Longform
29/04/2025 18:16
Bài 2: 'Bản giao hưởng' văn hóa Việt trên bản đồ thời trang thế giới

29/04/2025 18:16

Thời trang Việt đang chuyển mình trở thành ngôn ngữ kể chuyện văn hóa, đưa di sản dân tộc vào nhịp sống hiện đại bằng những sáng tạo mang tinh thần thời đại.
Người trẻ 'giữ lửa' văn hoá Việt, lan toả lòng tự hào dân tộc - Bài 2: 'Bản giao hưởng' văn hóa Việt trên bản đồ thời trang quốc tế

Trong nhịp sống toàn cầu hóa sôi động, thời trang không chỉ còn là "cuộc chơi" của cái đẹp hình thức mà đã trở thành ngôn ngữ sáng tạo, nơi mỗi nhà thiết kế gửi gắm tâm hồn, cá tính và bản sắc văn hóa riêng biệt. Tại Việt Nam, nhiều nhà thiết kế trẻ đang chọn cho mình một hành trình đặc biệt, dùng thời trang để kể chuyện văn hóa Việt, làm sống dậy những giá trị di sản trong nhịp sống hiện đại, nối dài mạch nguồn truyền thống bằng những sáng tạo đậm tinh thần thời đại.

Bài 2: Bản “giao hưởng” văn hóa Việt trên bản đồ thời

Với tần suất hiện diện ngày càng dày đặc trên các sàn diễn quốc tế, những nhà thiết kế Việt Nam đang dần khẳng định vị thế không chỉ bằng tài năng sáng tạo mà còn bằng bản sắc văn hóa độc đáo. Thông qua ngôn ngữ thời trang, hình ảnh một Việt Nam đậm đà truyền thống nhưng đầy sức sống hiện đại được truyền tải sinh động tới bạn bè năm châu. Đặc biệt, những trang phục dân tộc như áo dài, áo yếm... đang ngày càng trở thành điểm nhấn đặc sắc trong hành trình chinh phục thế giới của thời trang Việt.

Trong "dòng chảy" đó, Phan Đăng Hoàng nổi lên như một gương mặt tiêu biểu của thế hệ nhà thiết kế trẻ chọn con đường bền bỉ đưa câu chuyện văn hóa Việt Nam vào từng thiết kế.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, trải qua những năm tháng du học tại Milan (Italy), Phan Đăng Hoàng sớm định hình phong cách riêng, kết hợp tinh thần dân tộc với tư duy quốc tế. Không chỉ ghi dấu ấn bằng những bộ sưu tập độc đáo, Phan Đăng Hoàng còn là nhà thiết kế đưa thương hiệu Việt Nam đầu tiên hiện diện tại một trong bốn "kinh đô thời trang" thế giới.

Năm 2024, Phan Đăng Hoàng được tạp chí Forbes Asia vinh danh ở hạng mục 30 Under 30 Asia - nghệ sĩ dưới 30 tuổi có tầm ảnh hưởng nhất ở châu Á trong lĩnh vực The Arts.

Bài 2: Bản “giao hưởng” văn hóa Việt trên bản đồ thời
Trở thành một trong những người trẻ tiêu biểu của châu Á, Phan Đăng Hoàng đã chứng minh rằng những tài năng trẻ Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với các tên tuổi lớn trên thế giới.

Về hành trình sáng tạo những bộ sưu tập của mình, Phan Đăng Hoàng cho biết, "Quintessence" được lấy cảm hứng từ vẻ đẹp của các làng nghề thủ công Việt Nam. Từ những hình ảnh giản dị như mây tre đan lát, quá trình ươm tơ dệt lụa… anh gửi gắm thông điệp về sự trân trọng, gìn giữ những giá trị truyền thống đang dần phai nhạt trong đời sống hiện đại.

Tiếp nối "Quintessence", anh giới thiệu bộ sưu tập mang tên "La Peinture" (Bức tranh), tiếp tục khai thác tinh hoa văn hóa Việt Nam bằng lăng kính hội họa. Bộ sưu tập như một lời mời gọi thế giới bước vào hành trình khám phá Việt Nam.

Mới đây, với bộ sưu tập xuân hè 2025, nhà thiết kế sinh năm 2000 lại tiếp tục làm mới nguồn cảm hứng tái hiện hình ảnh người phụ nữ Việt Nam cách đây một thế kỷ, lấy ý tưởng từ tranh lụa của danh họa Nguyễn Phan Chánh kết hợp với nghệ thuật tạo hình gốm sứ tạo nên sự giao thoa giữa mỹ thuật cổ điển và ngôn ngữ thiết kế đương đại.

Bài 2: Bản “giao hưởng” văn hóa Việt trên bản đồ thời

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về lý do mang thời trang đậm bản sắc Việt vươn ra thế giới, nhà thiết kế trẻ Phan Đăng Hoàng bày tỏ: "Lòng tự hào dân tộc chính là mạch nguồn bất tận cho sáng tạo. Là một người Việt Nam, tôi cảm thấy vô cùng tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc. Văn hóa chính là cội nguồn của một dân tộc. Tôi mong rằng, khi bước ra thế giới, thông qua các sản phẩm của mình, mọi người sẽ luôn nhận ra tôi là một nhà thiết kế đến từ Việt Nam".

Không chỉ dừng lại ở việc sáng tạo ra những điều mới mẻ, Phan Đăng Hoàng còn mang theo trong mình khát vọng tiếp nối những giá trị đẹp đẽ của thế hệ cha anh. Anh nhấn mạnh: "Bản thân thuộc thế hệ Gen Z, tôi không chỉ muốn sáng tạo ra những cái mới mà còn khao khát tiếp nối và làm lan tỏa những giá trị tốt đẹp của thế hệ đi trước. Việc bảo tồn và lan tỏa tinh hoa văn hóa Việt Nam ra thế giới chính là trách nhiệm mà mỗi người trẻ cần tự nguyện gánh vác. Trong thời trang, tôi luôn mong sản phẩm của mình vừa bắt kịp dòng chảy xu hướng toàn cầu vừa giữ được hơi thở Việt Nam".

Phan Đăng Hoàng cũng mong muốn khơi dậy tinh thần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa trong thế hệ trẻ. Anh kêu gọi: "Tôi hy vọng các bạn trẻ ở mọi lĩnh vực sẽ cùng chung tay gìn giữ, phát huy và lan tỏa những giá trị văn hóa Việt, để bản sắc dân tộc tiếp tục tỏa sáng rực rỡ trong thời đại mới".

Bài 2: Bản “giao hưởng” văn hóa Việt trên bản đồ thời
Thiết kế của Phan Đăng Hoàng tôn vinh các làng nghề truyền thống như đan lát, dệt...

Cùng chung khát vọng lan tỏa giá trị văn hóa Việt ra thế giới, nhà thiết kế trẻ Trần Phương Hoa đã chọn cho mình một hành trình đầy ý nghĩa, đó là kể chuyện Việt Nam qua từng tà áo dài. Mỗi thiết kế không chỉ mang theo vẻ đẹp của nghệ thuật tạo hình mà còn ẩn chứa trong đó niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương sâu sắc.

Sau khi hoàn thiện xong bộ sưu tập "Radiant Peace - Hòa bình rực rỡ", Trần Phương Hoa cho biết, 21 mẫu áo dài đặc biệt này không ra mắt ở sàn catwalk bình thường mà được giới thiệu trong cầu truyền hình trực tiếp "Vang mãi khúc khải hoàn" - chào mừng 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Điều đặc biệt hơn, những người trình diễn không phải là người mẫu chuyên nghiệp mà là các đại sứ, phu nhân, phu quân các nước tại Việt Nam. Trong khoảnh khắc đặc biệt ấy, họ sẽ khoác trên mình tà áo dài Việt Nam và cùng cất cao giai điệu bài hát "Quê hương Việt Nam" như một lời chào thân ái gửi đến đất nước hình chữ S.

"Sắc màu quốc kỳ được chuyển sắc qua kỹ thuật ombre trên nền áo dài truyền thống như những dải lụa ngập nắng, mang theo thông điệp của tình bạn, của sự đồng điệu và của một thế giới chan hòa ánh sáng hòa bình", nhà thiết kế Trần Phương Hoa cho hay.

Để hoàn thiện bộ sưu tập mang ý nghĩa đặc biệt này, Trần Phương Hoa đã nhận được sự hỗ trợ, tư vấn quý báu từ nhiều nhà ngoại giao trong và ngoài nước, góp phần làm cho từng thiết kế không chỉ mang đậm dấu ấn nghệ thuật mà còn chứa đựng tinh thần giao lưu, kết nối văn hóa sâu sắc.

Bài 2: Bản “giao hưởng” văn hóa Việt trên bản đồ thời
Từng thiết kế được thực hiện dựa trên những tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa của mỗi quốc gia

Trước đó, tại sự kiện "Xuân quê hương 2025" tổ chức tại Thái Lan, cô đã có dịp giới thiệu bộ sưu tập áo dài lấy cảm hứng từ tình cảm của cộng đồng kiều bào đối với Bác Hồ và chiếc áo dài truyền thống. Với cô, mỗi lần mang áo dài Việt Nam ra thế giới đều là một trải nghiệm đặc biệt, không chỉ đơn thuần là giới thiệu thời trang mà còn là hành trình lan tỏa bản sắc văn hóa Việt tới bạn bè năm châu

Khi bắt tay vào thiết kế cô dành sự chăm chút tỉ mỉ cho từng gam màu, từng họa tiết, từng đường kim mũi chỉ để mỗi chi tiết đều mang trong mình một câu chuyện Việt Nam, mang hơi thở của cội nguồn dân tộc.

Tại khu trưng bày ở Thái Lan, nhiều khách quốc tế đã dừng lại rất lâu, chăm chú tìm hiểu từng chi tiết về chất liệu, kỹ thuật chế tác và tỏ rõ sự yêu thích, trân trọng đối với những thiết kế áo dài đậm đà bản sắc.

"Sự quan tâm ấy không chỉ là niềm vui nghề nghiệp mà còn là nguồn động viên lớn để tôi càng thêm vững tin vào con đường mình đã chọn", nhà thiết kế Trần Phương Hoa nói và cho rằng việc đưa áo dài ra thế giới không chỉ là khẳng định vị thế thời trang Việt mà còn là cách để gắn kết tâm hồn người Việt xa xứ, để bất cứ ai, dù ở nơi đâu khi nhìn thấy tà áo dài cũng cảm nhận được hơi thở văn hóa Việt Nam.

Bài 2: Bản “giao hưởng” văn hóa Việt trên bản đồ thời
Nhà thiết kế Trần Phương Hoa (trái) giới thiệu áo dài với bà Hoàng Anh - Phu nhân Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Khỏn Kèn (Thái Lan)

Bà Hoàng Anh - phu nhân Tổng Lãnh sự Việt Nam tại tỉnh Khỏn Kèn (Thái Lan) chia sẻ: "Mỗi chiếc áo dài như điểm gắn kết trong cuộc sống nơi xa gắn liền với cội nguồn Tổ quốc. Tôi có dự một số buổi trình diễn áo dài của các nhà thiết kế trẻ Việt Nam và lần nào cũng cảm thấy rất tự hào về áo dài cũng như tinh thần sáng tạo của các nhà thiết kế. Áo dài trở thành một phần bản sắc, một thương hiệu mềm của người phụ nữ Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế".

Bài 2: Bản “giao hưởng” văn hóa Việt trên bản đồ thời

Từ niềm đam mê thời trang thuở bé đến những thiết kế mang bản sắc Việt vươn ra thế giới, hành trình của Vũ Thảo Giang - nhà thiết kế sinh năm 1994 là câu chuyện đầy cảm hứng về tình yêu tà áo dài và nỗ lực không ngừng để quảng bá văn hóa dân tộc.

Ngay từ những thiết kế đầu tiên dấu ấn quê hương đã thấm đẫm trong từng sáng tạo của cô. Thổ cẩm người Tày, họa tiết khảm sành sứ của Huế, kiến trúc cung đình xưa, danh thắng Việt Nam, di sản UNESCO… tất cả được tái hiện sống động và tinh tế trong các bộ sưu tập như "Dấu ấn vàng son", "Bát Nhã", "Dáng ngọc Phương Đông", "Việt Nam gấm hoa", "Qua miền di sản" với 26 di sản Việt Nam được UNESCO công nhận.

Bài 2: Bản “giao hưởng” văn hóa Việt trên bản đồ thời
Bộ sưu tập áo dài "Việt Nam gấm hoa" của nhà thiết kế Vũ Thảo Giang được trình diễn tại Phủ Chủ tịch

Là người dân tộc Tày, thành công với thương hiệu áo dài mang đậm bản sắc văn hóa Việt nhưng Vũ Thảo Giang thẳng thắn chia sẻ rằng con đường khởi nghiệp của cô không hề dễ dàng. Khi bắt đầu sự nghiệp thiết kế, "vốn văn hóa" - những giá trị truyền thống thấm sâu trong tâm hồn đã trở thành tài sản quý giá nhất để cô xây dựng thương hiệu của mình.

"Tôi không bao giờ cạn ý tưởng về các bộ sưu tập bởi vì nguồn vốn văn hóa dân tộc là một kho tàng vô cùng đa dạng. Trong quá trình theo đuổi nghề thiết kế thời trang, tôi nhận ra rằng, khi người trẻ biết sáng tạo và ứng dụng vốn văn hóa dân tộc vào hành trình khởi nghiệp họ sẽ dễ dàng tìm thấy con đường thành công bền vững", Vũ Thảo Giang chia sẻ.

Cô cho rằng, những người trẻ lựa chọn khởi nghiệp từ vốn văn hóa đang nhận được sự tiếp sức mạnh mẽ, khi ngày càng nhiều doanh nghiệp và nhãn hàng chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với các sản phẩm mang đậm hình ảnh, biểu tượng truyền thống, để cùng nhau kể câu chuyện văn hóa Việt tới công chúng hiện đại.

Bài 2: Bản “giao hưởng” văn hóa Việt trên bản đồ thời

Cũng mang trong mình khát vọng quảng bá vẻ đẹp văn hóa và du lịch của 63 tỉnh, thành phố Việt Nam qua ngôn ngữ thời trang, 4 nhà thiết kế trẻ Thạch Linh, Dũng Nguyễn, NguyễnHùng Bảo và Nguyễn Minh Công đã cùng nhau thực hiện thành công show diễn đặc biệt mang tên "Ký họa quê hương".

Trong không gian thấm đẫm hơi thở di sản, những hình ảnh đặc trưng của Hải Dương đã được các nhà thiết kế khéo léo đưa vào từng bộ sưu tập áo dài và trang phục ứng dụng. Qua từng đường cắt, từng họa tiết, nét đẹp của miền quê Việt Nam hiện lên sống động, mộc mạc mà tinh tế khiến người xem không khỏi ngạc nhiên và thích thú.

Mỗi thiết kế không chỉ là sự kết tinh của óc sáng tạo nghệ thuật mà còn chuyên chở những câu chuyện văn hóa, những lát cắt đời sống bình dị mà đầy tự hào của đất quê hương.

Trước đó, Thạch Linh cùng các cộng sự cũng đã tổ chức nhiều dự án thời trang, nghệ thuật tại các địa phương như Nghệ An, Tây Ninh, Ninh Bình… "Mỗi dự án đều đòi hỏi công sức nghiên cứu kỹ lưỡng, sự đầu tư công phu và lòng kiên nhẫn, bởi tổ chức một show diễn gắn liền với điểm đến văn hóa khác biệt hoàn toàn so với trình diễn trong không gian sân khấu truyền thống. Song đối với các nhà thiết kế trẻ như chúng tôi đó lại là một cơ hội quý báu để tận dụng tối đa vẻ đẹp cảnh sắc, tinh thần văn hóa bản địa, thổi hồn vào từng sản phẩm thời trang", nhà thiết kế Thạch Linh chia sẻ.

Thời trang Việt Nam đang ngày càng quan tâm sâu sắc đến yếu tố văn hóa truyền thống. Đây không chỉ là xu hướng mà còn là định hướng rõ ràng trong đào tạo và sáng tạo thiết kế hiện nay.

Ngay từ ghế giảng đường, sinh viên ngành thiết kế thời trang đã được khuyến khích khai thác các giá trị văn hóa dân tộc thông qua các đề tài gắn với lịch sử, di sản và bản sắc Việt Nam. Từ họa tiết thổ cẩm, áo dài truyền thống đến câu chuyện về các vùng miền, thế hệ nhà thiết kế trẻ được truyền cảm hứng để đưa văn hóa bản địa vào trong ngôn ngữ thiết kế một cách mới mẻ và sáng tạo.

Việc lồng ghép yếu tố văn hóa không chỉ giúp tạo dấu ấn riêng cho thời trang Việt mà còn là cách để lan tỏa giá trị lịch sử và bản sắc dân tộc tới công chúng trong nước và quốc tế. Đây cũng chính là hướng đi giúp thời trang Việt "hòa nhập mà không hòa tan", xây dựng bản sắc riêng giữa dòng chảy toàn cầu hóa.

Thời trang và văn hóa có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ. Văn hóa không chỉ thể hiện qua trang phục truyền thống mà còn là nguồn cảm hứng sáng tạo, giúp tạo dấu ấn và bản sắc riêng cho ngành thời trang của mỗi quốc gia.

Trong thời đại thông tin phát triển mạnh mẽ, việc xây dựng bản sắc văn hóa trong thời trang là yếu tố then chốt để một quốc gia khẳng định dấu ấn trên bản đồ thời trang thế giới.

Các quốc gia phương Tây và Mỹ sở hữu ngành công nghiệp thời trang lâu đời với nhiều thương hiệu nổi tiếng toàn cầu. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc đã tạo được ảnh hưởng mạnh mẽ nhờ việc lồng ghép khéo léo văn hóa bản địa vào thiết kế, tạo nên "DNA" (tạm dịch là "bộ gene") đặc trưng trong từng sản phẩm thời trang.

Tại Việt Nam, tôi hoàn toàn tin tưởng vào tiềm năng phát triển của ngành thời trang. Chúng ta đã chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng, tích cực của thời trang Việt Nam trong hơn một thập kỷ qua với sự xuất hiện của nhiều nhà thiết kế trẻ, tài năng và sáng tạo.

Thời trang có rất nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển, trở thành một ngành công nghiệp mũi nhọn cho Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, để xây dựng được bản sắc riêng, các nhà thiết kế cần chủ động lồng ghép những yếu tố văn hóa đặc trưng của Việt Nam vào trong sản phẩm thời trang.

Việc khai thác chất liệu bản địa, hình ảnh dân gian hay tinh thần truyền thống một cách sáng tạo là hướng đi giúp thời trang Việt tạo dấu ấn riêng trên thị trường quốc tế. Song song với đó, việc liên tục cập nhật kiến thức chuyên môn, xu hướng mới và thay đổi trong ngành thời trang toàn cầu là điều không thể thiếu.

Thực hiện: Nhóm phóng viên

Nhóm phóng viên

Có thể bạn quan tâm

Bài 1: Văn hóa Việt

Bài 1: Văn hóa Việt 'viral' trong thời đại 4.0

Một thế hệ nghệ sĩ trẻ Việt Nam đang miệt mài giải "bài toán" gìn giữ truyền thống, văn hóa dân tộc bằng chính ngôn ngữ sáng tạo của họ.
Những hình ảnh ấn tượng tại Lăng Bác trong không khí 30/4

Những hình ảnh ấn tượng tại Lăng Bác trong không khí 30/4

Trong dịp kỷ niệm Thống nhất đất nước 30/4, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thu hút du khách đến thăm, cũng là dịp để người dân hiểu sâu hơn về lịch sử đất nước.
Ngày Thương hiệu Việt Nam: Từ mùa Xuân đại thắng đến mùa Xuân kiến tạo thương hiệu

Ngày Thương hiệu Việt Nam: Từ mùa Xuân đại thắng đến mùa Xuân kiến tạo thương hiệu

50 năm sau mùa Xuân 1975, Việt Nam cần một cuộc tổng tiến công mới – kiến tạo thương hiệu quốc gia bằng đổi mới, sáng tạo và lòng tử tế của chính người Việt.