Tránh bị điều tra phòng vệ thương mại: Doanh nghiệp phải cạnh tranh bằng chất lượng thay vì giá
Cùng với sự tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu trong thời gian qua, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài, đặc biệt là các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SB LAW đã có chia sẻ về vấn đề này với Báo Công Thương.
Số vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam đang gia tăng. Ảnh: TTXVN |
Đến nay, các vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam đang tăng nhanh. Từ góc độ pháp lý, ông chia sẻ gì về thực tế này?
Theo như thông tin của Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết đến hết tháng 9/2024 đã có 263 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại liên quan đến hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam; số vụ việc phủ rộng đến nhiều mặt hàng xuất khẩu.
Thực tế, việc tham gia sâu vào sân chơi kinh tế quốc tế, ký kết các cam kết Hiệp định thương mại tự do mở ra những cơ hội cho hàng hoá xuất khẩu. Tuy nhiên, khi xu thế hàng rào thuế quan giảm, nhiều quốc gia tăng cường sử dụng hàng rào phi thuế quan như biện pháp phòng vệ thương mại đối với các quốc gia có kim ngạch xuất khẩu tăng cao, nhằm bảo hộ nền sản xuất trong nước. Do vậy, việc số vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam tăng nhanh thời gian qua cũng là điều tất yếu.
Mặt khác, việc các quốc gia gia tăng áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, nhất là chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại cũng là do sự dịch chuyển sản xuất từ các quốc gia khác đến Việt Nam. Từ thực tế này, các doanh nghiệp, ngành hàng cần luôn có sự chủ động trong chiến lược sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu để ứng phó trước xu thế điều tra phòng vệ thương mại của thị trường quốc tế.
Trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới gia tăng sử dụng biện pháp pháp phòng vệ thương mại, nhưng năng lực ứng phó của doanh nghiệp vẫn còn hạn chế. Điều này đặt ra những thách thức gì nhằm bảo vệ lợi ích cho doanh nghiệp cũng như đảm bảo ổn định đối với hoạt động xuất khẩu hàng hoá, thưa ông?
Hiện, pháp luật phòng vệ thương mại ở mỗi quốc gia là khác nhau, với những quy định chi tiết, cụ thể đối với mỗi giai đoạn của vụ việc. Và đích cuối của quốc gia khởi kiện là bảo vệ ngành sản xuất, doanh nghiệp trong nước. Do vậy, điều này sẽ gây bất lợi cho quốc gia bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SB LAW. Ảnh: Quốc Chuyển |
Đối với doanh nghiệp Việt Nam, khi hàng hoá xuất khẩu bị thị trường khởi xướng điều tra là đã phải huy động nhân lực, tài chính để theo đuổi vụ việc; mặt khác mỗi vụ việc đều quy định thời gian điều tra nhất định, trong khi doanh nghiệp phải thu thập thông tin, chứng cứ để cung cấp cho nhà điều tra… Còn nếu bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, hàng hoá xuất khẩu sẽ bị giảm tính cạnh tranh, thậm chí mất thị trường nêu bị áp mức thuế cao.
Như vậy, áp lực đặt ra đối với doanh nghiệp, ngành hàng là rất lớn trước xu thế điều tra phòng vệ thương mại tại nhiều quốc gia hiện nay. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là hiện hầu như /chu-de/doanh-nghiep-viet.topic đều gặp khó khăn khi ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại. Trong đó phải kể tới mức độ hiểu biết về quy định, pháp luật phòng vệ thương mại của các thị trường nhập khẩu của doanh nghiệp còn khiêm tốn; phía Hiệp hội ngành hàng cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều tra vụ việc, nhưng các Hiệp hội cũng gặp khó khăn khi sử dụng các công cụ đang có.
Từ các thách thức đặt ra, theo ông Việt Nam cần củng cố, hoàn thiện chính sách, pháp lý về phòng vệ thương mại ra sao? Đồng thời cơ quan quản lý nhà nước cần có các giải pháp cụ thể nào để hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó hiệu quả?
Qua số vụ điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại từ thị trường nước ngoài khởi xướng đối với hành hoá xuất khẩu của Việt Nam, các cơ quan chức năng cần phải thống kê cụ thể những vụ việc chứng ta đã bảo vệ thành công, cũng như tỷ lệ thành công là bao nhiêu qua đó để hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó tốt nhất trước các cáo buộc của thị trường.
Bên cạnh đó, khi tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đang được thúc đẩy mạnh mẽ, giải pháp để ứng phó hiệu quả với các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài là phải có sự phối hợp từ các bộ, ngành. Đặc biệt, Chính phủ cần thúc đẩy để các quốc gia, nhất là Hoa Kỳ sớm công nhận nền kinh tế thị trường đối với Việt Nam. Điều này sẽ giảm được các nguy cơ bị khởi xướng điều tra đối với hàng hoá xuất khẩu sang thị trường xuất khẩu tiềm năng này.
Cùng với đó, ngoài công tác đẩy mạnh cảnh báo sớm về điều tra phòng vệ thương mại từ Bộ Công Thương, thiết nghĩ nên ra sách trắng về phòng vệ thương mại, từ đó doanh nghiệp có cái nhìn tổng thể, toàn diện hơn đối với lĩnh vực này, qua đó có những biện pháp ứng phó phù hợp với từng thị trường.
Riêng đối với doanh nghiệp, tôi cho rằng, cần nắm vững các quy định về phòng vệ thương mại quốc tế nhằm tránh sự bị động khi bị khởi xướng điều tra các vụ việc. Còn trong quá trình tham gia cung cấp thông tin vụ việc, cần thuê công ty tư vấn, hỗ trợ, xong không nên thuê nhiều hãng luật, để có thể sử dụng chung thông tin trong trường hợp bị nhiều thị trường điều tra. Mặt khác, cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, nhất đại diện thương mại Việt Nam tại thị trường nhập khẩu để nắm được thông tin điều tra từ sớm, từ xa.
Đặc biệt, không tiếp tay cho hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, bởi điều này rất dễ dẫn đến việc bị khởi xướng điều tra và bị áp mức thuế cao, từ đó không chỉ thiệt hại cho doanh nghiệp mà cho nhiều doanh nghiệp và toàn ngành sản xuất.
Đồng thời, doanh nghiệp phải luôn luôn nhận thức rằng, khi ra "sân chơi" kinh tế quốc tế phải cạnh tranh bằng chất lượng chứ không chỉ tập trung cạnh tranh bằng giá. Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu để không chỉ tránh được rủi ro vào danh sách điều tra phòng vệ thương mại mà còn góp phần duy trì ổn định và nâng cao tính cạnh tranh của hàng hoá xuất khẩu Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Xin cảm ơn ông!