Mỗi tuần, Singapore tiêu thụ ít nhất 1 container vải thiều Việt Nam “Tấm hộ chiếu” đưa vải thiều xuất ngoại |
Tại buổi lễ, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến Thương mại - Bộ Công Thương cho biết, mặc dù việc tiêu thụ vải thiều năm nay bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19 nhưng Bộ Công Thương đã kết hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ ngay từ đầu niên vụ để tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong nước và đặc biệt là xuất khẩu cho loại trái cây này.
Hiện hàng chục tấn vải thiều của 2 tỉnh Hải Dương và Bắc Giang đã có mặt trên kệ hàng tại các chuỗi siêu thị Nhật Bản, Singapore. Vài ngày tới sẽ là các nước EU – thị trường tiềm năng khoảng 430 triệu dân. Kết quả này đến từ những nỗ lực kết nối, xúc tiến tiêu thụ trong vụ vải năm 2021.
Theo đó, Bộ Công Thương đã kết hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan chuyên môn đã chỉ đạo, hỗ trợ tỉnh trong quá trình quảng bá, xúc tiến và kết nối tiêu thụ vải.
Lô vải thiều đầu tiên lên đường đến châu Âu |
Hiện EU là thị trường xuất khẩu thứ tư của rau, quả Việt Nam, với nền tảng sẵn có này, cộng thêm việc miễn giảm thuế nhập khẩu theo cam kết trong EVFTA đang tiếp sức để giúp tăng khả năng cạnh tranh của trái cây Việt Nam so với các đối thủ chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia... Bộ Công Thương đánh giá cao những nỗ lực của các doanh nghiệp đặc biệt là Pacific Foods đã tích cực tiềm kiếm, kết nối và thành công đưa trái vải sang thị trường EU trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, vẫn đang là rào cản lớn cho sự trở lại trạng thái “bình thường mới” giữa các quốc gia.
Lô vải thiều đầu tiên sẽ đi đường hàng không và “cập bến” cộng hoà Séc – nơi có dân số đông và cộng đồng người Việt Nam lớn nhất nhì EU.
Tổng Giám đốc Pacific Foods Chung Trí Phong cho biết, việc Pacific Foods xuất khẩu thành công lô vải thiều từ 2 vùng nguyên liệu nổi tiếng là Thanh Hà của Hải Dương và Lục Ngạn tại Bắc Giang theo tiêu chuẩn Global GAP, Vietgap… vào EU theo Hiệp định thương mại EVFTA một lần nữa chứng minh rằng, trái vải thiều Việt Nam luôn được khách hàng thế giới ưa chuộng, và các doanh nghiệp trong nước ngày càng đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe của các thị trường, mà EU là một ví dụ.
“Công ty chúng tôi có khoảng 3 năm tìm hiểu, đàm phán các thủ tục và điều kiện kỹ thuật cho việc xuất khẩu vải sang EU và giờ đây, mọi thứ đã sẵn sàng", ông Phong chia sẻ. Hành trình để quả vải sang được tay người tiêu dùng châu Âu không hề đơn giản. Ngay từ đầu vụ, vùng vải phục vụ sản xuất sang EU phải được các đối tác nhập khẩu kiểm tra hệ thống quản lí sản xuất và chấp nhận về phần mềm giám sát. “Chúng tôi cũng liên kết với nhiều đối tác trong việc đầu tư máy móc để sơ chế, bảo quản trái vải, đảm bảo từ khi thu hoạch đến khi tới tay người tiêu dùng, nhờ vậy trái vải sẽ sớm được người tiêu dùng tại châu Âu ưa chuộng, đánh giá cao do chất lượng vượt trội, thơm ngon và an toàn” - ông Phong khẳng định.
Lô vải xuất khẩu của Pacific Foods sẽ đến được tay người tiêu dùng châu Âu mất khoảng 4-5 ngày.
Cận cảnh trái vải thiều Việt trước giờ "lên đường" sang châu Âu |
Với kinh nghiệm "chinh chiến" tại nhiều thị trường thế giới cho các mặt hàng nông sản, ông Lê Bá Linh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Facific Foods cho biết: Hàng nông sản của Việt Nam rất tiềm năng. Đặc biệt là các loại trái cây nhiệt đới như vải, thanh long, mít, xoài, nhãn, bưởi… Hiện nay, trái cây của Thái Lan và Malaysia xuất qua các nước rất nhiều. Đó vừa là thách thức cũng như cơ hội cho trái cây Việt Nam. Bởi thị trường EU luôn muốn trải nghiệm những sản phẩm đến từ Việt Nam như là một phần đặc sản của vùng hạ lưu sông Mê Kông. Tuy nhiên, muốn các sản phẩm nông sản vươn đi các nước, đầu tiên phải tuân thủ chất lượng sản phẩm, không dùng phân bón hoá học, trồng theo tiêu chuẩn Global gab, Vietgab và Organic.
Đại diện Pacific Foods cũng nhấn mạnh, việc xuất khẩu hàng Việt Nam ra thế gới không chỉ để khẳng định tên tuổi Việt Nam mà đó còn là cách riêng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, bằng việc tuân thủ chất lượng và uy tín để từ đó nâng mức tín nhiệm của Quốc gia lên thông qua việc đưa các sản phẩm chất lượng ra thế giới.
Đại diện Pacific Foods cho biết, sau quả vải sẽ là mít, thanh long, gạo được đơn vị này xúc tiến xuất khẩu sang EU.
Sau lô hàng đầu tiên đi EU, trong tuần tới, công ty cổ phần Pacific Foods sẽ xuất khẩu lô vải thiều của huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang vào thị trường 27 quốc gia của EU.
Bà Lê Minh Hoa, Chủ tịch Hội doanh nghiệp nữ vừa và nhỏ Việt Nam, đơn vị kết nối trái vải xuất khẩu EU cho biết: EVFTA thường được ví như "con đường cao tốc hướng tây", kết nối Việt Nam tới một không gian rộng lớn và có tiềm năng hàng đầu thế giới cả về tài chính, công nghệ và thị trường... Chính vì thế, thời gian qua, Chính phủ đã có những chương trình hành động mạnh mẽ, quyết liệt nhằm triển khai hiệu quả EVFTA, mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.