh nhân bị mù mắt do rượu, TS.Nguyên cho hay, bệnh nhân đầu tiên được chuyển tuyến từ Vĩnh Phúc vào Bệnh viện trong tình trạng mê sảng và mắt không nhìn thấy gì. Trước khi nhập viện, bệnh nhân có uống rượu và rượu mua ở đâu gia đình không biết.
Một bệnh nhân khác, trước khi vào viện đã đi khám tại chuyên khoa mắt và các bác sĩ tuyến dưới, nghi ngộ độc rượu nên đã chuyển viện. Bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo và chỉ thấy đau đầu. Xét nghiệm rượu 2 bệnh nhân đã uống phát hiện có methanol, với hàm lượng trên 24 mg/l.
Theo bác sĩ, Th.s Lê Thị Phương Thảo, Phòng Điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), rượu được hấp thu vào hệ tuần hoàn, phân bố tới não và toàn bộ các mô, vì rượu hòa tan hoàn toàn trong nước ở cơ thể. Do đó, rượu gây ảnh hưởng đến não, gan và nhiều cơ quan khác.
Trong khi đó, rượu chứa cồn công nghiệp rất khó phân biệt với rượu thực phẩm. Khi xuất hiện các dấu hiệu điển hình như hôn mê hoặc mù mắt, bệnh nhân lúc này đã trong tình trạng nặng. Thống kê từ những trường hợp nhập viện do ngộ độc rượu cho thấy, rượu trắng pha cồn công nghiệp methanol là nguyên nhân hàng đầu gây ra ngộ độc, tiếp đến là rượu ngâm cỏ cây rừng độc, rượu ngâm củ ấu, rượu ngâm động vật...
Việc phân biệt methanol và rượu hay cồn y tế (thành phần chính là Ethanol) bằng cảm quan bên ngoài là rất khó. Chỉ có 1 điểm là khi uống rượu có pha methanol sẽ có vị hơi ngọt chứ không đắng như rượu thông thường. Chỉ đến khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc điển hình thì mới khẳng định được việc đã uống phải methanol. Tuy nhiên, các triệu chứng này thường xuất hiện rất muộn.
Theo bác sĩ Nguyên, đây cũng là lí do các trường hợp ngộ độc methanol ghi nhận ở nước ta thường để lại hậu quả rất đáng tiếc.
Cụ thể, sau khi cồn methanol thâm nhập vào cơ thể, phải mất ít nhất 8 tiếng và đa phần là 1-2 ngày sau thì cơ thể mới xuất hiện các triệu chứng rõ rệt của ngộ độc methanol như: mờ mắt, lơ mơ, lẫn lộn, thở nhanh và thở sâu như bị khó thở, co giật và dần hôn mê.
Khi các triệu chứng đã biểu hiện rõ như vậy thì đã quá muộn vì lúc này, bệnh nhân đã bị tổn thương mắt dẫn đến mờ mắt và thậm chí là mù mắt vĩnh viễn; não bị hoại tử.
Để phòng chống ngộ độc rượu do methanol, cơ quan chức năng yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu phải có giấy phép và tuân thủ các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh rượu.
Không sản xuất, kinh doanh rượu không đảm bảo an toàn như rượu pha chế từ cồn công nghiệp chứa methanol, rượu pha chế từ nguyên liệu không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và nhãn mác.
Chỉ còn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, lợi dụng nhu cầu dịp Tết tăng cao nhiều đối tượng vì lợi nhuận mà sản xuất, kinh doanh rượu giả, rượu kém chất lượng. Tại Hà Nội.
Còn nhớ, trước đó (từ tháng 8/2022 đến tháng 12/2022), lực lượng quản lý thị trường phối hợp với lực lượng công an đã phát hiện và xử lý hơn 2.000 lít rượu không đủ điều kiện lưu thông ra thị trường. Theo số liệu của Bộ Công Thương, mỗi năm, Việt Nam có gần 300 triệu lít rượu thủ công được đưa ra thị trường với tình trạng "3 không"-không nguồn gốc xuất xứ, không tem nhãn, không công bố chất lượng. Trong số đó rất nhiều loại rượu giả, rượu lậu, rượu tự pha đang được lưu hành tự do trên thị trường dẫn đến tình trạng ngộ độc rượu.
Thực hiện công tác hậu kiểm, thời gian qua lực lượng chức năng tại các địa phương đã không ngừng nỗ lực kiểm tra, kiểm soát sản phẩm rượu được sản xuất và lưu thông ngoài thị trường, tuy nhiên do đây là sản phẩm "truyền thống" nhiều gia đình, người dân tự nấu và tự cung cấp ra thị trường với quy mô nhỏ, nhiều trường hợp phục vụ nhu cầu tự dùng nên lực lượng chức năng rất khó kiểm soát.
Tuy nhiên theo Giám đốc Trung tâm Chống độc: "Mong muốn các cơ quan quản lý không để cồn công nghiệp được phép bán tại hiệu thuốc, mà chỉ nên bán tại quầy hóa chất tẩy rửa, hoặc cửa hàng hóa chất để tránh gây nhầm lẫn cho người sử dụng".