Đại dịch Covid-19 qua đi, niềm tin ở lại Thế là đã gần 3 tháng, cả đất nước cùng nắm tay nhau đoàn kết, đồng lòng chống lại kẻ thù giấu mặt mang tên ... |
Ấn tượng bởi Việt Nam có chung đường biên giới trên đất liền khá dài với Trung Quốc – quốc gia khởi phát dịch bệnh Covid-19, song đến nay, với gần 100 triệu dân nhưng Việt Nam chỉ có 270 trường hợp được xác nhận mắc Covid-19, trong đó có tới 219 trường hợp được chữa khỏi và chưa có trường hợp nào tử vong.
Nhận xét về kết quả công tác phòng chống dịch Covid-19 mà Việt Nam đã đạt được, nhiều chuyên gia y tế, nhà bình luận nước ngoài đã dùng từ “đáng kinh ngạc”. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách toàn diện những định hướng, giải pháp mà chúng ta đã thực hiện, đặc biệt là sự vào cuộc đồng lòng từ trên xuống dưới, thì có lẽ không có gì là quá “kinh ngạc” cả.
Bằng quyết tâm chính trị từ trung ương đến cơ sở; với lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết của toàn dân, chúng ta tự tin vào những thành tựu trong không chỉ cuộc chiến với dịch bệnh mà còn tái phục hồi nền kinh tế |
Hãy xem, ngay khi dịch bệnh mới phát sinh vào đầu năm 2020, Nhà nước Việt Nam đã có cam kết chính trị từ rất sớm ở cấp cao nhất và cam kết chính trị đó đã đi từ cấp trung ương xuống tận cấp làng xã với tinh thần của "Cuộc tổng tấn công mùa xuân năm 2020", một sự tương đồng với cuộc tấn công Xuân Mậu Thân năm 1968.
Khi bước vào “cuộc chiến”, ngay trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thường trực Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 đã nhấn mạnh tinh thần "chống dịch như chống giặc; mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch" và chúng ta sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để cứu người thoát dịch, coi con người là vốn quý nhất, là trung tâm của mọi chính sách phát triển kinh tế-xã hội.
Đặc biệt hơn, “cam kết chính trị” của Nhà nước đã được người dân chung tay thực hiện với sự tự nguyện cao nhất. Chỉ dấu rõ ràng là hàng chục nghìn người đã được cách ly tập trung. Từ nông thôn đến thành thị, nhịp sống vốn náo nhiệt, nhất là những hoạt động sản xuất, kinh doanh đã gần như dừng lại dù những bất tiện trong sinh hoạt là không tránh khỏi, thậm chí thiệt hại kinh tế do việc các ly, giãn cách xã hội đã trở nên rõ ràng, song người dân, doanh nghiệp vẫn sẵn sàng nhận về mình sự hy sinh.
Còn hơn thế, người người, nhà nhà tình nguyện nhường cơm, sẻ áo cho đồng bào khó khăn ngõ hầu vượt qua dịch dã dù bản thân họ cũng chưa hẳn đã khấm khá hơn người. Những điểm phát qùa miền phí, những cây "ATM gạo", những mớ rau, quả trứng trao tay ân cần… bên cạnh những gói hỗ trợ an sinh của Nhà nước, những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp của các Bộ, ngành, địa phương, mà trong đó không thể không nhắc đến những nỗ lực của ngành Công Thương trên nhiều mặt trận, từ cung ứng hàng hóa trong nước, đảm bảo ổn định thị trường; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, xuất nhập khẩu… đến chính sách giảm giá điện… đã thực sự tạo nên không khí “cả nước ra trận”.
Khá tương đồng khi cũng nhìn nhận kết quả của Việt Nam trong công tác phòng chống dịch Covid-19 trên khía cạnh huy động sức mạnh của toàn dân, Tạp chí The Diplomat (Nhật Bản) phân tích, yếu tố cơ bản đầu tiên dẫn đến thành công của Chính phủ Việt Nam là huy động lòng yêu nước và chủ nghĩa dân tộc.
Tờ Tạp chí danh tiếng này cũng phân tích, Chính phủ Việt Nam đã chứng tỏ mình là một nguồn lãnh đạo hiệu quả trong đại dịch bằng cách cung cấp thông tin minh bạch. Nhắc đến việc Bộ Y tế Việt Nam đã chủ động ra mắt trang web và một ứng dụng di động, không chỉ để giảm bớt quá trình kiểm tra y tế mà còn phổ biến thông tin chính xác một cách nhanh chóng, Tạp chí The Diplomat đánh giá, bộ máy truyền thông thông tin kỹ thuật số đã giúp ngăn chặn sự lan truyền của tin đồn và tin tức giả mạo. Truyền thông nhà nước cũng liên tục đưa tin về các điểm nóng của đại dịch, như: Trung Quốc, Ý, Tây Ban Nha và Hoa Kỳ… để nâng cao nhận thức cộng đồng về mức độ nghiêm trọng của Covid-19. Cuối cùng, Tạp chí The Diplomat kết luận, từ sự minh bạch và chủ động, Chính phủ Việt Nam đã có được niềm tin của người dân mà kết quả là trong một cuộc khảo sát của Dalia Research ở 45 quốc gia về ý kiến của cộng đồng và phản ứng của Chính phủ đối với đại dịch, 62% người tham gia tại Việt Nam nói rằng Chính phủ đang làm tốt việc chống dịch.
Hôm nay, khi cả nước long trọng kỷ niệm 45 năm Ngày chiến thắng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2020) - chiến thắng cũng bắt nguồn từ truyền thống yêu nước, từ tinh thần đoàn kết của người Việt Nam – chúng ta vui mừng đón nhận thông tin ngày thứ 14 Việt Nam không có thêm ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng và tự hào khẳng định đây là một “chiến thắng lịch sử” của toàn dân. Trước đó, dù Chính phủ đã chính thức “phát lệnh” ngừng cách ly xã hội, khẳng định sự thành công trong cuộc chiến với dịch bệnh, nhưng, với tinh thần cảnh giác, một lần nữa Chính phủ phát đi thông điệp về nguy cơ tái diễn dịch bệnh còn hiện hữu, cũng như sự tồn tại những nguy cơ từ các thế lực thù địch trong suốt 45 năm qua dù non sông đã thu về một mối sau đại thắng 30/4/1975 ngày ấy.
Lúc này, “nếu toàn dân đồng lòng chống dịch, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng dịch Covid-19 như dân tộc Việt Nam đã nhiều lần chiến thắng” – Lời Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 – thay mặt Chính phủ kêu gọi lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết toàn dân, sẽ là động lực giúp chúng ta tự tin vào những thành tựu trong không chỉ cuộc chiến với dịch bệnh mà còn phục hồi nền kinh tế, ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội, phát triển đất nước toàn diện, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế...