Thương mại biên giới: Để "dòng chảy" không gián đoạn
"Căng mình" túc trực ngày đêm
Trực tiếp dẫn chúng tôi đi tìm hiểu thực tế tại khu vực bến xe Tân Thanh - nơi có khoảng 650 container đang nằm chờ thông quan, Trung tá Nguyễn Đức Trịnh - Đồn trưởng Đồn biên phòng Tân Thanh (Lạng Sơn) - cho biết, những ngày qua, nhiều chiến sĩ và cán bộ hải quan, y tế… đã phải túc trực 24/24h ở khu vực cửa khẩu, kể cả ngày nghỉ. Công việc hàng ngày của các đơn vị là đảm bảo duy trì an ninh trật tự, điều tiết phương tiện, đồng thời tích cực trao đổi thông tin với phía bạn để tạo điều kiện cho thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.
"Tuy vào lúc cao điểm công việc có vất vả hơn, nhưng niềm vui lớn nhất lúc này với chúng tôi là nhìn thấy những dòng xe nối đuôi nhau xuất khẩu, để người nông dân và doanh nghiệp có một cái Tết trọn vẹn" - người chiến sĩ quê gốc Nam Định chia sẻ giữa những tiếng ầm ì của những chuyến xe ra vào bãi tập kết.
Doanh nghiệp cần đey mạnh xuất khẩu chính ngạch |
Cách tỉnh Lạng Sơn hơn 200 km, thành phố vùng biên Móng Cái (Quảng Ninh), những ngày qua không khí làm việc khẩn trương, hối hả cũng lan tỏa khắp các cơ quan, lực lượng tại khu vực cửa khẩu. Đặc biệt, từ sáng ngày 10/1/2022, phía tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã chính thức khôi phục thông quan tại các cửa khẩu/lối mở biên giới tại thành phố Đông Hưng, phía Việt Nam là cầu Bắc Luân 1, cầu Bắc Luân 2 và cầu phao Km 3+4 Hải Yên, không khí xuất nhập khẩu hàng hóa nhộn nhịp, sôi động trở lại.
Tiếp chúng tôi, ông Hoàng Bá Nam - Bí thư Thành ủy Móng Cái - thông tin, số liệu tổng hợp đến 16 giờ ngày 11/1/2022, tức là chỉ hơn 1 ngày sau khi thông quan trở lại, tại cửa khẩu Bắc Luân II đã thông quan được 573 phương tiện, với tổng lượng hàng hóa đạt 2.153 tấn. Bên cạnh đó, hàng hóa xuất nhập khẩu tại lối mở Cầu phao Km3+4 Hải Yên đạt 235 phương tiện, chở 3.354 tấn hàng hóa.
"Chúng tôi đang tập trung lực lượng cao nhất, làm việc cả ngày đêm để giải quyết nhanh các thủ tục xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp, đặc biệt ưu tiên các mặt hàng nông sản" - ông Hoàng Bá Nam nhấn mạnh và cho biết, hàng ngày đều trao đổi thông tin không dưới 3 lần với Đảng bộ chính quyền của thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) về công tác phòng, chống dịch, cũng như những vấn đề liên quan đến xuất nhập khẩu nhằm thúc đẩy tốc độ thông quan hàng hóa.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và tỉnh Quảng Ninh, Móng Cái đã cùng Đông Hưng xây dựng khu vực Móng Cái là "vùng xanh" an toàn trong công tác phòng, chống dịch, linh động, phù hợp với chiến lược Zezo Covid-19 ở phía bạn, thông qua đó khẳng định niềm tin chiến lược giữa hai thành phố, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng như trong giao thương.
"Mặc dù trong trong năm 2021, Trung Quốc đã dừng hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu, lối mở trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh 7 lần, nhưng nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của các lực lượng chức năng, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn thành phố Móng Cái năm 2021 vẫn đạt 4 tỷ USD, tăng 46% so với năm 2020" - ông Hoàng Bá Nam cho hay.
Tính chuyện đường dài
Dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Công Thương làm việc với các địa phương biên giới phía Bắc nhằm trao đổi, nắm bắt tình hình và bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu trong những ngày cuối năm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã đánh giá cao nỗ lực của các tỉnh, các sở, ban, ngành, các lực lượng trên địa bàn trong lúc khó khăn, phức tạp do dịch bệnh, vẫn cố gắng giữ được lưu thông hàng hóa, không những thế còn đẩy kim ngạch xuất khẩu nông sản qua địa bàn tăng.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về sự đồng hành của Bộ Công Thương với các địa phương trong việc hỗ trợ xuất khẩu nông sản, giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, từ đầu năm 2020 khi dịch bệnh nổ ra, các cửa khẩu hầu như đóng, Bộ đã nghiên cứu báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép mở lại các cửa khẩu để bảo đảm lưu thông hàng hóa giữa hai bên, không chỉ hàng xuất khẩu của nước ta, mà còn cả nhập khẩu nguyên, vật liệu từ Trung Quốc.
Xe container chờ thông quan |
"Trong năm 2020 và 11 tháng đầu năm 2021, mặc dù dịch bệnh phức tạp, nhưng chúng ta không nhìn thấy sự gián đoạn của hàng hóa, không những vậy, xuất khẩu nông sản của Việt Nam qua khu vực biên giới đất liền phía Bắc tăng hơn 18%" - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh thông tin, đồng thời khẳng định, nếu không có biện pháp nỗ lực của cả hệ thống làm sao bảo đảm được lưu thông hàng hóa ở khu vực cửa khẩu biên giới.
Tuy nhiên, để giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa khi vào dịp cao điểm, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, cách tốt nhất lúc này là làm sao sản xuất ra các sản phẩm có thể xuất khẩu được theo đường chính ngạch. Các địa phương sản xuất nông sản lớn phải vào cuộc từ sớm hơn, học tập kinh nghiệm của Bắc Giang, Hải Dương.
Vẫn là xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc nhưng nhờ có sự quan tâm, xây dựng các kịch bản, kế hoạch kết nối khách hàng ngay từ đầu vụ của chính quyền tỉnh nên trong vòng chưa đầy 2 tháng các tỉnh này đã xuất khẩu gần 130.000 tấn vải.
"Nếu như các tỉnh khác có thể làm được như vậy, tốc độ thông quan sẽ nhanh hơn rất nhiều và qua đó góp phần giảm tải ùn tắc ở cửa khẩu, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh" - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh lưu ý.
Thứ trưởng Bộ Công Thương TRẦN QUỐC KHÁNH: Để giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa khi vào dịp cao điểm, cách tốt nhất lúc này là làm sao sản xuất ra các sản phẩm có thể xuất khẩu được theo đường chính ngạch. Các địa phương sản xuất nông sản lớn phải vào cuộc từ sớm hơn. |