Trà Vinh: 85/85 xã đạt Tiêu chí 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn
Trà Vinh là tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có 7 huyện, 1 thị xã và 1 thành phố; 106 xã, phường, thị trấn, trong đó, có 85 xã xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đến cuối năm 2022, chiếm tỷ lệ 1,88% và cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,8%.
Chợ Trà Vinh |
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, với cách làm sáng tạo, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chủ động, tự giác thực hiện của người dân, Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã đạt được thành quả lớn với các chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra.
Cụ thể, đến nay toàn tỉnh đã có 82/85 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 97% số xã, trong đó, có 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 6/9 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 2 huyện đã thực xong các tiêu chí, đã trình Trung ương chờ công nhận và 1 huyện còn lại theo kế hoạch 2023 sẽ hoàn thành; ấp nông thôn mới đạt trên 98,6% (trong đó có 52 ấp nông thôn mới kiểu mẫu); hộ nông thôn mới đạt trên 95,5%.
Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 184 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh công nhận, trong đó có 09 sản phẩm đạt tiềm năng sản phẩm 5 sao và đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ công nhận; 38 sản phẩm 4 sao; 137 sản phẩm 3 sao. Nhiều địa phương đang xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, ấp nông thôn mới kiểu mẫu,…
Đặc biệt, tỷ lệ hài lòng của người dân ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới đều đạt trên 90%. Đây chính là tiền đề để Trà Vinh phấn đấu xây dựng tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trước năm 2025.
Về hạ tầng thương mại nông thôn, hiện toàn tỉnh có 115 chợ, giảm 1 chợ do kết thúc dự án chợ Khu Công nghiệp Long Đức; trong đó, có 19 chợ do doanh nghiệp và hợp tác xã quản lý; 4 chợ do hộ kinh doanh quản lý; 92 chợ do ban quản lý và UBND cấp xã trực tiếp quản lý.
Công tác quản lý và phát triển chợ trên địa bàn tỉnh Trà Vinh thời gian gần đây tiếp tục có chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy sản xuất, phát triển dịch vụ, lưu thông hàng hóa, phục vụ hiệu quả đời sống của người dân.
Đến nay, toàn tỉnh có 85/85 xã đạt Tiêu chí 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn. Huyện Cầu Ngang và Duyên Hải đang phấn đấu thực hiện Tiêu chí 6.2 về chợ trung tâm huyện đạt tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm.
Trong năm 2022, Sở Công Thương Trà Vinh đã hỗ trợ các huyện, thị xã, thành phố thực hiện cải tạo, nâng cấp 8 chợ với tổng mức đầu tư trên 8,8 tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương trên 7,8 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp, HTX, tiểu thương góp 970 triệu đồng.
Đồng thời, hỗ trợ hướng dẫn, kiểm tra đánh giá Tiêu chí 6.2 về chợ trung tâm huyện đạt chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 gồm các huyện: Cầu Ngang, Duyên Hải, Châu Thành, Trà Cú, Tiểu Cần, Cầu Kè và hỗ trợ, hướng dẫn các xã Hưng Mỹ, Lương Hòa A (huyện Châu Thành); Hòa Tân, Châu Điền (huyện Cầu Kè); Long Khánh, huyện Duyên Hải để thực hiện Tiêu chí 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn mới nâng cao.
Các dự án đầu tư xây dựng chợ thời gian qua đã hoạt động ổn định và khai thác có hiệu quả, bước đầu đã huy động được các nguồn lực thực hiện xã hội hóa đầu tư cải tạo nâng cấp chợ, góp phần từng bước thực hiện xã hội hóa trong công tác phát triển và quản lý chợ trên địa bàn toàn tỉnh.
Bên cạnh kết quả đạt được, hiện công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ còn chậm, chưa hoàn thành theo kế hoạch đã được UBND Trà Vinh phê duyệt. Nguyên nhân do phần lớn các chợ trên địa bàn tỉnh là chợ hạng 3 có quy mô diện tích nhỏ, ít hộ kinh doanh nên việc mời gọi đầu tư, chuyển đổi mô hình quản lý chợ gắn với xây dựng chợ đạt Tiêu chí 7 còn gặp nhiều khó khăn.
Trong thời gian tới, Sở Công Thương Trà Vinh sẽ tiếp tục phối hợp các Sở, ngành, địa phương mời gọi đầu tư xây dựng chợ và chuyển đổi mô hình quản lý chợ. Đồng thời, thực hiện tốt công tác sắp xếp chỉnh trang các chợ trên địa bàn, góp phần hoàn thành Tiêu chí 7 về hạ tầng thương mại nông thôn cho các xã xây dựng nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới nâng cao.