Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng cao trong khi công nghiệp và xuất nhập khẩu sụt giảm. Vì sao?
Số liệu tình hình kinh tế - xã hội quý I/2023 vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, quý I/2023, trong khu vực công nghiệp và xây dựng, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp quý I/2023 giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023, làm giảm 0,28 điểm phần trăm trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn ngành kinh tế.
Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong quý I/2023 ước đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 75,1 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong quý I/2023 vẫn ước đạt 1.505,3 nghìn tỷ đồng, tăng đến 13,9% so với cùng kỳ năm trước |
Trong bối cảnh cả công nghiệp và xuất nhập khẩu hàng hóa trong quý I/2023 đều sụt giảm so với cùng kỳ thì tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong quý I/2023 vẫn ước đạt 1.505,3 nghìn tỷ đồng, tăng đến 13,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong quý I/2023 tăng 10,3%.
Giải thích về lý do tổng quan ngành công nghiệp có sự sụt giảm nhưng nhưng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn tăng, Tổng cục Thống kê cho rằng, ngành công nghiệp giảm nhưng tập trung chủ yếu ở các ngành sản xuất các sản phẩm phục vụ xuất khẩu, đặc biệt là ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học có mức giảm -6%.
Bên cạnh đó, xuất khẩu của Việt Nam cũng có sự sụt giảm mạnh ở những nhóm hàng này như: Điện tử máy tính và linh kiện -10,9%; điện thoại các loại và linh kiện: -14,3%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác: -5,1%. Tương tự như vậy, nhập khẩu những nhóm hàng phục vụ xuất khẩu cũng sụt giảm: Điện tử máy tính và linh kiện -12,4%; điện thoại các loại và linh kiện: -64,5%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác: -15,4%.
Từ những phân tích trên, bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng: Có thể thấy sự sụt giảm của ngành công nghiệp và xuất nhập khẩu trong quý I/2023 chủ yếu liên quan tới việc sản xuất các sản phẩm xuất khẩu do cầu thế giới sụt giảm, khiến các doanh nghiệp Việt Nam bị sụt giảm đơn hàng, dẫn tới sản xuất trong nước phục vụ xuất khẩu cũng sụt giảm theo.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Hương, số liệu trong quý I/2023 cũng chỉ ra rằng, sản xuất trong nước phục vụ nhu cầu tiêu dùng vẫn duy trì mức tăng trưởng dương để đảm bảo nguồn cung như các ngành công nghiệp chế biến sản xuất thực phẩm (+3,4%); đồ uống (+27,3%) và đặc biệt là sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản cũng có mức tăng trưởng dương. Ngoài ra, số liệu điện thương phẩm dùng cho các ngành thương mại dịch vụ cũng tăng khá với mức 16,3%; cao hơn rất nhiều mức tăng trưởng chung là 0,1%; và sự sụt giảm mạnh của các ngành công nghiệp - xây dựng là -4,7%.
“Cũng cần lưu ý rằng, thời điểm trước dịch Covid-19, mức tăng bình quân của doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I là 11,5% trong giai đoạn 2016-2019. Tuy nhiên, mức tăng của quý I trong 3 năm 2020-2021-2022, thời điểm Việt Nam đang chịu tác động bởi dịch Covid-19 chỉ đạt thấp, tương ứng là 6,0%; 3,7% và 6,1%. Do vậy có thể thấy, mặc dù mức tăng của quý I/2023 đạt cao, nhưng trên nền tăng trưởng thấp của 3 năm liên tiếp thì vẫn chưa bằng với thời điểm trước dịch Covid-19” – đại diện Tổng cục Thống kê thông tin.
Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong quý I/2023 tăng 10,3% |
Theo Tổng cục Thống kê, những tháng đầu năm, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, nhất là diễn biến xung đột Nga – Ucraina và phản ứng của các nước lớn. Lạm phát tuy đã giảm dần nhưng vẫn ở mức cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tiêu dùng và các hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư tiếp tục suy giảm. Thị trường Trung Quốc chưa trở lại trạng thái bình thường do hậu quả của đại dịch Covid-19; đến thời điểm này vẫn chưa mở cửa hoàn toàn với Việt Nam nên hàng hóa xuất, nhập khẩu chưa thể thông thương.
Ở trong nước, diễn biến kinh tế vẫn nhiều khó khăn, thách thức. Hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn chưa thực sự lấy lại đà tăng trưởng như trước đây; nhiều ngành công nghiệp chủ lực giảm hoặc tăng trưởng thấp. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động đều giảm trong khi số doanh nghiệp rút khỏi thị trường lại gia tăng; một số doanh nghiệp tiếp tục giảm giờ làm, cắt giảm lao động. Xuất khẩu tăng trưởng chậm do đơn hàng nước ngoài giảm. Đây chính là những thách thức cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% trong năm 2023.
Trên cơ sở đó, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, từ nay đến cuối năm, các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt chính sách của các nền kinh tế lớn như: Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản… ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam, từ đó kịp thời đưa ra cảnh báo cho cộng đồng doanh nghiệp có các phản ứng kịp thời; Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết khai thác hiệu quả các thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.
Cùng với đó, thực hiện có hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng, kích thích tiêu dùng nội địa, từ đó thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển.