TP. Hồ Chí Minh: Tìm giải pháp kích cầu tiêu dùng
Thời điểm này các cơ sở kinh doanh ở TP. Hồ Chí Minh đều đã chuẩn bị nguồn hàng cho mùa mua sắm cuối năm với kỳ vọng sức mua của những ngành hàng thiết yếu như thực phẩm, thời trang, may mặc, gia dụng… sẽ tăng mạnh. Tuy vậy, sức mua của người tiêu dùng lại chưa cao so với kỳ vọng của giới kinh doanh.
Ghi nhận tại các phố lớn trên địa bàn quận 1, quận 3 và quận 10 cho thấy, các điểm bán lẻ như tạp hóa, siêu thị nhỏ, cửa hàng tiện lợi khá thưa khách. Tương tự ở các cơ sở kinh doanh dọc theo phố đi bộ trên trục đường Nguyễn Huệ, Nguyễn Thị Minh Khai, Hai Bà Trưng… cũng chưa có nhiều khách mua sắm.
Chị Võ Thanh Hằng - chủ sở hữu một cửa hàng thời trang nữ nằm trên đường Hai Bà Trưng (quận 3) - cho biết: Thời điểm này sức mua sản phẩm thời trang vẫn chưa cao và phải từ tháng 12 trở đi mới sôi động hơn. Theo chị Hằng, để kéo sức mua, chị sẽ chuẩn bị nguồn hàng và đẩy mạnh bán livestream cũng như bán qua các sàn thương mại điện tử.
Giới kinh doanh dự báo, có thể từ tháng 12 trở đi thị trường mới sôi động hơn. Trong bối cảnh đó, để kích cầu tiêu dùng, nhiều cửa hàng thời trang đã đưa ra các chương trình giảm giá từ 30- 50% cho một số mặt hàng nhất định như giày, dép, túi xách.
Ngoài hàng thời trang, ở các hệ thống siêu thị như Co.opmart, Lotte Mart, Emart… đang thực hiện giảm giá từ 20 - 50% cho các nhu yếu phẩm thiết yếu.
Các thương hiệu giảm giá để thu hút khách mua |
Ở quy mô toàn thành phố, theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, TP. Hồ Chí Minh dự kiến sẽ tiếp tục tổ chức đợt 2 của chương trình khuyến mãi tập trung vào tháng 11 tới. Trong đợt này, Thành phố khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia để kích cầu mua sắm, tiêu dùng với hạn mức tối đa 100%, tương đương mua 1 tặng 1.
Trước đó, trong đợt 1 của chương trình khuyến mãi tập trung (từ ngày 15/6 tới 15/9) Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã ghi nhận có 3.000 doanh nghiệp tham gia với hơn 5.000 chương trình khuyến mãi đến 100% kèm tặng quà hoặc mua 1 tặng 1.
Thông qua các hoạt động giảm giá kéo dài, sức tiêu thụ hàng hóa trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã tăng rõ rệt, góp phần tăng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu trong 9 tháng đầu năm. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng đầu năm 2023 của thành phố ước đạt 871.198 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 10,6%; doanh thu lưu trú và ăn uống tăng 31,8%; doanh thu lữ hành tăng 68,9%. Do đó, Sở Công Thương kỳ vọng với đợt 2 của chương trình sẽ tiếp tục góp phần thúc đẩy doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng cao trong thời gian tới.