Thông tin được đưa ra Hội nghị “Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến sáng 25/11.
Trung Quốc thị trường chính của tôm hùm Việt
Ông Trần Công Khôi - Trưởng phòng Giống và Thức ăn thủy sản - Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - thông tin, giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm hùm 6 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam đạt gần 130 triệu USD, gấp 30 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Toàn cảnh Hội nghị |
Có thời điểm tăng gấp đôi, lên mức 1,7 triệu đồng/kg đối với tôm hùm bông và 1,3 triệu đồng/kg đối với tôm hùm xanh. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ thủy sản ở các quốc gia tăng, đặc biệt là tại thị trường nhập khẩu tôm hùm lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc đã mở cửa trở lại sau thời gian dài đóng cửa để phòng chống Covid-19.
Thông tin về xuất khẩu tôm hùm bông sang thị trường Trung Quốc, ông Lê Bá Anh – Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - thông tin, hiện nay, tôm hùm xanh và tôm hùm bông là các đối tượng tôm hùm xuất khẩu chính. Trong các thị trường xuất khẩu tôm hùm của Việt Nam, Trung Quốc chiếm 98 - 99%; các thị trường khác như Thái Lan, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan chiếm 1 - 2%.
Riêng thị trường Trung Quốc, hiện Việt Nam có 46 cơ sở bao gói được xuất khẩu tôm hùm vào thị trường này (trong tổng số 57 cơ sở bao gói thủy sản sống được xuất khẩu sang Trung Quốc). Trong 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm hùm sang thị trường Trung Quốc đạt hơn 95 triệu USD (giảm hơn 46% so với cùng kỳ 2022).
Để tôm hùm có thể đi vào thị trường Trung Quốc, ông Lê Bá Anh cho hay, các doanh nghiệp cần đảm bảo các yêu cầu về Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm của quốc gia được Tổng cục Hải quan Trung Quốc đánh giá, công nhận tương đương. Sản phẩm xuất khẩu nằm trong danh mục được Trung Quốc công nhận (128 loài/dạng sản phẩm và 48 loài thủy sản động vật thủy sản sống).
Bên cạnh đó, các cơ sở nuôi được cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản/thú y địa phương kiểm tra, chứng nhận điều kiện an toàn thực phẩm, điều kiện vệ sinh thú y, được cấp mã số, lấy mẫu giám sát bệnh trong quá trình nuôi. Các lô hàng xuất khẩu được cấp chứng thư; danh mục chứng thư hằng ngày gửi Hải quan Trung Quốc (Nam Ninh) để đối chiếu…
Nhiều quy định mới của Trung Quốc về xuất khẩu tôm hùm bông
Đáng chú ý, từ ngày 1/2/2021, thị trường Trung Quốc quy định tôm hùm bông nằm trong danh sách nguy cấp nhóm II. Tháng 5/2023, Trung Quốc sửa Luật về bảo vệ động vật hoang dã, trong đó cấm đánh bắt động vật trong danh sách nguy cấp đã ban hành 2021. Trong đó, tôm hùm bông tự nhiên được quy định cấm đánh bắt, sử dụng, giao dịch buôn bán. Tổng cục Hải Quan Trung Quốc chỉ đạo hệ thống Hải quan các cửa khẩu kiểm soát chặt tôm hùm bông khai thác tự nhiên nhập khẩu. “Không chỉ thị trường Trung Quốc, tôm hùm bông nằm trong nhóm II, Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm của Việt Nam (theo phụ lục II, Nghị định 26/2019/NĐ-CP)”, ông Lê Bá Anh thông tin thêm.
Xuất khẩu tôm hùm |
Đối với cách xác định tôm hùm nuôi, không đánh bắt trực tiếp, phải trải qua quá trình nuôi. Nếu con giống khai thác từ tự nhiên cũng được coi là tôm khai thác tự nhiên. Nhà nhập khẩu của Trung Quốc muốn nhập khẩu phải xin giấy phép của Cục Ngư nghiệp (Bộ Nông nghiệp Trung Quốc).
Ngoài ra, nước xuất khẩu phải thống kê cơ sở nuôi, sản lượng; đăng ký cơ sở nuôi tôm hùm bông; đăng ký cơ sở bao gói xuất khẩu với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để phê duyệt (Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đã có Văn bản số 1388, 1389/CCPT-ATTP ngày 23/11/2023 để hướng dẫn thống kê, đăng ký). Biểu mẫu, thông tin đăng ký sẽ được gửi qua Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc. Sau khi nhận được thông tin, Hải quan Trung Quốc sẽ kiểm tra trực tiếp và trực tuyến trước khi phê duyệt.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phan Quang Minh - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết, biện pháp quản lý tôm hùm được Trung Quốc thay đổi năm 2023, định nghĩa tôm hùm nuôi là phải bắt nguồn từ con giống F2.
Không chỉ khó khăn về thị trường, theo các chuyên gia, tôm hùm giống đang phụ thuộc nhiều vào nguồn tôm nhập khẩu từ Indonesia, Philippines, Myanmar, Sri Lanka, Singapore. Năm 2022, số lượng con giống nhập về là 81 triệu con; 6 tháng đầu năm 2023, con số này là 59 triệu.
Tuy nhiên, ngành tôm hùm gặp một số khó khăn như một số nước cấm xuất khẩu nên nguồn cung thiếu ổn định; tháng 7/2023, ngành chức năng phát hiện 5 lô tôm giống nhập khẩu từ Malaysia nhiễm bệnh đốm trắng gây ra do virus - WSSV.
Thức ăn cho tôm hùm hoàn toàn là đồ tươi sống, gồm các loài cá tạp, ốc bươu vàng, nhuyễn thể, cua ghẹ… đối với lồng nuôi sử dụng, điều này gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh.
Bên cạnh đó, nguồn cung thức ăn cho tôm hùm cũng không ổn định, khó kiểm soát nguồn cung cấp. Trong khi đó, thức ăn công nghiệp chỉ phục vụ nuôi tôm trong bể; chưa phù hợp nuôi lồng biển. Dù thức ăn công nghiệp giúp kiểm soát được dịch bệnh, môi trường song mới chỉ có thể triển khai được ở quy mô nhỏ.
Đề cập đến các yêu cầu sắp tới của thị trường Trung Quốc về con giống tôm hùm, ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - đề nghị, các đơn vị liên quan cần tập trung nghiên cứu và tháo gỡ.
Nhắc lại Chiến lược phát triển kinh tế biển, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh yêu cầu chuyển từ nuôi trồng, khai thác hải sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững... mục tiêu đưa nghề cá trở nên bền bỉ trong phấn đấu, hiện đại trong sản xuất, nâng tầm trong hội nhập và tăng tốc trong xuất khẩu.