Phát huy nguồn lực tôn giáo trong phát triển kinh tế tại Nam bộ Phê duyệt Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023 – 2025 |
Nhìn lại quá trình xây dựng, gìn giữ và phát triển đất nước hơn 4.000 năm qua, không thể không nhắc đến những đóng góp to lớn của tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam với nhiều loại hình đa dạng, hoạt động phong phú và ngày càng phát triển, thích ứng với quá trình hội nhập quốc tế.
Sự nhất quán từ chủ trương đến hành động
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có quan điểm rõ ràng về văn hóa dân tộc, được thể hiện thông qua sự tôn trọng quyền con người, trong đó có tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Người tìm những giá trị nhân văn ở các tôn giáo để đoàn kết, cổ vũ, khích lệ đồng bào theo tôn giáo phát huy các giá trị tích cực vào xây dựng đạo đức xã hội. Người đánh giá cao lòng bác ái, đức hy sinh của những vị sáng lập ra các tôn giáo khi hun đúc các giá trị chân, thiện, mỹ của xã hội để trở thành triết lý của tôn giáo. Và dù bất kỳ tôn giáo nào cũng có đặc điểm chung là mưu cầu hạnh phúc chính đáng cho con người và cộng đồng xã hội, cùng nhau chung tay xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: Tôn giáo, tín ngưỡng là nhu cầu tinh thần của một bộ phận quần chúng nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới. Điều đó được thể hiện quan hàng loạt Nghị quyết, văn kiện và các văn bản của Đảng, điển hình như Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16/7/1998 của Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết số 25/NQ-TW, ngày 12/3/2003, của Hội nghị Trung ương 7 khóa IX “Về công tác tôn giáo”. Hay trong văn kiện của Đại hội XII của Đảng nêu rõ: “Phát huy các giá trị văn hóa, nhân tố tích cực trong văn hóa, tín ngưỡng”; Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định giá trị văn hóa tôn giáo khi yêu cầu “Phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”.
Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng lại một lần nữa khẳng định: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”.
Theo nhiều chuyên gia, từ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến quan điểm của Đảng đều khẳng định vai trò của tôn giáo, coi giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo là nguồn lực quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự thừa nhận, tôn trọng và chủ trương phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo đã tạo điều kiện thuận lợi cho tôn giáo phát huy triết lý, giáo lý tốt đẹp trong đời sống xã hội và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với các đại biểu tôn giáo trong Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1960 (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Tài liệu ảnh giai đoạn (1954 - 1985) (LIV), SLT 1474 |
Sự đa dạng, công bằng trong tôn giáo Việt
Có thể khẳng định, Việt Nam là đất nước có nhiều dân tộc và tôn giáo đa dạng. Tính đến tháng 12/2021, Nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 41 tổ chức thuộc 16 tôn giáo với số tín đồ chiếm 27% dân số cả nước, trên 58 nghìn chức sắc, khoảng 148 nghìn chức việc và trên 29 nghìn cơ sở thờ tự trên cả nước.
Trải qua chiều dài lịch sử dân tộc hơn 4.000 năm, tôn giáo luôn gắn kết chặt chẽ, đồng hành cùng dân tộc trong quá trình xây dựng, gìn giữ và phát triển đất nước. Nó không chỉ biểu hiện ở các giá trị đạo đức, văn hóa hướng tới “chân – thiện – mỹ” mà còn góp phần phát triển kinh tế xã hội theo tinh thần truyền thống hộ quốc, an dân.
Đơn cử như Phật giáo có mặt tại Việt Nam hơn 2.000 năm đã góp phần nâng cao mối quan hệ đoàn kết dân tộc, làm sâu sắc và phong phú thêm các giá trị truyền thống văn hóa Việt Nam. Phật giáo giúp con người nâng cao trách nhiệm đối với cá nhân, cộng đồng và toàn xã hội, thúc đẩy con người điều chỉnh hành vi ứng xử của bản thân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử, thuộc xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh _Ảnh: TTXVN |
Tương tự, giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp trong giáo lý của Công giáo, Tin lành được thể hiện ở 10 điều răn, trong đó có nhiều điều răn về đạo đức làm người đã góp phần bồi dưỡng đạo đức, văn hóa cá nhân cũng như xã hội.
Các tôn giáo khác ở Việt Nam đều có một điểm chung là hướng thiện, hướng con người đến lối sống vị tha, bình đẳng, bác ái; khuyên răn con người tri ân công đức, uống nước nhớ nguồn, lấy đạo hiếu làm trọng, luôn tu dưỡng đạo đức, hoàn thiện bản thân, tránh làm những điều xấu, phát huy những điều tốt, giúp đỡ người khác, sống đoàn kết, lan toả yêu thương …cùng nhau xây dựng cộng đồng hoà bình, phát triển kinh tế và vì một Việt Nam hùng cường.
Các tôn giáo dù khác nhau nhưng đều có đóng góp chung vào công cuộc xây dựng xã hội, đất nước bằng các hành động cụ thể như tích cực tham gia, hưởng ứng, thực hiện tốt các phong trào chung như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở khu dân cư, “Xây dựng chùa cảnh tinh tấn, gương mẫu”, “Xây dựng xứ, họ tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”, hay các phong trào phòng, chống tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội, xây dựng nếp sống mới trong việc hiếu, hỉ và lễ hội, xây dựng và thực hiện các quy ước, hương ước của thôn xóm, khu dân cư...
Thực tế cho thấy, dù bất cứ phong trào nào, các tôn giáo cũng đều có đóng góp trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở nhiều địa phương, như Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Cà Mau,... đồng bào tôn giáo đã tự nguyện đóng góp hàng trăm tỷ đồng và hàng trăm nghìn ngày công, hiến đất, hiến nguyên vật liệu làm đường giao thông nông thôn, xây dựng trường học, khu vui chơi, sinh hoạt văn hóa, thể thao,... góp phần xây dựng quê hương ngày càng khang trang, sạch đẹp.
Nhiều lớp học tình thương, trường, lớp mầm non do các chức sắc, nhà tu hành và các tổ chức tôn giáo thành lập đã và đang có những đóng góp thiết thực cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo và ngày càng được tín nhiệm trong xã hội.
Nhiều phòng khám, chữa bệnh của các tôn giáo đã và đang hoạt động hiệu quả, góp phần cùng Nhà nước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân. Các hoạt động từ thiện xã hội được đông đảo chức sắc, nhà tu hành và tín đồ tôn giáo tích cực thực hiện dưới nhiều hình thức, như hỗ trợ vốn sản xuất, mở trường, lớp tình thương, xây dựng trung tâm bảo trợ xã hội, cấp học bổng, khám chữa bệnh, hỗ trợ thiên tai, hiến máu, giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn; cứu trợ an sinh xã hội trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, qua đó, thể hiện tình yêu thương, chia sẻ, đùm bọc của con người Việt Nam “lá lành đùm lá rách”.
Nhà thờ lớn Hà Nội (Ảnh minh hoạ) |
Bên cạnh duy trì những giá trị tốt đẹp, sự phát triển tôn giáo tại Việt Nam đã để lại những công trình kiến trúc cảnh quan, điêu khắc và hệ thống các lễ hội đặc sắc như chùa Hương, Bái Đính, núi Bà Đen, Nhà thờ đá Phát Diệm, Nhà thờ Lớn tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội …là cơ sở nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện rõ nhất là dịch vụ du lịch.
Hàng năm, hàng nghìn lễ hội tôn giáo, văn hoá, du lịch được tổ chức quy mô, trọng thể, trang nghiêm, điển như lễ Phật đản của Phật giáo, lễ Noel của Công giáo và đạo Tin Lành, lễ kỷ niệm ngày khai đạo của đạo Cao Đài, Phật giáo Hoà Hảo, tháng ăn chay Ramadan của Hồi giáo… Các Lễ hội của mọi tôn giáo đều trở thành hội lễ chung vui của toàn dân tộc như Lễ hội Đền Hùng, lễ Noel, lễ hội La Vang, chùa Hương…
Các điểm di tích, lễ hội tôn giáo đã trở thành nguồn lực quan trọng để các tín đồ ở địa phương phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần thông qua việc cung cấp các dịch vụ lễ lạt, ăn nghỉ, sản xuất nông sản, thảo dược; duy trì, phát triển nghề thủ công, bán hàng lưu niệm.
Có thể khẳng định, tại Việt Nam, mọi người dân dù là dân tộc nào đều được tự do tham gia sinh hoạt, giao lưu tôn giáo, tín ngưỡng theo ý thích, nhu cầu của mình trong khuôn khổ luật pháp mà không bị cấm đoán, đàn áp như một số tổ chức nhân quyền, phản động thường hay rêu rao.
Nhìn vào những giá trị văn hoá, hoạt động tôn giáo là minh chứng rõ nét nhất về quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của người dân, bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng, bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật. Quan điểm này không chỉ được ghi nhận trong Hiến pháp, trong các văn kiện của Đảng mà còn hiện thực hoá bằng các Nghị quyết, cơ chế, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội...
Cùng với sự phát triển đi lên của đất nước trong quá trình hội nhập, các giá trị tôn giáo ngày càng được phát huy, trở thành nguồn lực nền tảng trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc – điều mà mỗi người dân đất Việt nên tự hào, từ đó gìn giữ, phát huy, cùng nhau xây dựng đất nước hoà bình, giàu đẹp.
Theo TS. Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Để khơi dậy và phát huy giá trị đạo đức, văn hóa và nguồn lực tôn giáo phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước, chúng ta cần tiếp tục thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, quán triệt quan điểm của Đảng về phát huy giá trị đạo đức, văn hóa và nguồn lực của tôn giáo, nhất là tinh thần Đại hội XIII của Đảng. Trong đó, các cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện tốt 4 nhiệm vụ liên quan đến công tác tôn giáo là: 1- Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; 2- Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận; 3- Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước; 4- Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chức sắc, tín đồ thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hai là, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân đã được khẳng định trong Hiến pháp và các văn bản khác. Xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa chính quyền và các tổ chức tôn giáo để kịp thời giải quyết các nhu cầu chính đáng, giải quyết các vấn đề bất cập liên quan đến tôn giáo. Động viên chức sắc, tín đồ giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc trong sinh hoạt tôn giáo và đưa giá trị tốt đẹp trong văn hóa, đạo đức của tôn giáo vào xây dựng, làm phong phú văn hóa dân tộc.
Ba là, vận động chức sắc, tín đồ tôn giáo đóng góp nguồn lực vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong giai đoạn hiện nay, văn hóa Việt Nam đã và đang chịu những tác động, có xu hướng biến đổi, mai một bản sắc, một bộ phận giảm sút ý thức về việc giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc. Do đó, việc khơi dậy và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của tôn giáo vào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng không chỉ của Đảng, Nhà nước, các tổ chức tôn giáo, mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Chính vì vậy, các bộ, ngành, các tỉnh ủy, thành ủy, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, vận động chức sắc, tín đồ tôn giáo thực hiện, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Vận động các tôn giáo tiếp tục thực hiện đường hướng hành đạo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, vừa phù hợp với giáo lý, truyền thống dân tộc, vừa phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và xu hướng phát triển của thời đại, góp phần chống lại các luồng tư tưởng văn hóa xấu, độc, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của đội ngũ chức sắc, tín đồ về chủ trương của Đảng và Nhà nước về văn hóa, đạo đức tôn giáo, nâng cao trách nhiệm của cá nhân, tổ chức tôn giáo trong phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo để xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc đúng với tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021: “Phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra”.
Vận động chức sắc, tín đồ các tôn giáo phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, gắn bó, đồng hành và sẻ chia trách nhiệm với xã hội trên tinh thần sống “tốt đời, đẹp đạo”; tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể phát động, xây dựng mối quan hệ đạo - đời hòa hợp, chung tay cùng chính quyền các cấp và nhân dân xây dựng đất nước. Đồng thời, phát huy thế mạnh của tôn giáo, tín ngưỡng tham gia vào các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, dạy nghề, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, du lịch tâm linh... Đấu tranh với hoạt động kích động gây xung đột văn hóa dân tộc - tôn giáo, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và thành quả đổi mới đất nước.
******
Tài liệu tham khảo:
- Phát huy nguồn lực tôn giáo trong phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay - Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam
- Khơi dậy và phát huy giá trị đạo đức, văn hóa và nguồn lực tôn giáo phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước - Tạp chí Cộng sản