TP. Hồ Chí Minh kiểm tra an toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối ngay trước Tết TP. Hồ Chí Minh: Hàng hóa Tết tấp nập đổ về các chợ |
Tại TP. Hồ Chí Minh, nguồn hàng chuẩn bị cho cao điểm mua sắm Tết đã sẵn sàng. Cụ thể, với chợ đầu mối Bình Điền, ông Phan Thành Tân, Giám đốc Công ty quản lý kinh doanh chợ Bình Điền (thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn TNHH MTV - SATRA)- cho biết: Trước Tết Nguyên đán khoảng 20 ngày, sản lượng hàng hóa chưa tăng, thậm chí giảm nhẹ do nhu cầu thị trường giảm. “Nhiều nhà máy, xí nghiệp, bếp ăn, trường học... nghỉ Tết sớm và ảnh hưởng thực tế tình hình kinh tế chung; tiệc tùng tất niên, hàng quán... vắng khách”- ông Tân lý giải.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh khảo sát chợ đầu mối Bình Điền |
Cũng theo ông Tân, dự kiến trong tuần cận Tết, sản lượng hàng hóa nhập chợ có thể tăng bình quân 35% so với ngày thường. Đặc biệt, trong thời gian cao điểm (dự kiến từ 26 và 27 tháng Chạp), sản lượng có thể tăng từ 60%, đạt khoảng 3.200 đến 4.000 tấn/đêm. Tuy nhiên, từ đêm 27 tháng Chạp, lượng hàng hóa nhập chợ bắt đầu giảm dần, đến đêm 28 tháng Chạp, sản lượng giảm xuống rất thấp, chỉ bằng 50-60% so với ngày thường.
Công ty quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền phối hợp với Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh tăng cường kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm |
Về giá cả hàng hóa, tại buổi làm việc với Lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh tối ngày 25/1, ông Tân cho biết, giá cả hàng hóa trong dịp Tết thường biến động tăng vào thời điểm cận Tết (từ 25 - 28 tháng Chạp). Xu hướng tăng giá chủ yếu là những mặt hàng sử dụng nhiều trong dịp tết như: Cá thu, cá ngừ, tôm sú sống, mực tươi, quýt đường, cải thảo… giá tăng từ 10-20%; một số mặt hàng hoa tươi cao cấp như hoa ly, hoa huệ đỏ (lay ơn), cẩm chướng tăng giá từ 2 đến 3 lần lúc bình thường; còn lại hầu hết chỉ biến động nhẹ và một số ít còn giảm giá do lượng hàng về nhiều. “Riêng mặt hàng thịt súc sản, gia cầm dự kiến năm nay không tăng nhiều, ước dao động khoảng 10-20% do nhu cầu thị trường không cao. Từ đêm 28 tháng Chạp trở đi, giá cả hầu hết các mặt hàng bắt đầu giảm dần và ổn định sau Tết”- ông Tân nói.
Các tiểu thương hối hả chuyển hàng vào chợ |
Theo ông Tân, đối với công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại chợ, Công ty quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền sẽ phối hợp với Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh tăng cường kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết. Theo đó, đơn vị lấy mẫu kiểm tra định kỳ và đột xuất các chỉ tiêu hàn the, formol, phẩm màu, chất bảo quản... đối với thủy hải sản; kiểm tra chỉ tiêu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với rau củ quả, trái cây; kiểm tra thông tin truy xuất nguồn gốc, kiểm tra chất lượng sản phẩm động vật, kiểm tra phương tiện vận chuyển…
Liên quan đến vấn đề này, theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, năm 2023 Sở đã lấy 920 mẫu hàng hóa tại chợ đầu mối Bình Điền để kiểm tra các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm, thuốc bảo vệ thực vật… Kết quả, tất cả các mẫu đều không vi phạm.
Các thương nhân báo cáo tình hình kinh doanh Tết với đoàn công tác của UBND TP. Hồ Chí Minh |
Qua khảo sát tại chợ Bình Điền, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, thành phố ghi nhận các chợ đầu mối đã chuẩn bị lượng hàng dồi dào, bảo đảm giá cả hợp lý phục vụ thị trường Tết. Ông Dũng cũng đề nghị đơn vị quản lý chợ Bình Điền tiếp tục theo dõi sát hình hình hàng hóa để điều chỉnh kịp thời, giữ ổn định lượng hàng hóa và giá cả phục vụ người dân dịp Tết.
Theo ông Dũng, trước đó thành phố đã khảo sát chợ đầu mối Thủ Đức và chợ đầu mối Hóc Môn. Qua đó có thể thấy hàng hóa từ 3 chợ đầu mối chưa phủ hết nhu cầu thực tế của người dân thành phố.
Theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, lượng nông sản cung ứng thị trường thành phố thông qua 3 chợ đầu mối đạt bình quân 7.600 tấn/ngày, gồm 800 tấn thịt gia súc, gia cầm, 1.200 tấn thủy hải sản, 5.600 tấn rau củ quả. Dự kiến, vào thời điểm cận Tết, lượng hàng nhập về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường. Để chuẩn bị Tết, Sở Công Thương đã phối hợp Ủy ban nhân dân quận, huyện, TP. Thủ Đức triển khai cho Ban quản lý các chợ tập trung theo dõi số lượng hàng hóa xuất nhập, tình hình giá cả hàng hóa tại nguồn và về chợ, nắm bắt tình hình kinh doanh, kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng của thương nhân trong chợ; đẩy mạnh tuyên truyền, công tác kiểm tra, kiểm soát; đảm bảo hoạt động kinh doanh tại chợ thực hiện nghiêm túc quy định về niêm yết giá, hàng hóa kinh doanh có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn thực phẩm… |