Mọi công dân Việt Nam đều có niềm tin chiến thắng, vượt qua đại dịch (Ảnh minh hoạ) |
Kẻ thù giấu mặt và những hệ luỵ to lớn
Coronavirus 2019 (gọi tắt là Covid-19) là virus gây bệnh viêm đường hô hấp cấp ở người và lây lan từ người sang người. Virus được bắt nguồn từ Trung Quốc vào cuối năm 2019, rồi lây lan, trở thành đại dịch toàn cầu với trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính đến ngày 13/4, trên thế giới đã có 1.852.356 người mắc; 114.194 người tử vong.
Còn tại Việt Nam, số người bị nhiễm (bao gồm cả du khách nước ngoài) là 262; trong đó, tổng số ca bình phục là 144, không có người tử vong. (Ca bệnh đầu tiên được phát hiện, công bố vào ngày 30/1 là một thành viên của đoàn công nhân 8 người đi tập huấn ở Vũ Hán, Trung Quốc trong 2 tháng và về nước hôm 17/1).
Có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử loài người phải đối mặt với một kẻ thù vô hình, âm thầm lặng lẽ nhưng có sức tàn phá cực kỳ khốc liệt. Thế giới lâm vào cuộc khủng hoảng thực sự. Các quốc gia đóng cửa biên giới; Mọi hoạt động kinh tế bị đình trệ; Chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy; Hệ thống y tế quá tải; Cuộc sống của người dân bị đảo lộn, hơn nửa dân số thế giới buộc phải ở nhà để phòng tránh lây lan dịch bệnh.
Thống kê của các tổ chức quốc tế cho thấy tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị suy giảm mạnh trong quý I/2020. Mức tổn thất lên đến hàng trăm tỷ USD. Còn tại Việt Nam, tăng trưởng kinh tế Quý I chỉ tăng 3,82% so cùng kỳ, là mức tăng thấp nhất trong cả giai đoạn từ năm 2011 đến nay. Hầu hết tất cả các ngành kinh tế đều bị ảnh hưởng.
Và khó khăn này khó có thể phục hồi trong một sớm một chiều.
Chủ động vào cuộc, hành động kịp thời
Là một quốc gia “hàng xóm” của Trung Quốc – nơi khởi đầu của dịch bệnh nhưng Việt Nam đã kiểm soát tốt tình hình và được cả thế giới ghi nhận.
Sở dĩ có được kết quả này là nhờ vào sự chủ động, nhanh nhạy nắm bắt thông tin, lên phương án phòng chống kịp thời, sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị với tinh thần "chống dịch như chống giặc".
Trên thực tế, kể từ khi có thông tin về dịch bệnh, Trung ương Đảng, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực vào cuộc với một quyết tâm duy nhất, đảm bảo an toàn tính mạng cho mọi người dân.
Theo đó, ngày 28/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra; trong đó yêu cầu trước mắt thành lập Đội phản ứng nhanh, Bộ Y tế hàng ngày báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 29/1, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng ký Công văn số 79-CV/TW gửi: Các tỉnh ủy, thành ủy; các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương; các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (nCov) gây ra.
Ngày 31/01/2020, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc ra Chỉ thị 06CT-TTg, khuyến cáo người dân đeo khẩu trang tại các ''nơi công cộng''.
Ngày 20/3, Bộ Chính trị đã họp về công tác phòng, chống dịch Covid-19 dưới sự chủ trì của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Tại cuộc họp, Bộ chính trị đã đưa ra các mục tiêu, giải pháp cụ thể cho từng nhóm vấn đề cụ thể.
Sau đó, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 được thành lập, tất cả các bộ, ngành, địa phương đều thành lập Ban chỉ đạo.
Các cuộc họp phòng chống dịch được tiến hành liên tục từ 2 ngày, giảm xuống 1 ngày rồi 2 lần 1 ngày. Thông tin cập nhật liên tục. Hàng nghìn văn bản chỉ đạo đã được ban hành cấp tốc, hàng chục kịch bản, phương án được đưa ra. Truyền thông đưa tin từng giây, từng phút.
Mỗi đơn vị đều có nhiệm vụ cụ thể và được triển khai quyết liệt. Bộ y tế đẩy mạnh hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân về cách phòng chống dịch, bảo vệ an toàn tính mạng, chống lây lan dịch bệnh; đón và điều trị cho các bệnh nhân bị nhiễm…; Bộ Công Thương lo đảm bảo nguồn cung hàng hoá cho nhân dân, thúc đẩy sản xuất trang thiết bị y tế phòng chống dịch, kiểm soát chặt chẽ thị trường, chống các hành vi đầu cơ, tăng giá…Đồng thời lo tìm kiếm nguồn nguyên liệu, đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tiếp tục duy trì sản xuất cung ứng hàng hoá cho thị trường, xuất khẩu…thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Quân đội, công an được huy động vào cuộc; khẩn trương xây dựng các khu cách ly đón những người từ nước ngoài trở về.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể phát động chung tay đóng góp hỗ trợ cho những người ở tuyến đầu chống dịch. Rồi các bộ, ngành khác cũng đồng loạt xây dựng, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Rồi trong khó khăn ấy, mỗi bộ ngành, mỗi người dân cũng đã có nhiều giải pháp riêng có, linh hoạt, sáng tạo để cùng nhau bước đi trong tình thân ái.
Có thể khẳng định, đến nay, Việt Nam là đất nước duy nhất tạo được sự đoàn kết, đồng lòng chống dịch.
Đại dịch đi qua niềm tin ở lại
Điểm lại những thành quả quan trọng, nổi bật hơn 90 năm qua, chúng ta không thể không nhắc đến đó là: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chấm dứt chế độ thuộc địa nửa phong kiến; Đó là thắng lợi của các cuộc kháng chiến oanh liệt để giải phóng đất nước, giành lại độc lập dân tộc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội; Đó là thắng lợi của sự nghiệp đổi mới kinh tế xã hội hơn 30 năm qua đã đưa đất nước từ nghèo nàn lạc hậu, bị tàn phá bởi chiến tranh trở thành nước đang phát triển, vượt qua bẫy thu nhập trung bình và ngày càng củng cố vai trò vị thế trên thế giới. Đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của người dân ở khắp mọi nơi được nâng lên rõ rệt.
Thế nhưng, đâu đó trong xã hội, vẫn còn có rất nhiều người mơ hồ về tính nhân văn, ưu việt của Nhà nước xã hội chủ nghĩa và luôn cho rằng ở các nước phương Tây mới là dân chủ, công bằng, văn minh; phủ nhận những thành quả to lớn của đất nước.
Sự thành công bước đầu của cuộc chiến đấu chống đại dịch Covid-19 đã và đang chứng minh thêm một lần nữa về vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong việc dẫn dắt Nhân dân chiến đấu chống lại kẻ thù dấu mặt. Đặc biệt đã không để ai lại phía sau.
Thực tế khi đại dịch xảy ra, nhiều nước thực hiện lệnh giới nghiêm, phong toả người dân; người bệnh phải chịu chi trả hàng chục nghìn đôla cho việc chữa trị. Số người tử vong được hoả thiêu hoặc chôn tập thể mà không có người thân bên cạnh. Các cuộc tranh giành khẩu trang, thiết bị, vật tư y tế đã diễn ra ở cả các nước được gọi là văn minh nhất thế giới.
Nhưng hãy nhìn vào những dòng người Việt trở về đất Việt trong đại dịch Covid-19. Hãy nghe những lời nói “Cám ơn Việt Nam” từ chính những bệnh nhân người nước ngoài sau khi được chữa trị, được chăm sóc ở các khu cách ly tập trung; Hãy lắng nghe thế giới ca ngợi Việt Nam về phương pháp, cũng như kết quả kiểm soát dịch bệnh.
Chúng ta đã tìm mọi phương pháp để đưa được phần lớn con dân nước Việt đang học tập, lao động từ nước ngoài trở về an tòan và có trao đổi với các nước để bảo hộ công dân phòng chống dịch Covid-19.
Chúng ta cũng đã đón và chữa trị cho những bệnh nhân đến từ nước ngoài bị nhiễm bệnh; Hỗ trợ miễn phí tiền ăn uống cho các công dân (không phân biệt người trong và ngoài nước) trong các khu cách ly tập trung.
Chúng ta đã đảm bảo đủ khẩu trang, nước sát khuẩn cho mọi công dân; đảm bảo cung ứng đủ hàng hoá thiết yếu cho người dân; hỗ trợ trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Chúng ta cũng kịp thời hỏi thăm, hỗ trợ các nước bạn vật tư y tế phòng chống dịch. Cộng đồng người Việt sinh sống, làm việc ở nước ngoài cũng có những hoạt động quyên góp, hỗ trợ cùng chung tay chống dịch.
Có lẽ, nếu không kể đến những thiệt hại về kinh tế thì dấu ấn nổi bật nhất trong và sau đại dịch Covid-19 là niềm tin của Nhân dân vào Đảng, vào Chính phủ.
Và những gì mà Đảng, Chính phủ Việt Nam đã và đang làm đã khẳng định tính ưu việt, nhân văn của Xã hội chủ nghĩa mà ở đó vai trò dẫn dắt của Đảng được phát huy tối đa; xoá tan đi những luận điệu xuyên tạc vu khống cuả những thế lực thù địch, những kẻ cực đoan đâu đó vẫn tồn tại; Đại dịch cũng đã đổi thay những quan điểm, xoá toa tan những nhận thức mù mờ của rất nhiều người.
Nói như vậy để thấy rằng sự thật vẫn là sự thật. Sự thật nằm ở trong lối suy nghĩ, cách làm và hành động. Và mỗi người Việt Nam trong và ngoài nước đều tự hiểu, tự biết và đều yên lòng với những gì Đảng và Nhà nước đang làm; tự hào với một Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Nhớ đến khẩu hiệu nói về quân đội nhân dân Việt Nam rằng “kẻ thù nào cũng đánh thắng”, tôi và bất cứ ai mang dòng máu lạc hồng đều có niềm tin rằng đất nước của chúng ta sẽ chiến thắng, ngẩng cao đầu với thế giới, hiên ngang bước đi.