Tiền Giang: Sản xuất công nghiệp vì sao tăng trưởng thấp?
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp
Theo báo cáo của Sở Công Thương Tiền Giang, 6 tháng đầu năm nay chỉ số sản xuất công nghiệp tỉnh này tăng 5,6% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 4,4%). Mặc dù mức tăng này vượt so với mục tiêu 4% trong năm 2022, song vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng trước dịch. Cụ thể năm 2018 chỉ số sản xuất công nghiệp của địa phương này tăng 12,1% và năm 2019 đã tăng 11,1% (theo Cục Thống kê tỉnh Tiền Giang). Bên cạnh đó, nếu so với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long như Cần Thơ (tăng 12,68%), An Giang (8,03%)… thì chỉ số sản xuất công nghiệp của Tiền Giang hiện vẫn nằm ở mức thấp.
Điều đáng nói là cả 3 ngành công nghiệp chính đều tăng nhưng ở mức thấp. Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,7%; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 5,17%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,1%. Trong đó, mức tăng trưởng chủ yếu thuộc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tập trung ở ngành sản xuất đồ uống, sản xuất da, sản xuất thuốc hóa dược và dược liệu; sản xuất sản phẩm từ cao su plastic... .
Riêng 2 lĩnh vực chế biến thực phẩm, chế biến thức ăn chăn nuôi và dệt (thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo) lần lượt giảm mạnh 8,39 và 9,81% so với cùng kỳ năm trước.
Xét theo sản phẩm, có tới hơn 50% số sản phẩm công nghiệp (23/43 sản phẩm) giảm so với cùng kỳ. Bao gồm dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng tàu, thuyền giảm 94,5%; phanh và trợ lực phanh giảm 88,1%; máy gặt đập liên hợp giảm 33,3%;…
Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng ở mức thấp |
Chỉ ra nguyên nhân tăng trưởng công nghiệp Tiền Giang chưa cao như một số địa phương khác, ông Vũ Minh Cảnh - Trưởng phòng Quản lý công nghiệp Sở Công Thương Tiền Giang cho biết: Tiền Giang vốn là tỉnh nông nghiệp, trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỉ trọng cao nhất với 38,2% và khu vực công nghiệp, xây dựng chỉ đang chiếm 27,9%, số còn lại là các ngành khác.
Thực tế, theo số liệu của Sở Công Thương Tiền Giang, hiện nay trên toàn tỉnh chỉ có 4 khu công nghiệp và 5 cụm công nghiệp (Khu công nghiệp Mỹ Tho, khu công nghiệp Tân Hương, khu công nghiệp Long Giang, Khu công nghiệp Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp, cụm công nghiệp Trung An, Tân Mỹ Chánh, Song Thuận, Gia Thuận 1, An Thạnh), song các doanh nghiệp trong khu công nghiệp chủ yếu là chế biến nông, thủy sản với giá trị gia tăng thấp.
Bên cạnh đó, do tác động của dịch bệnh Covid-19 nên năm 2021 chỉ số sản xuất công nghiệp của địa phương giảm 2,7% so với cùng kỳ. Những tháng đầu năm 2022, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường, do đó mục tiêu tăng trưởng công nghiệp đặt ra ở mức thấp.
Chẳng hạn, với lĩnh vực công nghiệp chế biến sản xuất thức ăn chăn nuôi giảm 8,39% so với cùng kỳ. Theo phân tích của Sở Công Thương Tiền Giang, nguyên nhân xuất phát từ việc địa phương này chỉ có 10 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu chủ yếu là nhập khẩu từ nước ngoài. Trong khi đó, những tháng đầu năm nay do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga- Ukraine nên nguồn nguyên liệu bị đứt gãy, khiến các nhà máy gặp nhiều khó khăn trong sản xuất. Tương tự, với chế biến thực phẩm, trong nửa đầu năm nay cũng suy giảm do sức mua sau dịch còn chưa phục hồi, dẫn tới lượng tiêu thụ nhiều mặt hàng thực phẩm chế biến giảm, ảnh hưởng tới doanh thu, sản xuất của doanh nghiệp.
Mặc dù đã phục hồi trở lại song hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn |
Còn với lĩnh vực dệt, 6 tháng đầu năm nay dệt giảm 9,81% do trên địa bàn chỉ có một doanh nghiệp là Công ty Minh Hưng sản xuất mùng Olyset xuất khẩu sang thị trường Nhật. Tuy nhiên, do đặc thù mặt hàng này xuất khẩu mạnh vào thời điểm cuối năm, do vậy nửa đầu năm giảm, tình hình tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp gặp khó khăn nên sản lượng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của công ty giảm mạnh so cùng kỳ.
Chưa kể, hiện nhiều doanh nghiệp trên địa bàn cũng gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động. Ông Nguyễn Văn Bảy - Giám đốc Công ty TNHH Một Thành viên Long Hùng Phát tại xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang - cho biết, từ đầu năm đến nay, việc tuyển dụng lao động cho doanh nghiệp rất khó khăn. Công ty phải thông báo tuyển lao động thường xuyên nhưng vẫn thiếu do nhiều lao động nghỉ việc do công việc không phù hợp, e ngại dịch bệnh nên chuyển sang làm nghề khác tại nhà. "Bây giờ hàng hóa thì ít nhưng công nhân lại nghỉ nhiều, dù chúng tôi treo thưởng, chế độ này kia nhưng vẫn nghỉ. Tôi đăng tuyển nhưng 1-2 tháng mới có người vào làm. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục đăng tuyển lao động để khi công nhân có nghỉ thì mình vẫn có người để làm” - ông Bảy chia sẻ.
Hỗ trợ sản xuất công nghiệp phát triển
Từ thực tế trên, Sở Công Thương Tiền Giang dự báo 6 tháng cuối năm chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh chỉ tăng 5% so với cùng kỳ; tiếp tục tăng chủ yếu ở khu vực thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và tập trung ở các ngành sản xuất đồ uống, sản xuất da và sản xuất thiết bị điện.
Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, Sở Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh về tình hình hoạt động, thị trường tiêu thụ, nguyên liệu sản xuất, lao động,... Tập trung rà soát lại tình hình sản xuất ở từng ngành (đặc biệt là các ngành như: dệt may, da giày, chế biến thủy sản, sản xuất kim loại, cơ khí...) và đánh giá tác động của dịch bệnh đến từng ngành để có giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất.
Đồng thời, tiếp tục phối hợp triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh Tiền Giang về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Triển khai có hiệu quả các chính sách, chương trình, đề án khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, khuyến khích giúp đỡ kịp thời cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai đầu tư sản xuất.
Ông Đặng Văn Tuấn - Quyền Giám đốc Sở Công Thương - cho biết, các chính sách thu hút, mời gọi đầu tư gắn với kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng giúp hoạt động sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của tỉnh tăng trưởng một cách mạnh mẽ. Nhiều nhà máy hoạt động trong Khu công nghiệp Tân Hương, Khu công nghiệp Long Giang,... ngay từ đầu năm đã đi vào hoạt động ổn định, đẩy mạnh sản xuất.
Bên cạnh đó, quan điểm của địa phương là mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản trên cơ sở khai thác triệt để lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh, bao gồm cả xuất khẩu nông sản tươi và nông sản thông qua chế biến, phù hợp yêu cầu từng thị trường và đảm bảo gia tăng giá trị của hàng hóa xuất khẩu, tăng cường xuất khẩu chính ngạch và giảm dần xuất khẩu tiểu ngạch,... Đặc biệt là không ngừng mở rộng thị trường, tăng thị phần hàng nông sản xuất khẩu của tỉnh tại các thị trường mục tiêu cũng như tăng dần tỷ trọng hàng nông sản chế biến sâu và mang lại giá trị gia tăng cao.