Trường Sa xanh trong mắt vị tướng ngày trở lại
Niềm tự hào trở lại nơi thiêng liêng của Tổ quốc
Đầu tháng 5 lịch sử, khi cả nước hân hoan kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và kỷ niệm 70 năm thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam (7/5/1955 - 7/5/2025), Thiếu tướng Trần Ngọc Thanh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục quốc phòng và an ninh, Bộ Giáo dục và Đào tạo có mặt trong Đoàn công tác số 17 đến thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK-1 với nhiều bồi hồi và xúc động.
Đây là lần thứ hai ông trở lại vùng biển đảo thiêng liêng sau đúng 8 năm, mang theo bao cảm xúc của một người lính từng trải gần 40 năm trong quân ngũ, gắn bó cả sự nghiệp với công tác giáo dục và đào tạo.
Sau 8 năm Thiếu tướng Trần Ngọc Thanh mới có cơ hội trở lại thăm quân và dân trên quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK-1 |
Là người con của quê lúa Thái Bình, vị tướng mang dáng dấp người thầy không giấu nổi xúc động khi bước chân lên đảo Sinh Tồn. “Trường Sa giờ xanh, đẹp quá. Mới tám năm thôi mà màu xanh đã phủ kín, công trình dân sinh ngày càng tốt hơn, cuộc sống của người dân sinh sống trên đảo đã thay đổi rất nhiều”, ông nghẹn ngào chia sẻ.
So với chuyến đi đầu tiên năm 2017, khi ông cùng cán bộ, chiến sĩ vượt sóng trên tàu Kiểm ngư 490, còn chuyến đi lần này trên tàu bệnh viện HQ 561 của Hải quân Nhân dân Việt Nam đem đến cho ông cảm nhận sâu sắc hơn về quá trình xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và phát triển của Hải quân Nhân dân Việt Nam”.
“Cán bộ, chiến sĩ trên tàu còn rất trẻ nhưng đã cho chúng tôi một cảm nhận trân quý về sự chuẩn bị hết sức chu đáo, sự đón tiếp trọng thị, ấm áp đối với các thành viên của đoàn công tác. Đoàn công tác số 17 còn rất ấn tượng về tác phong chính qui, mẫu mực của cán bộ, chiến sĩ trên tàu HQ 561, đó cũng là hình ảnh của Bộ đội Hải quân nhân dân Việt Nam với truyền thống 70 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành” - Thiếu tướng nói.
“Trường Sa xanh” - biểu tượng của sức sống và niềm tin
Với Thiếu tướng Trần Ngọc Thanh, điều khiến ông ấn tượng nhất chính là màu xanh trù phú đang hiện diện ngày một rõ nét nơi đầu sóng ngọn gió. “Tám năm trước, chỉ một cây rau muống biển thôi cũng quý lắm. Nay đảo phủ đầy bóng cây và những vườn rau xanh tươi, Trường Sa thực sự đã xanh hóa” - ông nhấn mạnh.
Trường Sa ngày nay những hàng cây, vườn rau xanh mướt vươn lên giữa nắng gió trùng khơi |
Màu xanh ấy không chỉ là của cây cối, mà còn là biểu tượng cho sự sống, cho niềm tin, cho sự bền bỉ của những người lính đảo đang từng ngày dựng xây chủ quyền trên nền đá san hô giữa trùng khơi.
Cảm xúc ấy càng dâng trào khi ông tận mắt chứng kiến sự đổi thay mạnh mẽ về hạ tầng, nhà ở, trạm y tế, trường học và các công trình dân sinh trên các đảo. Đây không chỉ là minh chứng cho sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, mà còn là sự chung tay bền bỉ của nhân dân cả nước “vì Trường Sa thân yêu”.
Trong mắt vị tướng và cũng là nhà giáo, đây là một mô hình sống động về kết hợp kinh tế, xã hội gắn với quốc phòng, an ninh, là minh chứng thuyết phục cho tầm nhìn phát triển bền vững biển đảo Việt Nam.
Từ Trường Sa, lan tỏa trách nhiệm bảo vệ chủ quyền
Chuyến công tác của Đoàn công tác số 17 đặc biệt khi gần nửa số người là cán bộ quản lý, giảng viên của các học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội cùng một số cơ quan của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Với họ, chuyến đi không chỉ là những trải nghiệm thực tế thiêng liêng mà còn là hành trình giáo dục lòng yêu nước sống động, chân thực và sâu sắc nhất. Những gì được mắt thấy, tai nghe, được cảm nhận ở Trường Sa, Nhà giàn DK-1 sẽ được các thầy cô đưa vào giảng dạy, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước về trách nhiệm của công dân với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
Chuyến đi là hành trình giáo dục lòng yêu nước sống động, chân thực và sâu sắc nhất đối với những người thầy giáo |
Thiếu tướng Trần Ngọc Thanh khẳng định: “Chuyến đi này giúp các thầy cô càng nhận thức sâu sắc hơn về đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, đây cũng là những thực tế sinh động nhất để các thầy cô đưa vào bài giảng của mình truyền đạt cho học sinh, sinh viên về những giá trị vô cùng quý báu mà bao lớp cha anh đã phải đổi bằng xương máu để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa thiêng liên của Tổ quốc".
Trong buổi lễ tại đảo Trường Sa lớn, Thiếu tướng đã xúc động đề nghị toàn thể đoàn công tác cùng cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo hãy đặt tay lên ngực trái, nơi trái tim mỗi người đang đập, để cảm nhận nhịp đập đồng hành cùng Trường Sa. “Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước. Chúng tôi luôn đồng hành và tri ân các đồng chí đang ngày đêm bám đảo, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, Trường Sa mãi trong trái tim chúng tôi”, ông nhấn mạnh.
Khơi nguồn tinh thần, khẳng định ý chí chủ quyền
Những chuyến đi như thế này, theo Thiếu tướng Trần Ngọc Thanh không chỉ là hoạt động truyền cảm hứng mà còn góp phần thiết thực vào việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Trực tiếp đến với Trường Sa, nơi tuyến đầu Tổ quốc, mỗi cán bộ, đảng viên thêm hiểu, thêm yêu biển đảo quê hương, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng chiến lược của biển đảo trong sự phát triển quốc gia.
Trường Sa đang phát triển và vươn mình mạnh mẽ minh chứng cho một Việt Nam kiên cường, vươn mình ra biển lớn |
“Chúng ta không chỉ nhìn thấy tiềm năng về tài nguyên hay vị trí địa chính trị, mà còn cảm nhận được ý chí sắt đá, sự gắn bó máu thịt giữa quân và dân nơi đây. Đó là nền tảng không thể lay chuyển trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc” - Thiếu tướng nói.
Ông cũng cho biết, việc duy trì thường xuyên các đoàn công tác thăm, động viên quân và dân trên quần đảo Trường Sa có ý nghĩa rất đặc biệt bởi như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang đã nói: “Ai đã ra Trường Sa trở về chắc chắn sẽ yêu Tổ quốc mình hơn” và đây cũng là dịp để kết nối giữa nhân dân cả nước với quân và dân trên đảo, góp phần tạo nên thế trận lòng dân vững chắc giữa đại dương.
Trường Sa trong lòng Thiếu tướng Trần Ngọc Thanh không chỉ là địa danh, mà là biểu tượng thiêng liêng cho tình yêu Tổ quốc, cho niềm tin vào sức mạnh nội sinh của dân tộc. Mỗi cơn gió qua đảo, mỗi nhành cây xanh hóa, mỗi ánh mắt trẻ thơ trên đảo Sinh Tồn, Đá Tây hay Trường Sa lớn… đều là minh chứng cho một Việt Nam kiên cường, vươn mình ra biển lớn. |