Tỉnh Quảng Ninh: Kết nối cung - cầu hàng Việt
Theo Sở Công Thương Quảng Ninh, hiện nay, hạ tầng thương mại cung cấp hàng hóatrong tỉnh có 13.720 điểm kinh doanh thực phẩm với 128 chợ, 11 siêu thị kinh doanh tổng hợp, 129 cửa hàng tiện lợi, 27 trung tâm, điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm OCOP, 1.506 cơ sở kinh doanh thực phẩm khác. Cơ sở hạ tầng thương mại nói trên cơ bản đã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói chung và du khách quốc tế và tỉnh ngoài đến tham quan, mua sắm nói riêng.
Quảng Ninh đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung - cầu hàng Việt |
Năm 2021, công tác hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm đã được triển khai với trên 35.400 tấn nông, thủy sản tỉnh Quảng Ninh được tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, tổ chức và xác nhận cho 21 hội chợ, phiên chợ, điểm giới thiệu bán hàng nông nghiệp, OCOP Quảng Ninh trên địa bàn. Ngoài ra, tỉnh còn phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) hỗ trợ 20 doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện việc phân phối hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử trong nước.
Về phía Bộ Công Thương, thời gian qua, Bộ đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ các địa phương tiêu thụ nông sản, trong đó có tỉnh Quảng Ninh. Xác định mua sắm trực tuyến là hình thức ngày càng phổ biến trong việc thúc đẩy tiêu thụ các nông sản, thực phẩm chế biến…, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh kết nối, đưa nhiều loại nông sản lên sàn thương mại điện tử. Thông qua sự kết nối của Bộ Công Thương, nông sản Quảng Ninh nói riêng và nhiều địa phương khác đã lên được nhiều kênh phân phối như Sendo, Lazada, Shopee…
Bộ Công Thương cũng kịp thời có các văn bản đề nghị các địa phương triển khai các giải pháp để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2023 theo đúng Quyết định số 194/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, cử đoàn công tác đến Quảng Ninh để xem xét việc triển khai Dự án Trung tâm giao dịch hàng hóa nông, lâm, thủy sản châu Á – Thái Bình Dương tại Km3+4 phường Hải Yên, nhằm mở ra thêm kênh tiêu thụ nông sản.
Bên cạnh việc ghi nhận những nỗ lực của tỉnh trong việc thúc đẩy tiêu thụ nông sản, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) sẽ kiến nghị lãnh đạo Bộ và các bộ, ngành liên quan tạo điều kiện cho địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thúc đẩy tiêu thụ nông sản ở thị trường nội địa và xuất khẩu.
Thời gian tới, bên cạnh việc tăng cường kết nối tiêu thụ nông sản, khai thác tối đa các kênh thương mại điện tử, hạn chế khâu trung gian, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với địa phương tổ chức kết nối, giới thiệu doanh nghiệp liên kết hợp đồng tiêu thụ, bảo quản, chế biến nông sản; tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh quảng bá tiêu thụ trong nước, ưu tiên tiêu thụ sản phẩm nông sản gặp khó khăn tại địa phương. Cùng với đó, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương, trong đó có Quảng Ninh triển khai các sự kiện kết nối cung - cầu, xúc tiến tiêu thụ nông sản, đặc biệt là các sản phẩm OCOP. |