Sáng nay, ngày 21/10, tại TP. Hồ Chí Minh, đã diễn ra khai mạc Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE 2024), do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với EuroCham tổ chức.
Tham dự chương trình có Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh; Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, cùng Lãnh đạo các Bộ, ngành, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Hiệp hội, ngành hàng và các doanh nghiệp Việt Nam.
Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khai mạc Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh 2024 (GEFE 2024). Ảnh: Thanh Minh. |
Về phía EU, có ông Margaritis Schinas - Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu; ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCharm); ông Alain Cany - đồng Trưởng ban tổ chức GEFE, kiêm Chủ tịch Ban cố vấn EuroCham Việt Nam; cùng Lãnh đạo Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, lãnh đạo Bộ, ngành, tổ chức quốc tế tại các nước EU, Đại sứ, Tổng Lãnh sự một số nước châu Âu tại Việt Nam, Lãnh đạo EuroCham và các doanh nghiệp EU, chuyên gia, diễn giả, nhà khoa học đến từ châu Âu.
Xuyên suốt sự kiện có hơn 30 phiên thảo luận trải dài trên 10 chủ đề và một phiên khai mạc cấp cao. Các phiên hội thảo luận bàn về những chủ đề xanh mới nổi tại Việt Nam; tiếp cận chính sách, tiêu chuẩn với thị trường EU; các vấn đề liên quan chính sách và quy định liên quan đến phát triển bền vững, chuyển đổi xanh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn và các đại biểu tham dự Phiên họp cao cấp trong khuôn khổ Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh 2024 (GEFE 2024) - Ảnh: Thanh Minh |
Phát biểu khai mạc tại Phiên họp cấp cao, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đánh giá cao và trân trọng cảm ơn sự quan tâm, hợp tác tích cực của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) trong tiến trình hiện thực hóa tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Đây là tiền đề và động lực quan trọng để thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế xanh, bền vững, phù hợp xu thế toàn cầu hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà EU và Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh, năm 2024, phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung và ngành Công Thương nói riêng diễn ra trong bối cảnh thế giới được dự báo tiếp tục có những chuyển biến lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Kinh tế toàn cầu dự báo tiếp tục đối mặt với những thách thức từ tăng trưởng yếu và lạm phát tăng cao, tăng trưởng dự kiến sẽ chậm lại, chủ yếu do việc thắt chặt chính sách tiền tệ được thực hiện trong hai năm qua.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng. Ảnh: Thanh Minh |
Thứ trưởng Phan Thị Thắng cũng cho biết, trong tháng 9/2024, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi) đã làm đứt mạch tăng trưởng sản xuất sau 5 tháng tăng liên lục, khiến chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 9 giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm (đạt 47,3 điểm so với mức 52,4 điểm của tháng 8). Do vậy, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong tháng 9/2024 có sự giảm nhẹ so với tháng trước (giảm 0,2%). Tuy nhiên, nhờ đà phục hồi tích cực của sản xuất công nghiệp trong những tháng vừa qua nên chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 9/2024 vẫn tăng tới 10,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 578,47 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 11%). Trong đó xuất khẩu tăng 15,4% (cùng kỳ giảm 8,2%); nhập khẩu tăng 17,3% (cùng kỳ giảm 13,9%). Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 20,79 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2024 vào thị trường EU đạt 38,1 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển và tăng trưởng ngày càng hiệu quả, chất lượng giữa Việt Nam và EU.
Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn và các đại biểu tham quan gian hàng triển lãm tại sự kiện (Ảnh: Thanh Minh) |
Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh, thời gian qua, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hai bên đã và đang quan tâm đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, những tiêu chuẩn và quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm xuất nhập khẩu, xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số ngày càng rõ nét và đặc biệt được quan tâm. Điều này đóng góp quan trọng cho sự phát triển ổn định, bền vững của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và EU.
"Trong khuôn khổ của Diễn đàn lần này sẽ có các phiên thảo luận chuyên đề chia sẻ về cơ chế, chính sách của hai bên về các lĩnh vực hiệu quả năng lượng, tài chính bền vững, khử carbon, kinh tế tuần hoàn, thực phẩm, nông nghiệp, du lịch và công nghệ mới; các vấn đề an toàn nguồn nước. Đây là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và EU cùng tìm hiểu và đáp ứng cơ chế, chính sách, pháp luật, các quy định, tiêu chuẩn hướng đến mục tiêu về phát triển xanh, bền vững trong thời gian tới" - Thứ trưởng Phan Thị Thắng phát biểu.
Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm với Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng tại sự kiện. Ảnh: Thanh Minh |
Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và EU tiếp tục trao đổi, mở rộng hợp tác kết nối đầu tư, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, chuyển giao công nghệ theo hướng tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính đáp ứng với các tiêu chuẩn mới của toàn cầu.
Đồng thời kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và EU cùng nỗ lực, cam kết hành động và đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế xanh, vì một tương lai an toàn, thịnh vượng và bền vững.