Diễn biến bất thường
Vụ điều năm nay, tuy giá tăng nhưng năng suất, sản lượng sụt giảm, bà con không có hàng để bán. Tại các tỉnh Gia Lai, Đồng Nai, Bình Phước... điều được các thương lái vào tận vườn thu mua, có đến đâu mua gọn đến đó. Giá điều dao động trong khoảng 26.000 - 28.000 đồng/kg. Một nông dân huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) cho biết, giá điều có lúc lên tới 30.000/kg khác hẳn những năm trước chỉ ở mức 17.000 - 18.000 đồng/kg. Có thể nói, nhiều năm rồi mới thấy hạt điều có giá cao như vậy. Giá điều tăng cao nhưng không phải nông dân nào cũng thu được thành quả bởi thời gian qua, do ảnh hưởng của thời tiết, nhiều địa phương nắng nóng, khô hạn kéo dài nhiệt độ trong ngày chênh lệch nhau rõ rệt, đêm thì lạnh ngày lại nóng, sáng sớm sương mù nhiều nên điều ra bông không đồng đều. Bên cạnh đó, có những vườn điều đã khai thác được 10 năm nay già cỗi cho năng suất, chất lượng không được cao cộng với kỹ thuật chăm sóc của nông dân chưa thực tốt nên vụ điều năm nay, nhiều nơi sản lượng giảm mạnh. Huyện Bù Đăng tỉnh Bình Phước dự báo sản lượng sẽ giảm tới 40%.
Sản lượng giảm, xuất khẩu tăng, doanh nghiệp điều tiếp tục phải nhập nguyên liệu từ các nước châu Phi với đầy rủi ro về chất lượng, rủi ro trong giao thương. Cái vòng luẩn quẩn được mùa mất giá, được giá mất mùa vẫn đeo bám ngành điều bao năm qua.
Để ngành điều phát triển bền vững
Cùng với cao su, cà phê, cây điều là cây trồng quan trọng, tạo nhiều công ăn việc làm, thu nhập cho bà con nông dân. Hàng chục năm qua, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã xoá đói, giảm nghèo nhờ trồng điều. Thời gian qua, diện tích cây điều tăng, năng suất chất lượng vườn cây được cải thiện nhưng chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Theo Cục Trồng trọt, đến năm 2014, diện tích điều đã tăng lên 311.000 héc-ta. Trong đó các tỉnh vùng Đông Nam bộ là vùng trồng điều hàng hóa tập trung, chiếm khoảng 60% diện tích điều cả nước. Diện tích và năng suất, sản lượng điều cũng tăng. Đến năm 2014 năng suất điều tăng đáng kể đạt 11,72 tạ/héc-ta, sản lượng điều đạt gần 350.000 tấn hạt. Mặc dù tăng cao cả ba mặt diện tích, năng suất và sản lượng, nhưng thực tế mới chỉ đáp ứng 35% nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Vì vậy tuy là nước xuất khẩu điều đứng hàng đầu trên thế giới, nhưng nguyên liệu điều vẫn phải nhập khẩu từ bên ngoài.
Do đó để xây dựng vùng nguyên liệu điều ổn định, cần thống nhất quan điểm chỉ đạo về đầu tư đúng mức cho nghiên cứu, sản xuất điều theo hướng thâm canh năng suất, chất lượng. Việc liên kết sản xuất điều nguyên liệu với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cần được đẩy mạnh. Cần rà soát lại quy hoạch, nghiên cứu khoa học, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thực hiện tái canh, cải tạo khôi phục vườn điều, tổ chức lại sản xuất hợp lý. Đặc biệt, cần hỗ trợ lãi suất vay ưu đãi, thời gian vay thích hợp theo chu kỳ sinh trưởng cây điều.
Trước mắt, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, ngay trong năm 2015 này, các nhà khoa học ở các Trung tâm, Viện nghiên cứu của Bộ phải chủ động phối hợp với Cục Trồng trọt ban hành quy định về bộ tiêu chí chọn cây đầu dòng để nhân giống điều chất lượng và hiệu quả. Qua đó, địa phương nào có cây đầu dòng tốt công khai để bà con nhân giống. Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng khẳng định sẽ đề xuất với Chính phủ có chủ trương, chính sách giúp ngành điều trong nước phát triển ổn định lâu dài theo hướng bền vững.