Company Day 2025: Bệ phóng cho sinh viên bước vào ngành dầu khí
Ngày 9/5, tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Trường Đại học Dầu khí Việt Nam (PVU) tổ chức Ngày Hội hướng nghiệp “Company Day 2025” cho sinh viên với chủ đề “Sinh viên PVU với xu hướng chuyển dịch năng lượng và công nghệ số”.
Sự kiện đã thu hút hàng chục đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực dầu khí tham gia như: Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí, Vietsovpetro, Công ty Điều hành Dầu khí Phú Quốc, Công ty Dịch vụ khí, Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP)… và 200 sinh viên đang theo học tại PVU tham gia.
TS. Phan Minh Quốc Bình - Hiệu trưởng PVU chia sẻ tại chương trình. Ảnh: Nguyễn Ngọc |
TS. Phan Minh Quốc Bình, Hiệu trưởng PVU - chia sẻ, Company Day không chỉ là hoạt động thường niên của nhà trường mà còn là dấu ấn quan trọng thể hiện triết lý giáo dục mà PVU kiên định theo đuổi, đó là “Gắn đào tạo với thực tiễn, gắn nghiên cứu với sản xuất - kinh doanh, gắn tri thức với trách nhiệm xã hội”.
Hiệu trưởng PVU đánh giá, thị trường lao động toàn cầu đang chuyển đổi mạnh mẽ, ngành dầu khí và năng lượng cũng không nằm ngoài xu thế đó. Các lĩnh vực mới nổi như năng lượng tái tạo, hydrogen, LNG, thu giữ - lưu trữ carbon (CCUS) mở ra nhu cầu nhân lực đa ngành, kết hợp kỹ thuật, công nghệ thông tin, tài chính carbon, quản trị ESG.
“Thời gian tới, PVU mong muốn nhận được sự đồng hành của các doanh nghiệp. Cùng đó, nhà trường sẽ tiếp tục đổi mới, tích hợp các xu thế công nghệ mới nhất vào chương trình đào tạo, để sinh viên PVU trở thành những “công dân năng lượng” đích thực. Nhà trường đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành một trong những trường đào tạo năng lượng hàng đầu Đông Nam Á, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho Petrovietnam và các dự án trọng điểm quốc gia”, TS. Phan Minh Quốc Bình khẳng định.
Với chủ đề “Sinh viên PVU với xu hướng chuyển dịch năng lượng và công nghệ số”, Company Day 2025 là cơ hội để các sinh viên học hỏi, khám phá, trưởng thành. Đây cũng là dịp để lắng nghe những câu chuyện nghề nghiệp, bài học thực tiễn từ các anh, chị đi trước, từ lãnh đạo, chuyên gia - những người đang dẫn dắt các dự án quan trọng của ngành dầu khí.
Tại chương trình, sinh viên đã được nghe các chuyên gia, nhà quản lý, những người trực tiếp tuyển dụng chia sẻ về kỹ năng, nhu cầu tuyển dụng, lời khuyên trong quá trình học tập, làm việc…
Các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng và nhu cầu tuyển dụng tại chương trình. Ảnh: Nguyễn Ngọc |
Bà Vũ Thị Hồng Nhung - Trưởng bộ phận Điều hành nhân sự Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn - cho biết, đơn vị đã tuyển dụng 50 sinh viên tốt nghiệp PVU và hiện những sinh viên này đang đóng góp rất tích cực vào hoạt động sản xuất - vận hành tại Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn.
Bà Nhung cho rằng, nhà trường nên có môn học riêng hoặc học phần chuyên đề về quy trình vận hành an toàn (SOP), quản lý rủi ro (HAZOP), và hệ thống quản lý an toàn quy trình (Process Safety Management - PSM). Đồng thời, tăng cường kiến thức về P&ID, PFD, hệ thống điều khiển DCS/PLC - những công cụ sinh viên cần sử dụng thành thạo khi làm việc tại nhà máy.
“Tôi tin rằng, việc điều chỉnh chương trình học theo hướng trên sẽ giúp sinh viên, đặc biệt là ngành kỹ thuật hóa học, có thể đáp ứng tốt hơn yêu cầu công việc tại các công ty hóa dầu, lọc dầu hiện đại, đặc biệt là tại Hóa dầu Long Sơn”, bà Nhung khẳng định.
Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Dầu khí Việt Nam, tỷ lệ sinh viên PVU có việc làm đúng ngành sau khi tốt nghiệp đạt trên 70%, hơn 50% làm việc tại các đơn vị thuộc Petrovietnam và các doanh nghiệp đối tác, khoảng 11% tiếp tục học tập hoặc làm việc ở nước ngoài. |